24/09/2020 10:28 GMT+7

Lúa sạch - hướng đi bền vững của An Giang

BỬU ĐẤU - MẬU TRƯỜNG
BỬU ĐẤU - MẬU TRƯỜNG

TTO - 10 năm trước An Giang là tỉnh có sản lượng lúa dẫn đầu vùng ĐBSCL thì nay đã khác, tỉnh chủ trương không chạy theo gia tăng sản lượng mà tập trung sản xuất lúa chất lượng cao.

Lúa sạch - hướng đi bền vững của An Giang - Ảnh 1.

Ông Đỗ Thiên Thanh, xã Vĩnh Khánh, huyện Thoại Sơn, chăm sóc nếp theo dạng liên kết với Tập đoàn Lộc Trời để xuất khẩu châu Âu - Ảnh: BỬU ĐẤU

Toàn tỉnh có gần 30 doanh nghiệp liên kết với nông dân sản xuất lúa sạch, lúa đạt chuẩn GlobalGAP để xuất khẩu khắp thế giới, nhất là những thị trường khó tính.

An Giang sẽ duy trì diện tích sản xuất lúa ổn định, song song đó tiếp tục nâng cao chất lượng lúa gạo
theo hướng bền vững.

Ông Trần Anh Thư (phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang)

Giá cả ưng ý lắm

Dẫn chúng tôi đi trên bờ ruộng xanh mướt lúa non, ông Đỗ Thiên Thanh - 46 tuổi, ngụ xã Vĩnh Khánh, huyện Thoại Sơn cho biết, vụ này gia đình làm gần 4ha nếp IR4625 theo diện liên kết với Tập đoàn Lộc Trời để xuất đi châu Âu.

"Khó khăn hiện nay khi làm liên kết xuất khẩu là mỗi lần phun, xịt thì phải điện thoại tới lui cho cán bộ Tập đoàn Lộc Trời, còn giá cả là "giá chết" (giá theo hợp đồng thỏa thuận trước đó). Hợp đồng là 6.000 đồng/kg nếp thì bà con cũng ưng ý lắm. Yêu cầu của hàng xuất khẩu buộc chúng tôi làm mọi thứ phải sạch, dẫn đến chi phí cao. Vì vậy, giá nếp phải ổn định như hiện nay chúng tôi mới dám làm" - ông Thanh nói.

Ông Nguyễn Trọng Hiếu - cán bộ "3 cùng" của Tập đoàn Lộc Trời phụ trách địa bàn xã Vĩnh Khánh cho biết, mô hình liên kết trồng xuất khẩu châu Âu đã được triển khai hơn một năm nay ở xã này. Trước khi thu hoạch từ 7 - 10 ngày sẽ lấy mẫu thu hoạch đưa về đơn vị thứ 3 để test. "Nếu được xác nhận đạt chuẩn đi châu Âu thì người nông dân được cộng 300 đồng/kg nếp khi cân cho chúng tôi, còn nếu không đạt thì bà con cứ bán đúng theo giá thị trường.

Nhìn chung làm theo mô hình trồng lúa liên kết xuất khẩu đi châu Âu nông dân lợi nhuận tăng thêm từ 3 - 4 triệu đồng/ha. Chủ yếu là hướng bà con thay đổi phương thức, cách thức sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất" - ông Hiếu nói.

Có lợi thì nông dân sẽ thay đổi sản xuất

Ông Lê Trần Thiện Nhân - giám đốc Nhà máy lương thực Tấn Vương của Công ty TNHH lương thực Tấn Vương cho hay, hiện tại công ty đang hợp đồng bao tiêu liên kết với gần 5.000ha/năm ở An Giang, chủ yếu là Jasmin, Đài Thơm, OM6976...

Tùy từng thị trường mà công ty có những tiêu chuẩn riêng. Hằng năm, công ty xuất khẩu khoảng 80.000 tấn gạo đi nhiều nước (ngoại trừ Mỹ), trong đó mua gạo ở An Giang khoảng 18.000 tấn. "Ở An Giang, chúng tôi làm quy trình sản xuất riêng của Tấn Vương, chủ yếu xuất đi Malaysia, châu Phi và Trung Đông. Nông dân làm theo quy trình sản xuất của doanh nghiệp, dần dần hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu. Chi phí sản xuất thấp hơn bình thường nên người khác thấy vậy làm theo. Nông dân liên kết với chúng tôi lợi nhuận sau thu hoạch thấp gì cũng 10 triệu đồng/ha" - ông Nhân nói.

Còn ông Huỳnh Văn Thòn - chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Lộc Trời - khẳng định giá gạo đang tăng nhanh, người nông dân được lợi nhuận cao và phấn khởi. "Hiện tại, chúng tôi đã liên kết tập hợp nhằm kiến tạo hệ sinh thái bao gồm: nông dân, các đơn vị sản xuất, dịch vụ, tài chính, tín dụng, thu mua, chế biến, tiêu thụ và bảo quản... đảm bảo khép kín quy trình sản xuất: lên kế hoạch, quy hoạch, sản xuất, thu mua, chế biến, đưa đến bàn ăn người tiêu dùng" - ông Thòn nói.

Mở rộng quy mô sản xuất lúa sạch

Ông Nguyễn Văn Hiền - chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh An Giang - cho biết những năm qua, An Giang đẩy mạnh sản xuất lúa trên nền tảng của tiến bộ kỹ thuật "1 phải, 5 giảm" và tiến lên sản xuất lúa gạo bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế (SRP), vấn đề an toàn chất lượng đã từng bước hình thành và ngày càng mở rộng.

Đến nay, toàn tỉnh An Giang có khoảng 90% diện tích áp dụng "3 giảm, 3 tăng", 47% diện tích áp dụng "1 phải, 5 giảm". Từ năm 2016 đến nay đã triển khai sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP đến 1.200 hộ nông dân, với tổng diện tích qua các mùa vụ là 22.000ha; 60ha sản xuất theo GlobalGAP; 20ha đạt tiêu chuẩn VietGAP, vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn lúa Nhật (Japonica hạt tròn), vùng chuyên canh nếp và 400ha sản xuất không sử dụng thuốc trừ sâu rầy sẵn sàng cung cấp nguyên liệu theo yêu cầu của doanh nghiệp. Tổng diện tích có liên kết với doanh nghiệp ước đạt gần 52.000ha, riêng Lộc Trời thực hiện 9.200ha trong năm 2020.

Ông Trần Anh Thư - phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang khẳng định nhiệm kỳ qua, đối với ngành hàng lúa gạo, tỉnh tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng theo chuỗi giá trị, từ khâu giống chất lượng, sản xuất theo tiêu chuẩn doanh nghiệp và thị trường cần.

Theo ông Thư, để xuất khẩu vào các thị trường khó tính như châu Âu là phải tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị. Trong đó, cần bắt đầu từ khâu giống đạt chất lượng và phải đáp ứng theo nhu cầu thị trường cần. Từ đó tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn do doanh nghiệp đề ra như tiêu chuẩn SRP hay GlobalGAP, VietGAP, NhatGAP...Tạo vùng nguyên liệu một cách ổn định gắn với doanh nghiệp từng bước sẽ hình thành nên các chuỗi giá trị có hợp tác xã với sự tham gia của doanh nghiệp. An Giang hiện có khoảng 28.000ha cho sản xuất giống, đáp ứng 90% nhu cầu giống trong tỉnh và một phần cung ứng cho các tỉnh trong ĐBSCL.

"Với nhiệm vụ đảm bảo tăng trưởng đồng thời đóng góp cho an ninh lương thực quốc gia, An Giang sẽ duy trì diện tích sản xuất lúa ổn định, song song đó sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng lúa gạo theo hướng bền vững. Do đó trong nhiệm kỳ tới, tỉnh sẽ tập trung mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm lúa gạo, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng, tăng cường mời gọi doanh nghiệp đầu tư liên kết theo chuỗi giá trị lúa gạo nhằm phục vụ tốt cho nhu cầu thị trường trong và ngoài nước, trong đó có các thị trường cao cấp, nhất là khi hiệp định EVFTA bắt đầu có hiệu lực", ông Thư nói.

Giá trị sản xuất nông nghiệp của An Giang đạt trên 192 triệu đồng/ha

Từ ngày 23 đến 25-9, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 sẽ chính thức diễn ra. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của tỉnh để đánh giá toàn diện kinh tế - xã hội sau 5 năm và đề ra giải pháp nhiệm vụ trọng tâm nhiệm kỳ 2020 - 2025 sắp tới.

Báo cáo chính trị cho thấy nhiệm kỳ qua, ngành nông nghiệp tỉnh An Giang tiếp tục khẳng định vai trò nền tảng của nền kinh tế, với mức tăng trưởng bình quân 2,3%/năm, đóng góp tích cực vào tốc độ tăng trưởng chung GRDP bình quân của tỉnh. Giá trị sản xuất nông nghiệp 2015 là 142,7 triệu đồng/ha, đến năm 2020 đạt khoảng 192 triệu đồng/ha. Toàn tỉnh có trên 400 mô hình được hỗ trợ phát triển sản xuất theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với thực hiện xây dựng nông thôn mới và đã thu hút 60 dự án đăng ký đầu tư vào nông nghiệp với tổng vốn 22.860 tỉ đồng.

An Giang là một trong những tỉnh có diện tích sản xuất và năng suất tương đối cao hơn trung bình năng suất chung của khu vực ĐBSCL. Tổng diện tích có liên kết với doanh nghiệp ước đạt gần 52.000ha, riêng Lộc Trời thực hiện 9.200ha trong năm 2020.

Hướng tới, An Giang sẽ tập trung mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm lúa gạo, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng, tăng cường mời gọi doanh nghiệp đầu tư liên kết theo chuỗi giá trị lúa gạo nhằm phục vụ tốt cho nhu cầu thị trường trong và ngoài nước, trong đó có thị trường cao cấp, nhất là khi hiệp định EVFTA bắt đầu có hiệu lực.

Những người tiên phong với lúa sạch Những người tiên phong với lúa sạch

TTO - Khi thực phẩm hữu cơ vẫn còn là câu chuyện lạ lẫm cách đây mười năm về trước thì một nhóm nông dân ở xã Bình Quý, huyện Thăng Bình, Quảng Nam đã đam mê theo đuổi trồng lúa hữu cơ.

BỬU ĐẤU - MẬU TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp