Những tấm vé được phát tại các trường - Ảnh: Lưu Trang |
“Cá sấu khổng lồ đã từng giết chết năm đời chồng”, “Cuộc chiến giữa người và thú”, “Diễn một tối duy nhất”... là những dòng quảng cáo trong các vé xem xiếc miễn phí được phát cho hàng ngàn HS tiểu học tại quận Bình Thạnh, TP.HCM.
Điều đáng nói là các trường học nhận phát vé mời này tới toàn bộ HS của mình, nhưng không ai biết gì về “tung tích” của đoàn xiếc (tên đoàn xiếc, địa chỉ liên hệ, giấy phép biểu diễn...).
Nội dung chương trình xiếc - tạp kỹ mà đoàn xiếc này biểu diễn gồm: ảo thuật, hài, uốn dẻo, xiếc thú (khỉ, trăn, gấu), ăn bóng đèn, nuốt kiếm, bọ cạp... Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, trước khi đến Bình Thạnh, những hoạt động thông qua trường học để tặng vé xem xiếc cho HS nhằm “dụ” phụ huynh mua vé này đã diễn ra tại nhiều nơi ở TP.HCM như quận 5, quận 8.
Vào trường tặng vé
Nhiều trường tiểu học tại quận Bình Thạnh khá bất ngờ khi được nhân viên tự xưng là đến từ một đoàn xiếc, có nhã ý tặng vé cho toàn bộ HS và cán bộ, công nhân viên của trường tham dự chương trình biểu diễn “Đại hội xiếc thú tổng hợp” lúc 20g chủ nhật ngày 26-10-2014 tại Trung tâm TDTT quận Bình Thạnh (số 8 Phan Đăng Lưu, Bình Thạnh).
Vé được đưa đến cho các lớp. Có trường phát hơn 1.300 vé, có trường nhận khoảng 900 vé. Khi được hỏi “đó là đoàn xiếc nào?” thì các tổng phụ trách Đội hay ban giám hiệu các trường này đều ngớ người vì ngoài việc bất ngờ được tặng vé, họ không nắm được tên đơn vị tổ chức hoạt động này.
“Hình như một đoàn xiếc ở miền Bắc, Hải Dương hay Thanh Hóa gì đó thì phải” - một vị trong ban giám hiệu nhớ lại.
Tối 26-10, cảnh tượng vô cùng lộn xộn diễn ra tại Trung tâm TDTT quận Bình Thạnh khi sức chứa của khu vực biểu diễn xiếc chỉ khoảng 1.000 người nhưng số phụ huynh và HS đến quá đông.
Một giáo viên Trường tiểu học Bạch Đằng kể lại: “Khi đến nơi, chúng tôi mới biết chỉ trẻ em được vào miễn phí, người lớn bất kể là cô giáo hay cha mẹ, có thư mời hay không cũng phải mua vé với giá 100.000 đồng.
Ngoài ra phải thuê ghế nhựa 10.000 đồng/người nếu không phải đứng xem. Tôi rất bức xúc vì chương trình phục vụ trường học nhưng tổ chức theo kiểu chụp giựt, lừa đảo, không có ai đứng ra quản lý, người lớn và trẻ con chen chúc, kẹt xe, người có vé cũng không vào được vì quá đông”.
Trong khi đó, một phụ huynh Trường tiểu học Bế Văn Đàn bức xúc nói: “Khi cầm vé mời, tôi đã thấy nghi vì vé không đề thông tin gì về ban tổ chức ngoài những lời quảng cáo, nhưng cứ nghĩ là của trường phát thì chắc tin tưởng được.
Đến nơi mới biết thực chất là họ tìm cách bắt phụ huynh mua vé xem xiếc mà thôi. Lợi dụng HS để làm ăn là không chấp nhận được, đó là một lẽ nhưng khâu tổ chức cũng quá tệ. Vì quá đông nên nhiều người mua vé rồi nhưng không được vào, trả lại vé thì không được nên la lối, trẻ con kêu khóc vì đòi vào trong xem xiếc, cảnh tượng hỗn loạn hết chỗ nói”.
Một số phụ huynh khác thì nhận định: “Ngay từ đầu tôi đã thấy cách tổ chức có gì đó mờ ám, chắc đây là nguyên nhân mà đoàn xiếc treo băngrôn, phát loa quảng cáo rất hoành tráng nhưng chỉ diễn một đêm duy nhất rồi sau đó mất tích”.
Sẽ nhắc nhở...
Trung tâm TDTT quận Bình Thạnh, đơn vị cho đoàn xiếc này thuê địa điểm, cung cấp cho chúng tôi hai văn bản: một là giấy phép tổ chức biểu diễn nghệ thuật do Sở VH-TT&DL TP Hải Phòng cấp cho doanh nghiệp tư nhân ca nhạc xiếc tạp kỹ Sông Cấm được phép tổ chức chương trình xiếc - tạp kỹ từ ngày 13-6 đến 31-12-2014, chịu trách nhiệm chương trình là ông Trương Minh Tác, giám đốc.
Hai là văn bản của Sở VH-TT&DL TP.HCM “tiếp nhận chương trình xiếc - tạp kỹ” ký ngày 9-10-2014, trong đó chấp thuận cho công ty này tổ chức biểu diễn tại TP.HCM từ 13-10 đến 31-12-2014.
Một nhân viên của Trung tâm TDTT Bình Thạnh có mặt tại buổi biểu diễn tối 26-10 cho biết thêm: “Khoảng 19g45, khi thấy phụ huynh và HS đến quá đông, con số vào phía trong đã khoảng 1.000 người, chúng tôi đã yêu cầu đoàn xiếc ngưng bán vé để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên phụ huynh mang vé mời đến và đòi vào trong, nếu không thì chỉ gửi con vào cũng được, ban tổ chức không đồng ý nên họ đứng chen chúc ở trước cổng trung tâm, một số người bực tức la ó”.
Vé mời của “đại hội xiếc thú tổng hợp” này có nhiều mẫu khác nhau, nhưng phần đơn vị tổ chức đều để trống và thông tin không nhất quán. Ở những giấy mời phát cho giáo viên ghi rõ: “Trân trọng kính mời một đại biểu. Ban tổ chức sẽ thu hồi vé mời nếu không đúng đối tượng.
Lưu ý: Vé mời chỉ có giá trị đối với đại biểu được mời. Không được phép mua bán, trao đổi”. Chương trình miễn phí cho trẻ em nhưng có vé mời lại ghi “không kèm trẻ em”, có vé còn ghi sai chính tả. Hầu hết vé mời không ghi rõ thời gian tổ chức.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Minh Nhơn, trưởng Phòng giáo dục quận Bình Thạnh, cho biết hoạt động phát vé mời xem xiếc diễn ra ở các trường, phòng giáo dục chưa nắm và chưa nghe phản ánh.
“Về vấn đề tiếp thị, quảng cáo trong trường học, Sở GD-ĐT TP.HCM và phòng giáo dục đều đã có văn bản nhắc nhở các trường nhiều lần. Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm trực tiếp nếu để xảy ra các vấn đề đơn vị bên ngoài vào trường bán vé, quảng cáo. Phòng giáo dục sẽ có những nhắc nhở các hiệu trưởng rút kinh nghiệm và cảnh giác với trường hợp nêu trên, bởi có thể nhiều hiệu trưởng nghĩ rằng cái này phát miễn phí thì có lợi cho HS nên họ mới cho triển khai” - ông cho biết.
“Dụ” cả trẻ mầm non Chị Nghĩa, phụ huynh có con 4 tuổi đang học tại một trường mầm non công lập ở quận 5, TP.HCM, nhớ lại: “Cách đây 10 ngày đón con từ trường về thì bé khoe được tặng vé xem “đại hội xiếc thú” và đòi đi coi. Tôi cứ nghĩ là những tiết mục có tính giáo dục như dạy chó làm toán hay khỉ đạp xe mà trước đây thường đi xem. Khi tôi đưa cháu tới nơi biểu diễn thì được biết người lớn phải đóng thêm 80.000 đồng/người và thuê ghế nhựa 10.000 đồng/người. Tôi và nhiều phụ huynh khác đều có tâm lý bị lừa nhưng đã lỡ đến nơi rồi, con lại đòi xem nên cũng quyết định vào trong. Sân bãi nhếch nhác, dựng rạp rất tạm bợ, người xem thì đứng ngồi lổm nhổm như cái chợ. Tôi xem tiết mục đầu tiên là người đàn ông dùng con dao chọc qua da mình, thấy rùng rợn quá nên cho con về. Một số người khác cũng bỏ về vì thấy cách tổ chức quá kém và nội dung không phù hợp. Ngày hôm sau tôi lại thấy đoàn xiếc này treo băngrôn ở quận 6”. Tương tự, một phụ huynh ở quận 8 cũng gọi cho Tuổi Trẻ cho biết cách đây hơn một tuần anh cũng lâm vào tình cảnh tương tự, bị “dụ” đi xem xiếc bằng vé mời miễn phí cho trẻ con. |
Nếu có phản ảnh không tốt, sở sẽ mời làm việc Ông Nguyễn Thành Tâm - chuyên viên phòng nghệ thuật Sở Văn hóa, thể thao và du lịch TP.HCM - xác nhận sở có ký văn bản tiếp nhận chương trình xiếc - tạp kỹ của doanh nghiệp tư nhân ca nhạc xiếc tạp kỹ Sông Cấm. Ông nói: “Doanh nghiệp này đã được Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Hải Phòng cấp giấy phép tổ chức biểu diễn nghệ thuật. Khi đến TP.HCM, chúng tôi xem xét trên cơ sở nội dung không phản cảm, không chống phá chế độ, danh sách các tiết mục không có vấn đề gì thì chúng tôi có văn bản tiếp nhận chương trình. Hiện tại, sở chưa nhận được phản ảnh nào về hoạt động biểu diễn của doanh nghiệp. Sở cũng không đủ người để phân công đi giám sát từng chương trình. Nếu có những phản ảnh không tốt, sở sẽ mời doanh nghiệp lên làm việc, chuyển hồ sơ sang thanh tra sở để có những chế tài, xử lý phù hợp”. LINH ĐOAN ghi |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận