Một tân sinh viên xúc động khi xem phần giao lưu tại lễ trao học bổng “Tiếp sức đến trường” - Ảnh: TIẾN THÀNH |
21 tân sinh viên nhận học bổng là 121 câu chuyện về sự nghèo khó trên vùng đất cao nguyên nắng gió. Tất cả các sinh viên ấy đều cùng chung nhau một ý chí, vượt khó phi thường mang đậm “lửa” của đất trời Tây nguyên.
Mẹ mất sớm, vừa nhập học thì cha mất
Tại lễ trao học bổng sáng 1-10, A Vang - chàng trai người Xê Đăng trên núi Ngọc Linh - vừa đậu vào ngành Giáo dục tiểu học, Trường ĐH Quy Nhơn mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình.
Vang ngồi ở hàng ghế, lặng lẽ theo dõi từng câu chuyện trong lễ trao học bổng và thỉnh thoảng lại đưa tay lau nước mắt khi thấy trên màn ảnh chia sẻ những câu chuyện bạn bè giống hoàn cảnh mình.
Nhà Vang thuộc diện “nghèo trống trơn”, nằm chênh vênh bên sườn núi Ngọc Linh ở xã Mường Hoong, huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum. Mẹ mất sớm, tuổi thơ Vang lớn lên cơ cực bên những thửa ruộng bậc thang nghèo nàn và cái đói triền miên trong mùa giáp hạt.
Để có tiền, hàng ngày Vang theo bố lên rừng bắn chuột, ra ruộng cuốc bùn trồng lúa để bán từng kg thóc lấy tiền mua sách vở. Nhưng sự nghèo khó ấy của Vang cũng sẽ trở thành động lực để Vang vượt khó, học tập vươn lên nếu như không gặp nghịch cảnh ngay khi vừa bước vào trường đại học.
Vang kể khi nhận được giấy báo trúng tuyển, ba Vang đang nằm ốm liệt giường bởi chứng bệnh phổi. Một ngày khi Vang đang bộn bề lo toan thì ba lại đột ngột ra đi.
Phần giao lưu xúc động với tân sinh viên Lê Thị Khả Như (thứ 2 từ trái qua), Đặng Văn Thiệt và chị của Thiệt - Đặng Thị Hiếu tại lễ trao học bổng “Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên 5 tỉnh Tây nguyên - Ảnh: TIẾN THÀNH |
“Ngày 28-8, em mượn cậu được 3 triệu để đi học vì ba em nằm ốm mấy tháng không có tiền. Em đi mà cứ lo ở nhà không ai cơm nước, chăm sóc ba nhưng vì đã đậu rồi nên phải cố. Tới ngày 24-9, 23g đêm em đang ở nhà trọ thì thấy người làng gọi điện bảo ba mất rồi. Em suy sụp, òa khóc và choáng váng nhờ bạn chở ra bến xe rồi đón xe ngược về làng trong đêm”- Vang kể.
A Vang nói nhiều tháng vì đau yếu, lại không có tiền để mua đồ ăn uống nên ba Vang kiệt sức. Tối trước khi mất, ba Vang đi ngủ sớm, mọi người nghĩ rằng ông mệt nhưng khi có người vào gọi dậy ăn cháo thì thấy ông đã tím tái, tắt thở. Mất mẹ, vừa đậu đại học lại mất cha. Giữa bộn bề lo toan, lại thêm cú sốc đau đớn Vang bỗng “rơi tự do”, không còn chỗ dựa.
Ngày 26-9, chúng tôi báo với Vang rằng em đã được chọn trao học bổng, Vang xúc động và bảo rằng như “thế là em có tiền đi học rồi”. Vang bảo dù ba mất, mẹ mất, giờ hai anh em chỉ còn sống với ông bà đã già nhưng việc học của Vang vẫn sẽ được tiếp tục, chỉ cần cầm cự được thời gian ban đầu thì Vang sẽ tự thu xếp, kiếm việc làm thêm để nuôi giấc mơ làm thầy giáo.
Ông Phạm Đăng Khoa, tỉnh ủy viên, giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk (phải) và ông Nguyễn Hoàng Nguyên, ủy viên Ban biên tập Báo Tuổi Trẻ (trái) trao học bổng cho các tân sinh viên 5 tỉnh Tây nguyên - Ảnh: TIẾN THÀNH |
Cháy mãi ngọn lửa cao nguyên
Trong lễ trao học bổng sáng 1-10, sau khi được giới thiệu, nghe chính các tân sinh viên tâm sự về gia cảnh và ý chí của mình, tổng giám đốc Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền chia sẻ chân thành: “Tôi là người gắn bó với Tây nguyên này mặc dù tôi không phải người ở đây. Nhưng quả thật người Tây nguyên rất đặc biệt, không chỉ có sự trung thực, lòng dũng cảm, sự đùm bọc nhau mà dường như trong mỗi con người đều có một ý chí sắt đá. Họ như được đất trời Tây nguyên sinh ra và mang đậm “ngọn lửa Tây nguyên”.
Bà Mai Thị Lan Anh, phó trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Đắk Lắk (phải) và ông Lê Quốc Phong, tổng giám đốc Công ty CP Phân bón Bình Điền, trưởng ban tổ chức giải Golf gây quỹ “Tiếp sức đến trường” (trái) trao học bổng cho các tân sinh viên 5 tỉnh Tây nguyên - Ảnh: TIẾN THÀNH |
121 tân sinh viên được xét chọn trao học bổng sáng 1-10 mỗi người mang một số phận, một hoàn cảnh khác nhau. Có người còn cha còn mẹ nhưng nhà chẳng có nổi một tấc đất cắm dùi, cả nhà phải đi làm thuê kiếm sống, nuôi nhau.
Có bạn mồ côi cha nhưng cũng có những trường hợp “hổng chân”, mất hết cả cha lẫn mẹ như trường hợp của chàng trai Xê Đăng A Vang…
Chia sẻ với nỗi ngặt nghèo ấy, ông Trần Văn Thuộc - chủ tịch HĐQT Công ty Phân bón Mặt Trời Mới - nói rằng những suất học bổng mà các em tân sinh viên được nhận là những tấm lòng chung tay của các nhà hảo tâm, các đơn vị làm kinh doanh.
Làm công tác kinh doanh nhưng các doanh nghiệp, các mạnh thường quân vẫn luôn theo dõi và giúp đỡ kịp thời để các tân sinh viên khó khăn không phải bỏ học giữa chừng.
Ông Hà Ngọc Đào, chủ tịch Hội khuyến học tỉnh Đắk Lắk (trái) và ông Trần Văn Thuộc, chủ tịch HĐQT Công ty phân bón Mặt trời mới, thành viên giải Golf gây quỹ “Tiếp sức đến trường” (phải) trao học bổng cho các tân sinh viên các tỉnh Tây nguyên - Ảnh: TIẾN THÀNH |
Theo ông Phạm Đăng Khoa - giám đốc Sở GD-ĐT Đắk Lắk, hiện nay số lượng tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của Tây nguyên khá nhiều.
Quỹ học bổng Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ cùng các mạnh thường quân là cầu nối để các em vượt qua khúc đường gian khó đầu tiên trong hành trình vào đại học, theo đuổi ước mơ.
Ông Nguyễn Hoàng Nguyên - ủy viên Ban Biên tập báo Tuổi Trẻ nói rằng nghị lực của các sinh viên Tây nguyên mãnh liệt như chính “Chất lửa của Tây nguyên”, báo Tuổi Trẻ và các mạnh thường quân luôn mong mỏi, dõi theo sự thành đạt của các trường hợp tân sinh viên được xét nhận học bổng.
Ông Y Nhuân Byă, bí thư Tỉnh đoàn Đắk Lắk (trái) và ông Hồ Ngọc Phong Hải, phó bí thư Tỉnh đoàn Lâm Đồng (phải) trao học bổng cho các tân sinh viên các tỉnh Tây nguyên - Ảnh: TIẾN THÀNH |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận