Makenzy Orcel vừa giao lưu tại TP.HCM nhân đoạt giải thưởng này. Anh sinh ra ở Port-au-Prince, một thành phố nhỏ của Haiti. Lớn lên trong thiếu thốn, Makenzy luôn khát khao tìm kiếm tự do và mong muốn thoát khỏi đói nghèo.
Văn học và sách là chìa khóa giúp Makenzy mở rộng tầm nhìn, cho anh khoảng lùi giữa mớ hỗn độn để nhìn thấu sự vận hành xã hội giàu nghèo, là động lực để anh không khuất phục số phận.
Makenzy viết để được hiện diện, được nhìn thấy, để khắc họa đời sống mờ nhạt của những tầng lớp mà xã hội thường cố lờ đi... Anh đặc biệt quan tâm thân phận người phụ nữ và hay dùng giọng nữ để kể.
"Nơi tôi lớn lên, phụ nữ không có tiếng nói. Họ sống lấp ló trong bóng tối, vô hình sau lưng đàn ông. Mẹ tôi rất cứng rắn, giỏi giang. Bà một tay nuôi tôi lớn nhưng không bao giờ kể chuyện tôi nghe.
Mọi suy nghĩ bà đều giấu kín. Điều đó khiến tôi luôn trăn trở: mẹ đã nghĩ gì? Khi viết, tôi luôn đặt mình vào tâm trí người khác, nhất là phụ nữ, để hiểu họ và hiểu chính tôi hơn; để cảm nhận tiếng lòng, nỗi đau theo một cách khác và trưởng thành hơn từ góc nhìn của người khác" - nhà văn tâm sự.
Với bộ ba tác phẩm Bóng thú, Tóm tắt một đời người và quyển còn lại sắp ra mắt, Makenzy lần lượt kể bằng giọng của một người phụ nữ Haiti đã chết, cuộc đời bi thảm của một cô đầm Pháp và một cô gái Mỹ gốc Phi. Anh muốn viết về dấu ấn lịch sử tam giác Haiti - Pháp - Mỹ dưới góc nhìn văn học.
Sáng tác văn học là quá trình Makenzy tìm hiểu chính mình, khám phá xã hội, cảm nhận thế giới rồi kể cho mọi người nghe theo cách của mình. Từng câu, từng từ không có nghĩa, mà sự liên kết tất cả mang đến câu chuyện. Đọc sách ta thấy chân dung, tính cách nhà văn.
Trong Une somme humaine (Tóm tắt một đời người), tác phẩm vào chung kết và đoạt giải "Lựa chọn Goncourt" của Mỹ và Việt Nam, Makenzy viết cả cuốn sách hơn 600 trang không một dấu chấm câu, vì đó là một chuyện khẩn cấp không ngừng nghỉ và không kết thúc.
Như đời sống, như hơi thở, như cái chết, như cơn gió... không bao giờ dừng. Cái chết cũng là khởi đầu mới và không ngừng lặp lại...
"Từ Haiti sang Pháp rồi đến Việt Nam là một hành trình xa xôi. Chúng ta rất khác nhưng cũng giống nhau trong cách cảm nhận nỗi đau và những tâm tình thường nhật của đời sống" - Makenzy nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận