Gần đây lại rộ lên chuyện làm giả biên lai chuyển tiền ngân hàng, dùng công nghệ tạo hình ảnh video giả được những kẻ xấu tận dụng để lừa đảo người khác và nhiều ý đồ xấu khác.
Từ bêu xấu tàn độc đến lừa tiền mua hàng
Chị Thúy Hằng, chủ một cửa hàng kinh doanh bán quần áo trẻ em (quận Tân Bình, TP.HCM), từng hoang mang tột độ khi nhìn thấy hình ảnh khuôn mặt mình xuất hiện trong một bức hình đòi nợ với đầy đủ các thông tin cá nhân kèm những lời miệt thị: "đi làm gái kiếm tiền trả nợ", "đồng lõa, bao che, ăn chia cho nhân viên đi lừa đảo"... đi kèm hình khỏa thân của một cô gái khác.
"Trang Facebook của nhiều bạn bè tôi nhận những bình luận bằng hình ảnh bêu xấu, xúc phạm nhân phẩm tôi. Người vay nợ là một nhân viên làm ở cửa hàng của tôi, tôi cũng không hay biết gì chuyện đi vay của bạn này. Người ta tàn độc đi bêu xấu tôi khắp trên Facebook bằng những hình ảnh gán ghép và thông tin bịa đặt. Tôi đã phải ngưng làm một thời gian vì bị sốc", chị Hằng kể lại.
Đã có không ít người bị "khủng bố" theo cách thức tương tự không đi vay nợ bao giờ. Thậm chí có người còn bị đăng cáo phó "chết vì trốn nợ" dù họ vẫn đang sống bình thường, không nợ nần ai.
Một chiêu trò lừa đảo có độ "sát thương" cực kỳ đáng sợ thời gian gần đây là làm giả biên lai chuyển khoản ngân hàng. Rất nhiều người, thậm chí cả chủ nhà hàng và quán ăn, đã bị lừa đến hàng trăm triệu đồng. Kẻ xấu giả vờ đặt mua hàng, đặt tiệc... và gửi biên lai chuyển khoản ngân hàng làm giả bằng kỹ thuật photoshop để chứng minh đã thanh toán. Thời điểm gửi biên lai thường sẽ là vào chiều tối hoặc cuối tuần, kẻ lừa đảo nêu do tiền đã chuyển đi nhưng chưa đến tài khoản người nhận.
Với người bán hàng, kẻ lừa đảo sẽ hối thúc giao hàng vì tiền đã chuyển. Với hàng thực phẩm, kẻ gian thậm chí lại còn có chiêu và yêu cầu thêm sản phẩm như rượu, đặt quà đặc biệt cho bữa tiệc. Khi nhà hàng, quán ăn báo không có những "hàng độc" như yêu cầu, kẻ lừa đảo sẽ chỉ dẫn đến một nơi quen bán các sản phẩm này và thuyết phục nạn nhân chuyển khoản mua. Nhiều trường hợp vì chiều theo yêu cầu của khách mà bên bán hàng bị lừa tiền.
Đừng tin tuyệt đối những hình ảnh trên mạng
Nhiều chiêu trò cắt ghép hình ảnh còn được kẻ ác đưa vào các video để tăng thêm độ lan tỏa cho mục đích lừa đảo, bêu xấu của mình. Đã có các clip hình ảnh nhạy cảm có khuôn mặt giống một người nổi tiếng và kẻ xấu liền thêm các hình ảnh thật của người nổi tiếng đó vào video và phát tán để câu view. Hoặc những video quảng cáo bán thuốc trị bá bệnh hay "nhà tôi ba đời..." cũng sử dụng các đoạn video được cắt từ các chương trình truyền hình rồi gán ghép nội dung quảng cáo sản phẩm...
Trong loạt bài mới đây của báo Tuổi Trẻ về "Sự thật về công nghệ siêu giảm béo" cũng đề cập đến các đoạn video quảng cáo của Trung tâm Americare clinic (quận Phú Nhuận, TP.HCM) với sự tham gia của nhiều người nổi tiếng. Nội dung các video đều có điểm chung là người nổi tiếng có bụng nhiều mỡ, béo phì đến sử dụng sản phẩm công nghệ của trung tâm này. Những hình ảnh bụng sáu múi, thon, gọn được tạo ra nhờ có phần mềm cao cấp hơn photoshop.
Ngoài việc biến hình những chiếc bụng mỡ, người ta còn có thể làm đủ thứ hình ảnh khác tùy mục đích video. Họ có thể cắt ghép các đoạn clip, ghép mặt của người này vào thân hình của người khác, có thể mang nhân vật từ khung cảnh này sang khung cảnh khác hoặc tạo hiệu ứng tuyết rơi, cháy nổ, lũ lụt cho các video với mục đích đánh lừa người xem. Người xem dễ tính cũng sẽ dễ tin vào những hình ảnh giả và cuối cùng là mất tiền.
Những kiểu giả tạo trên mạng đang trở nên nguy hiểm hơn khi nó được dùng cùng vào ý đồ xấu, đánh vào lòng tin của người dùng mạng xã hội. Một người quen của tôi mới đây bị lừa một cách "dễ như không" và sau đó nhiều người khác cũng dính theo quả lừa này.
Một sáng, chị nhận được tin nhắn trên Facebook từ một trang giả mang tên và hình ảnh một người bạn cũ. Bên kia nhờ bấm vào đường dẫn (link) để bình chọn cho con gái họ tham dự một cuộc thi ở trường quốc tế. Chị bấm vào link và làm thêm vài thao tác nữa theo hướng dẫn và... chị bị cướp mất tài khoản Facebook. Kẻ gian dùng trang cá nhân của chị để đi lừa tiền nhiều người thân quen.
Nâng cao kiến thức nhận diện lừa đảo
Mới đây, trong phiên giải trình của Ủy ban Tư pháp liên quan việc chấp hành pháp luật về phòng chống mua bán người, ngày 8-5 Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm nói sẽ có quy định yêu cầu tất cả chủ tài khoản mạng xã hội là cá nhân hay tổ chức phải thực hiện việc định danh. Việc này áp dụng cho cả mạng xã hội nước ngoài như Facebook, YouTube, TikTok... và mạng xã hội trong nước.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Viết Quân, nhà sáng lập kiêm giám đốc dịch vụ chuyển đổi số Tanca.io, cho rằng định danh trên mạng xã hội là cách thức giúp các tổ chức và cá nhân giảm được các hình thức lừa đảo... Tuy nhiên, các hình thức lừa đảo ngày nay rất tinh vi từ email, cuộc gọi, chat... qua rất nhiều phần mềm, công cụ khác nhau và thay đổi liên tục theo sự phát triển của công nghệ.
"Do vậy các tổ chức, cá nhân khi tiếp cận đến các thông tin liên quan đến việc thanh toán cần phải kiểm tra và có kiến thức kiểm tra người kết nối và làm việc với mình. Người dùng cũng cần nâng cao các ý thức về việc tăng cường các tính năng bảo mật trên mạng xã hội để tránh việc bị sử dụng thông tin gắn với tên tuổi hình ảnh của mình cho việc lừa đảo người khác", ông Quân khuyến cáo.
ĐỨC THIỆN ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận