GS.TS Nguyễn Thị Lang và bông lúa lai dài 32cm, sản phẩm lai tạo từ lúa ma Bến Tre và giống OM7347 - Ảnh: V.Tr. |
Ở đó, có cả chục dòng lúa ma được mang về từ nhiều nơi trên thế giới.
Với 360 chậu lúa ma nhiều sắc thái, kiểu hình luôn được chăm sóc, giữ gìn chu đáo, “bảo tàng lúa ma” còn được xem là một ngân hàng gen sống rất quý không chỉ đối với Viện Lúa ĐBSCL.
Những “đứa con” trong nhà lưới
Vợ chồng GS.TS Bùi Chí Bửu - Nguyễn Thị Lang là cặp đôi nhà khoa học hiếm hoi cùng say mê và dành cả đời để nghiên cứu về lúa ma. “Có lần tui đang ngồi say mê ngắm cây lúa ma mọc ven đường, lát sau nhìn lên có rất nhiều người đứng xung quanh nhìn tôi xì xào. Họ tưởng tôi bị khùng, tự nhiên ra đường ngồi ngắm... cỏ. Rồi nghe đồng nghiệp bảo ở hồ Lắk tận Buôn Ma Thuột có lúa ma, tui cũng lên tận nơi kiếm. Giống này có gen kháng rầy nâu rất tốt. Nhờ vậy mà bây giờ trong nhà lưới này mới có được 360 chậu lúa ma” - bà Lang kể.
Đang theo dõi 90 tổ hợp lai GS.TS Nguyễn Thị Lang cho biết trong thời gian qua bà dành rất nhiều công sức và tâm huyết để nghiên cứu lai tạo các giống lúa mới mà bố là lúa ma. Ngoài ba loài lúa ma tại VN, bà còn thử lai lúa ma ở Lào, Úc, châu Phi... với các giống lúa thơm, lúa chất lượng cao của Thái Lan, Ấn Độ, VN. Tất cả những thử nghiệm này nhằm tìm ra những giống lúa mới vừa có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, vừa cho năng suất cao giúp nông dân tăng thu nhập và đáp ứng nhu cầu sử dụng gạo cao cấp của người tiêu dùng. Hiện bà đang theo dõi sát sao gần 90 tổ hợp lai như thế. |
Đưa tay vuốt ve chậu lúa ma nằm gần cổng nhà lưới dãy bên trái, bà Lang bảo đây là lúa ma Bến Tre. Mấy năm trước trong một lần đi công tác Bến Tre, bà nhìn thấy nó mọc ven con kênh khá lớn. Bà mon men sát bờ kéo cây lúa vào để nhổ mang về trồng. “Bùm”. Bà trượt chân rơi xuống kênh. Dù quần áo ướt hết và lấm lem bùn đất nhưng bà cũng cố gắng “bứng” trọn bụi lúa ma này rồi bò lên bờ. Cây lúa ma này sau khi được nuôi dưỡng một thời gian thì ra bông. GS.TS Nguyễn Thị Lang đã lấy gen của nó lai với giống OM7347 cho ra đời một đứa con, hứa hẹn sẽ là “siêu lúa” trong tương lai.
Mặc dù bông lúa của mẹ OM7347 từng gây ngạc nhiên cho mọi người vì rất dài, nhưng theo GS.TS Nguyễn Thị Lang, bông của đứa con lai từ lúa ma Bến Tre này còn dài hơn, hạt nhiều hơn. “Mấy chục năm trong nghề chọn tạo giống lúa, tôi chưa bao giờ nhìn thấy bông lúa nào như thế” - bà Lang quả quyết. Vì đang trong giai đoạn đầu của quá trình lai và chọn tạo nên bông lúa này vẫn còn nhiều khuyết điểm bắt buộc phải khắc phục. Mặc dù vậy bà vẫn tin tưởng sẽ lai tạo thành công và cho ra đời “siêu lúa” từ sự kết hợp lúa ma Bến Tre và OM7347. “Tôi sẽ tiếp tục lai với mục tiêu tạo ra cây lúa cứng cáp, chống chịu phèn, mặn, sâu bệnh tốt, bông lúa vẫn dài như thế này, hạt gạo thơm ngon như Khao Dawk Mali hay Jasmine 85” - bà Lang nói.
Ở góc gần cuối nhà lưới, phía bên phải có mấy chậu lúa ma rất đặc biệt vì không phải là lúa ma VN. Chỉ vào chậu cây thấp, lá nhỏ, bà Lang bảo đó là lúa ma châu Phi (Oryza eichingeri). Giống này bà mang về VN từ hạt gạo và cứu sống phôi nên mới có được nó như bây giờ. Ở ngay bên cạnh là chậu lúa ma trông khá bệ vệ với lá to, xòe và đang trổ bông. Thấy tôi dừng lại khá lâu để ngắm và chụp ảnh bông lúa, bà Lang giải thích thêm: “Đó là lúa ma Oryza australiensis, được tìm thấy ở vùng nhiệt đới Úc, thuộc loài ưa sáng, bông lúa xòe, hạt lúa dài và rộng hơn bông lúa Oryza officinalis của VN. Lúa này cung cấp gen kháng rầy nâu đã được khai thác thành công”.
Trong nhà lưới số 5 hiện giờ có ba dòng lúa ma VN và các dòng lúa ma châu Phi, Úc, Mỹ, Lào, Campuchia, Philippines. Tuy nhiên loài lúa ma châu Mỹ và Philippines trồng để bảo tồn là chính vì không dùng để lai tạo giống mới được. Nói gì thì nói, lúa ma VN vẫn rất có giá trị về mặt khoa học, có triển vọng lai tạo ra được nhiều giống mới rất tốt cho tương lai.
GS.TS Nguyễn Thị Lang hướng dẫn học trò nghiên cứu lúa ma ở nhà lưới số 5 - Ảnh: V.Tr. |
25 năm cùng lúa ma
Người đầu tiên gầy dựng ngôi nhà riêng cho lúa ma là GS.TS Bùi Chí Bửu (hiện là viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp miền Nam). Đó là vào năm 1990. Lúc đó ông là một trong số ít người đầu tiên nghiên cứu sâu về lúa ma VN.
Ông đã đi rất nhiều nơi để nghiên cứu bốn dòng lúa ma có tại VN là: Oryza officinalis, Oryza rufipogon, Oryza granulata và Oryza nivara. Tất cả bốn loài này ông đều mang về trồng tại viện. Tuy nhiên sau đó chậu Oryza granulata có nguồn gốc ở Mường Tè chẳng may “qua đời” nên chỉ còn ba chậu để ở một góc khiêm tốn trong khu nhà lưới của viện. Được chăm sóc kỹ nên ba chậu này luôn xum xuê. Khi cây lúa già cỗi thì ông cắt bỏ, những chồi non từ các đốt thân bung ra, lớn lên. Cứ thế, các chậu lúa ma này đã ở đó được 25 năm.
Từ năm 1998, GS.TS Nguyễn Thị Lang (vợ ông Bửu) bắt đầu nghĩ tới chuyện tìm kiếm và đem các loài lúa ma ở nước ngoài về bổ sung vào bộ sưu tập lúa ma của chồng. Viện Lúa quốc tế (IRRI) ở Philippines là nơi có khá nhiều lúa ma do các nước gửi về nghiên cứu, bảo tồn. Tuy nhiên tất cả những nơi như thế này đều có quy định cấm mang hạt lúa hay cây trồng ra ngoài. Các hội nghị về lúa gạo nói chung, lúa ma nói riêng tổ chức tại Thái Lan họ đều đem luộc chín hạt lúa trước khi đưa ra trưng bày hoặc giới thiệu. Do vậy khi đi Thái Lan, bà Lang đã tìm cách ra đồng ruộng tham quan để tìm lúa ma rồi bẻ lóng cây hoặc hái bông lúa mang về.
Còn những nơi nào trưng bày bông lúa, hạt lúa khô còn sống thì bà sẽ lấy vài hạt tách vỏ trấu để mang... gạo về. Bà Lang giải thích: “Họ cấm đem hạt lúa ra khỏi cơ quan hoặc hội nghị. Hạt lúa thì họ cấm nhưng hạt gạo thì mang ra được vì họ cho rằng gạo thì không thể cho nảy mầm được”. TS Lang đã “cứu sống phôi” trong những hạt gạo đó để chúng nảy mầm rồi lớn lên. Và cũng có lần bà phải nhờ đồng nghiệp ở nước ngoài lấy bông lúa ma đã chín ép vào quyển sách rồi gửi về VN. Không ai biết và cũng không ai quan tâm trong đó có giống lúa ma vô cùng quý giá. Nhờ vậy mà Viện Lúa có thêm một số cây lúa ma có nguồn gốc từ châu Phi, Úc, Mỹ...
Ngay cả khi đi công tác ở Lào và Campuchia, bà Lang đều bỏ thời gian đi tìm lúa ma. Hiện một số chậu lúa ma Campuchia đang xanh tốt trong nhà lưới. “Tui tính cuối năm nay thu xếp trở lại Lào. Ở ngay thủ đô Vientiane có rất nhiều lúa ma. Lúa ở đây có gen chống nóng rất quý và thân cây thấp, gần giống lúa trồng nên bằng mọi giá tui phải mang về để nghiên cứu, lai tạo ra giống mới chịu được khô hạn. Chỉ có cách duy nhất là lấy một đoạn có vài thân đốt về ghim xuống đất cho nó đâm chồi chứ không lấy hạt nữa” - bà Lang nói.
___________
Kỳ tới: Lúa ma và những đơn hàng mới
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận