Nghĩa là lúc gian nan, nguy cấp, hoạn nạn, thiếu trước hụt sau, túng thiếu, khó khăn thì những người thân thuộc, bà con láng giềng luôn thể hiện tấm lòng đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau.
Bản thân từ lửa mang nhiều sắc thái khác nhau, chẳng hạn, lửa tình - chỉ ham muốn tột cùng, yêu đương cuồng nhiệt đang bùng lên ngùn ngụt như ngọn lửa. Bài phú cổ có câu: “Nghìn dặm xui nên gặp gỡ, hương duyên đun với lửa tình/ Trăm năm tính cuộc vun tròn, trâm nghĩa sánh cùng quạt ước”.
Sở dĩ gọi “lửa tình” bởi bắt đầu từ điển tích nghe ra cũng buồn cười lắm. Rằng, anh chàng nọ hẹn cô nọ ở chùa nọ nhưng đến nơi lại ngủ quên mất. Chết thật.
Khi đến theo lời hẹn, nhìn thấy tình lang đang ngáy khò khò, giận lắm, cô nàng bèn lấy vòng ngọc ném vào người rồi bỏ về. Tỉnh dậy, anh chàng bẽ bàng quá, uất quá, đột nhiên… trái tim phát ra lửa cháy cả chùa!
Tình tiết này xem ra rất xi-nê-ma! “Lửa tâm càng dập càng nồng/ Trách người đen bạc ra lòng trăng hoa” (Truyện Kiều). Lửa tâm tức lửa lòng, theo sách thuốc ngày xưa thì tâm (tim) thuộc về hỏa, hễ khi tức giận thì lửa tâm nổi lên, hiểu theo nghĩa rộng là giận dữ, phẫn uất.
“Vàng thì thử lửa, thử than/ Chuông kêu thử tiếng, người ngoan thử lời” (ca dao), “thử lửa” ở đây lại là hiểu theo nghĩa dùng ngọn lửa cụ thể để xem xét phẩm chất của vàng.
Thành ngữ cũng có câu: “Lửa thử vàng gian nan thử sức” - trải qua thử thách cam go mới biết kẻ đó mới đáng mặt anh hùng. Kẻ đó đó mà vỗ ngực xưng anh hùng ư? “Anh hùng là anh hùng rơm/ Ta cho mồi lửa hết cơn anh hùng”.
Mồi lửa là nối lửa, làm cho lửa cháy qua vật khác. Nhà thơ Nguyễn Bao viết: “Những bữa cơm đèn/ Dậy từ mờ tối/ Gọi nhau xin lửa qua rào…” - tức là xin mồi lửa.
Không chỉ “thử lửa” lắm kẻ còn cả gan “chơi với lửa”. Sống ở trên đời, chẳng ai thích ngao du với những kẻ “Gắp lửa bỏ tay người” - tức bịa đặt, vu khống, chẳng khác gì kẻ “Ngậm máu phun người/ Vu oan giá họa/ Nói đứng dựng ngược”.
Còn có nhiều trạng thái tâm lý liên quan đến lửa: “Nóng như lửa” là nóng giận quá xá, có lẽ do cảm thấy vẫn nhẹ hều nên còn câu: “Nóng như bà chằn lửa”.
Từ năm 1895, ông Huỳnh Tịnh Paulus Của có ghi nhận “tiếng mới” thuở ấy vừa du nhập vào lời ăn tiếng nói: “làm lửa”- nay chẳng hể thấy ai sử dụng, tự nó đã đào thải, cụm từ này được giải thích: “Lãnh việc chụm lửa dưới tàu khói”.
Tương tự, “Một lần nhúm bếp lửa một lần khó”, mấy ai còn nhớ đến nghĩa bóng: “Nhen nhúm, gầy dựng cho ra sự nghiệp, cho thành đôi bạn thì là rất khó”.
Không những thế, ngày nay, chẳng thấy ai dùng từ “lửa trơi” nữa. Dấu vết ấy, còn lưu lại trong Văn tế tướng sĩ trận vong của Nguyễn Văn Thành (1758-1817): “Hồn tráng sĩ biết bao miền minh mạc, mịt mù gió lốc, thổi dấu tha hương;/ Mặt chinh phu khôn vẽ nét gian nan, lấp loé lửa trơi soi chừng cổ độ”.
Hầu hết các bản trên internet đều chép thành “lửa trời”, không đúng với văn bản đã ghi nhận, chẳng hạn Văn đàn bảo giám (1934). Nhà nghiên cứu Long Điền giải thích là dịch từ tiếng “lân hỏa”: “Theo mê tín thường tin rằng vong hồn người như cái ma trơi, nghĩa rộng, “lửa trơi” là chỉ vong hồn”.
Thành ngữ: “Lửa cháy còn đổ thêm dầu”, Lửa đã đỏ còn bỏ thêm rơm là thấy người ta đằng đằng sát khí đang tức giận, oán hờn, căm thù lại kích động, gièm siểm nói khích cho tăng thêm cấp độ.
Lâu nay, ai cũng từng nghe: “Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”, chỉ sự vụng trộm của trai gái, nào ngờ, ở Nam bộ có dị bản thật hay: “Lửa gần rơm không trèm cũng trụa”. Trèm trụa là chỉ hình thức cháy nham nhở; cháy trèm/cháy trẹm/cháy trèm trụa là cháy sém, cháy lem nhem. Còn “bén” là một khi lửa và rơm chạm, sát, dính tới thì lửa bùng lên là cái chắc.
Trong tiếng Việt, có bao nhiêu từ từ lữa (dấu ngã)? Việt Nam tự điển (1931) giải thích lữa là nhiều lần, lâu ngày: “Chơi với nhau đã lữa mà còn không tính nhau”.
Bên cạnh đó, còn có thêm “lần lữa” là lần khân, chần chừ, kéo dài thời gian để trì hoãn một việc gì: “Năm năm tháng tháng ngày ngày/ Lần lần lữa lữa rày rày mai mai”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận