Những thủy thủ người Myanmar giơ tay xin về nhà khi được hỏi về nguyện vọng của mình tại một cảng của Indonesia - Ảnh: AFP |
Khi rời ngôi làng nhỏ ở Philippines, ước mong duy nhất của cậu thanh niên khỏe mạnh Eril Andrade không gì hơn là làm việc chăm chỉ, kiếm được tiền về giúp mẹ lợp lại mái nhà dột nát.
Bảy tháng sau, tháng 2-2011, thi thể Andrade được gửi trả về nhà trong một chiếc quan tài gỗ cất trong khoang lạnh trên tàu cả tháng trước đó.
Thi thể Eril Andrade bị mất một mắt và phần nội tạng, chưa kể toàn thân đầy vết cắt cứa và bầm tím. Báo cáo kết luận của pháp y cho biết trước khi chết cậu đã bị đánh đập tàn bạo.
Thiếu việc đâm liều
Theo báo New York Times, Andrade chỉ là một trong số hàng chục lao động nam giới cùng làng đã bị một công ty chuyên cung cấp nhân sự làm việc trên biển là Step Up Marine Enterprise có trụ sở tại Singapore lừa đảo.
Công ty này hứa hẹn với người lao động về mức lương cao ngất, gấp đôi mức thực tế họ sẽ nhận sau đó. Ai chấp nhận được đưa tới tập kết tại một căn hộ ở Singapore, bị giam lỏng trong nhiều tuần để chờ lên các tàu câu cá ngừ của Đài Loan mà Step Up Marine Enterprise là đối tác. Trong thời gian chờ đợi, rất nhiều người bị gã đàn ông trông giữ đòi hỏi phục vụ tình dục.
Lên tàu là một thực tế khác hẳn những gì họ được nghe trên bờ: phải làm quần quật 20 giờ mỗi ngày và bị đánh đập, hành hạ. Họ chỉ thoát được cảnh này nếu chấp nhận bỏ việc không lương và ôm món nợ tới hàng ngàn USD đã vay trước đóng lệ phí xin việc.
Trung bình mỗi năm các cơ sở đào tạo nghề hàng hải của Philippines cho ra lò khoảng 20.000 sinh viên tốt nghiệp, trong khi cơ hội việc làm chỉ khoảng 5.000 vị trí. Thực tế đó khiến nhiều lao động phải nhắm mắt đưa chân, chấp nhận rủi ro để có việc làm.
Giới quan chức Philippines cho biết khoảng 1/3 lực lượng lao động hàng hải nước này đang tìm cơ hội tại những công ty cung cấp nhân lực trái phép như Step Up Marine Enterprise.
Chỉ mặt kẻ lừa đảo
Theo các thông tin có được từ những cuộc phỏng vấn người lao động của New York Times, mặc dù Andrade, Bonihit (một người lao động khác) và nhiều lao động Philippines tới Singapore vào những thời điểm khác nhau trong năm năm qua, song gần như tất cả họ đều giống nhau trong câu chuyện kể về “địa ngục trần gian” ở Singapore.
Đó là một căn hộ hai phòng ngủ nơi tầng 16, nằm phía trên văn phòng Công ty Step Up Marine Enterprise. Căn hộ này do một người đàn ông Philippines tên Bong, khoảng 40 tuổi, cùng một phụ nữ Trung Quốc tên Lina quản lý.
Thành lập năm 1988, Công ty Step Up Marine Enterprise khi đó có tên là Step Up Employment Agency thoạt đầu cung cấp nhân lực giúp việc nhà.
Năm 1995, nó đổi tên là Step Up Marine Enterprise với lĩnh vực kinh doanh tự công bố là “cung cấp các ngư dân người Philippines, Trung Quốc, Indonesia, Việt Nam, Myanmar, Nepal và Ấn Độ”, với “hơn 25 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực tàu cá”.
Trong nhiều năm, công ty này do ông Victor Lim, hiện ngoài 60 tuổi, và vợ ông ta, bà Mary, điều hành. Gần đây, biển hiệu công ty đã bị gỡ bỏ và thay vào đó là cái tên mới của công ty 123 Employment Agency do con trai của ông Lim là Bryan điều hành.
Trong phiên tòa tại Tòa án tối cao Philippines năm 2001, ông Lim và các đối tác đã chối bay chối biến những cáo buộc liên quan tới hoạt động phi pháp lừa đảo. Họ nói những thủy thủ bị quỵt lương đâm đơn kiện họ “toàn là những người lạ” họ chưa từng có quan hệ.
Sau cái chết của Andrade, các lãnh đạo Công ty Step Up Marine Enterprise và Công ty Hung Fei Fishery là đơn vị chủ quản tàu cá Đài Loan mà Andrade đã làm việc trên đó đã đề nghị bồi thường cho gia đình anh này khoảng 5.000 USD.
Tuy nhiên gia đình Andrade không chấp nhận mức phạt này và tháng 11-2011 tiếp tục đệ đơn lên Bộ Nhân lực Singapore. Tuy nhiên cho tới tháng trước, các quan chức bộ này cho biết vẫn đang chờ một yêu cầu chính thức từ Chính phủ Philippines trước khi bắt tay điều tra.
Gần như cả 10 nhân viên của Công ty Step Up Marine Enterprise chỉ bị xử án vắng mặt tại Philippines, trong đó có vợ chồng ông Lim. Hai người này vẫn đang ở Singapore và không hề bị truy tố vì chưa có hiệp định dẫn độ ký kết giữa hai nước.
Julius, anh trai của Andrade, cho rằng trừ khi các quan chức tại Manila tham gia xử lý việc này tích cực hơn, còn không thật khó để đòi lại công lý cho em trai.
Philippines là quốc gia xuất khẩu nhân lực làm việc trên biển nhiều nhất thế giới. Theo New York Times, số nhân lực này chiếm tới 1/4 tổng nhân lực hàng hải toàn cầu. Năm ngoái, hơn 400.000 người Philippines đăng ký tìm việc trong các lĩnh vực ngành nghề trên biển. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận