20/08/2019 20:19 GMT+7

Lũ quét kinh hoàng ở Sa Ná: Ứng phó chưa sát thực tế

HÀ ĐỒNG
HÀ ĐỒNG

TTO - Đợt mưa lũ gây hậu quả nặng nề tại Sa Ná được xác định ngoài lý do địa hình còn vì cơ quan chức năng không dự báo được mưa giai đoạn ngắn, cường suất cao, không cảnh báo được mưa lũ thượng nguồn thuộc quốc gia khác.

Lũ quét kinh hoàng ở Sa Ná: Ứng phó chưa sát thực tế - Ảnh 1.

Đoàn công tác của Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai đi thăm mặt bằng khu tái định cư Sa Ná - Ảnh: HÀ ĐỒNG

Chiều 20-8, tại Thanh Hóa, văn phòng thường trực Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức hội nghị “Rút kinh nghiệm công tác ứng phó mưa lũ do hoàn lưu bão số 3, giải pháp khắc phục hậu quả, tái thiết sau thiên tai khu vực miền núi".

Hội nghị được tổ chức tại huyện vùng cao, biên giới Quan Sơn, nơi có bản Sa Ná, xã Na Mèo vừa bị thiệt hại nặng nề về người, tài sản do mưa lũ đầu tháng 8 gây ra.

Theo thông tin tại hội nghị, bản Sa Ná, xã Na Mèo nằm ở ven suối Son, bắt nguồn từ Lào. Điểm cao nhất trong lưu vực là 1.722m (tại Sa Ná khoảng 1.600m).

Cách thượng lưu bản Sa Ná 2,4km, suối Son bị co hẹp (chênh 57m). Sa Ná có 74 hộ sống ven bờ suối, ở vị trí cao hơn lòng suối 6-7m. Về giao thông ra vào bản chỉ có duy nhất con đường độc đạo ven suối Son. Tại bản có nhà văn hóa kết hợp tránh trú mưa lũ, cao hơn lòng suối Son 10m.

Ông Trần Quang Hoài - phó trưởng Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) - trao đổi về thực trạng công tác phòng chống thiên tai ở miền núi - Video: HÀ ĐỒNG

Về mùa mưa lũ, bản này thường xuyên bị ngập nước. Lưu vực lớn, độ dốc cao dẫn đến nước tập trung nhanh dễ gây lũ quét. Lòng suối Son co hẹp và mở rộng, tạo ra nút thắt, nghẽn dòng tạo thành đập tự nhiên.

Trong khi đó, cơ quan chức năng không dự báo được mưa giai đoạn ngắn, cường suất cao; không cảnh báo được mưa lũ thượng nguồn thuộc quốc gia khác (Lào).

Do đó, khi mưa lũ quá lớn, bất ngờ làm vỡ điểm tắc nghẽn tại vị trí co hẹp suối Son tạo ra lũ quét, gây thiệt hại lớn người và tài sản tại bản Sa Ná vào sáng 3-8.

Tham luận tại hội nghị, ngành chức năng và các địa phương đã chỉ ra tồn tại, bài học kinh nghiệm trong công tác phòng chống thiên tai ở bản Sa Ná và khu vực miền núi như: hầu hết các địa phương chưa rà soát, đánh giá khu dân cư đảm bảo an toàn với lũ quét, sạt lở đất; kế hoạch, phương án ứng phó với lũ quét, sạt lở đất chưa cụ thể, sát với thực tiễn; vật tư, trang thiết bị để ứng cứu còn hạn chế, khu vực bị cô lập trong thời gian dài, không nắm được thông tin do mất liên lạc.

Lũ quét kinh hoàng ở Sa Ná: Ứng phó chưa sát thực tế - Ảnh 3.

Một chiếc xe đạp học sinh bị mưa lũ phá hủy ở bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn - Ảnh: HÀ ĐỒNG

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Đình Xứng - chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa - cho rằng trận lũ quét vừa qua gây thiệt hại lớn tại bản Sa Ná là bài học cho công tác phòng chống thiên tai.

Vì vậy, cần tăng cường quản lý nhà nước về phòng chống thiên tai, tập huấn cho người dân kỹ năng phòng chống thiên tai; đầu tư xây dựng dự án phòng chống thiên tai như hồ đập thủy lợi, đê điều.

Nhà nước cần sớm đầu tư xây dựng các khu tái định cư an toàn, để chuyển người dân ở vùng có nguy cơ sạt lở đất đá, lũ quét, lũ ống đến sinh sống an cư; cần đầu tư lắp đặt thiết bị dự báo mưa ở khu vực thượng nguồn sông, suối.

Trong thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa sẽ đầu tư mua sắm các trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống thiên tai như: súng bắn dây (để cứu nạn người khi bị mắc kẹt trong mưa lũ), điện thoại vệ tinh, loa điện…

Lũ quét kinh hoàng ở Sa Ná: Ứng phó chưa sát thực tế - Ảnh 4.

Khu tái định cư Sa Ná đang được gấp rút xây dựng để chuyển các hộ dân bị mất nhà do mưa lũ vào sinh sống - Ảnh: HÀ ĐỒNG

Kết luận hội nghị, ông Trần Quang Hoài - phó trưởng Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) - yêu cầu các địa phương, ngành chức năng cần tăng cường tuyên truyền đến người dân kiến thức, kỹ năng về phòng chống thiên tai; xây dựng lực lượng xung kích phòng chống thiên tai tại cơ sở đủ mạnh.

Chính quyền, ngành chức năng phải thường xuyên kiểm tra, tháo gỡ các điểm tắc nghẽn trên lòng sông, suối, nơi có nguy cơ tạo thành các bọng nước lớn có thể tạo thành lũ quét, lũ ống cho phía hạ lưu…

Theo ông Trần Quang Hoài, hiện nay cả nước có khoảng 100.000 hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở đất đá, lũ quét, lũ ống ở miền núi. Số lượng hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm có dấu hiệu tăng lên. Do vậy, việc xây dựng các công trình dân cư, phòng chống lụt bão ở khu vực miền núi cần được tính toán kỹ, hạn chế tối đa thiệt hại do mưa lũ gây ra.

Trước đó, sáng 20-8, đoàn công tác của Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai do ông Trần Quang Hoài làm trường đoàn đã đến thăm hỏi, tặng quà cho người dân bản Sa Ná.

Video: Hình ảnh kinh hoàng về cơn lũ dữ cuốn trôi 24 căn nhà ở bản Sa Ná Video: Hình ảnh kinh hoàng về cơn lũ dữ cuốn trôi 24 căn nhà ở bản Sa Ná

TTO - Sáng 3-8, một cơn lũ dữ đã đổ xuống, cuốn trôi 24 ngôi nhà ở bản Sa Ná (huyện Quan Sơn, Thanh Hóa). Khoảnh khắc kinh hoàng đó đã được một người dân địa phương ghi lại được.

HÀ ĐỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp