Nóc ông Xết, ngôi làng mới người dân đến ở nằm trên đỉnh đồi với những tảng đá to, người dân không trồng trọt được - Ảnh: LÊ TRUNG
Có những ngôi nhà xây khang trang hàng chục, trăm triệu cũng bị đập bỏ, đi nơi khác không có đất, họ phải sống cheo leo trên lưng đồi khô cằn đầy đá, đối mặt với thiếu nước mùa nắng và sạt lở đất mùa mưa.
Ngôi làng "ma"
Nóc ông Nang (thôn 4, xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My) giờ như một ngôi làng ma, không khí hoang tàn, ảm đạm bao trùm. Nơi này cách đây vài năm trước đã phải chứng kiến một cuộc di dân lịch sử, giờ ngôi làng chỉ sót lại những móng nhà bằng ximăng trơ trọi. Một số ngôi nhà sàn chỉ còn trơ lại những trụ, cọc gỗ và vài vật dụng gia đình sót lại.
Ở đây còn có vài ngôi mộ người làng chết mà dân làng cho đó là "cái chết xấu" được chôn, người làng chẳng bao giờ dám bén mảng tới vì họ sợ xui xẻo đến với mình.
"Người dân ở đó kêu do làng có nhiều cái chết xấu nên họ sợ không ở nữa, vội vã tháo dỡ nhà đi nơi khác. Ngôi làng đó giờ chẳng một ai dám bén mảng đến, y như ngôi làng ma" - bà Nguyễn Thị So (70 tuổi, thôn 4) chỉ về phía ngôi làng, rùng mình.
Cách đây ba năm, người dân thôn 4 phải chứng kiến một cảnh tượng mà chỉ có trong phim. Hàng chục hộ dân ở nóc ông Nang đã đập nhà hoặc tháo dỡ khung nhà sàn bằng gỗ, lũ lượt vận chuyển đến một ngọn đồi cách làng cũ chừng một cây số để dựng nhà.
Và người đầu tiên ra đi là già Hồ Văn Xết (90 tuổi). Ông Xết dọn nhà đi, người dân cũng lũ lượt đập nhà dọn đi. Ngọn đồi mà người dân đến dựng nhà mới để ở được đặt tên của chính ông là nóc ông Xết.
Già Xết nhớ lại cuộc dời làng của mình Ảnh: LÊ TRUNG
Hồi trước ở dưới làng cũ địa hình bằng phẳng, có thể trồng trọt, chăn nuôi được. Giờ chuyển lên đây mùa mưa bão sợ sạt lở núi, nhưng vì cái chết xấu dân làng phải bỏ đi.
Già Hồ Văn Xết
Đứng trên đỉnh đồi làng mới, già Xết trầm ngâm nhớ về cuộc dời làng lịch sử của người Ca Dong. Già Xết kể rằng do mỗi năm có 2-3 người ở nóc ông Nang mất liên tiếp, dân làng sợ quá, nói đó là "cái chết xấu".
Đỉnh điểm là vào đầu năm 2015, khi già làng Hồ Văn Nang, người được dân làng quý mến lấy tên đặt cho nóc, tự dưng ngã bệnh rồi mất. Tiếp đó vài ngày sau thì đến con của ông mất, nên dân làng sợ quá cho là "cái chết xấu". Ông Xết đã gọi dân làng lại họp, đi đến quyết định phải dời làng. "Đó là cái chết xấu, đó là vùng đất xấu không thể ở được nữa, phải đi chỗ khác thôi" - già Xết nhớ lại.
Gia đình già Xết tháo ngôi nhà sàn của mình dời đến ngọn đồi cách đó chừng 1km để dựng ngôi nhà cheo leo trên đỉnh đồi sinh sống. Do không có đất nên họ chọn một triền đồi không được bằng phẳng, đầy tảng đá to để dựng nhà làm nơi ở mới.
Chị Hồ Thị Mai Thiếm (27 tuổi) kể rằng năm 2015 khi ông Xết chuyển đi, hai vợ chồng chị với 2 đứa con cũng tháo dỡ nhà cửa để chuyển đi. Dân làng không dám ở, chuyển nhà đi nơi khác thì hai vợ chồng chị cũng sợ đành chuyển theo. "Đáng tiếc nhất, nhiều ngôi nhà xây khang trang hàng trăm triệu cũng bị đập bỏ, dời đi" - chị Thiếm kể.
Nỗi buồn nơi rẻo cao
Ngôi làng mới là nóc ông Xết nằm trên khu đồi cao, địa hình lô nhô, đầy đá tảng. Con đường dẫn vào nóc phải chạy ngoằn ngoèo, lên dốc cao mới đến được nóc. Hơn 20 ngôi nhà dựng lên trên đỉnh dốc hoặc ở triền đồi, nằm xen kẽ với những tảng đá núi to đùng. Do đất khô cằn thiếu nước nên bà con không thể trồng trọt gì được, người dân phải làm ruộng ở trong núi sâu, cách làng khoảng vài giờ đi bộ.
Ông Xết kể từ khi chuyển lên đây, một nỗi lo của làng là đối mặt với việc sạt lở đất mùa mưa do ngôi làng nằm cheo leo trên triền đồi, sạt lở đất có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. "Hồi trước ở dưới làng cũ địa hình bằng phẳng, có thể trồng trọt, chăn nuôi được. Giờ chuyển lên đây mùa mưa thì sợ sạt lở núi vùi lấp nhà dân. Nhưng vì cái chết xấu bất đắc dĩ dân làng phải chuyển lên đây ở" - ông Xết tâm sự.
Những ngôi nhà xây khang trang cũng bị người Ca Dong đập bỏ để chuyển đi nơi khác - Ảnh: LÊ TRUNG
Chị Đinh Thị Giớt (28 tuổi) kể rằng giờ chuyển lên nơi ở mới, người dân cũng đối mặt với việc thiếu nước uống trầm trọng vào mùa khô. Cả làng chỉ nhờ vào đường ống dẫn nước từ suối sâu về, nước không đủ dùng vào mùa khô. Sông suối cạn kiệt, nguồn nước sạch để uống dẫn từ suối cũng thiếu hẳn. Dân làng phải xách can thay phiên nhau hứng nước để dùng.
Thế dời lên đây rồi có người chết nữa không? Trả lời câu hỏi, dân làng chỉ đáp gọn: "Có".
Tuyên truyền nhưng bà con không nghe!
Ông Hồ Văn Biên - trưởng công an xã Trà Bui - kể rằng đó là tục lệ của người Ca Dong, quan niệm cái chết xấu nên không thể ở nơi cũ mà chuyển đi nơi ở mới. "Chúng tôi liên tục đến tuyên truyền, khuyên bảo bà con nhưng không được" - ông Biên nói.
Còn ông Nguyễn Dương Thi - phó chủ tịch UBND xã Trà Bui - cho biết trước đây do người lớn tuổi trong nóc chết 2-3 người liên tiếp vì bệnh tật, người dân họ sợ, trẻ em đau liên miên nên nóc ông Nang có gần 20 căn nhà tháo dỡ, bỏ đi nơi khác sinh sống. Lần lượt từ năm 2016-2017 người dân đã tháo dỡ nhà để ra đi.
Ông Thi kể không những nóc ông Nang, ở địa bàn xã cũng có một khu dân cư khác có hiện tượng dân làng bỏ đi vì "cái chết xấu". Mặc dù chính quyền, các ngành chức năng đã nói với họ rất nhiều lần rằng những người chết là do già yếu, bệnh tật chứ không phải là cái chết xấu gì, mà đó là quy luật tự nhiên sinh lão bệnh tử thôi nhưng người Ca Dong không nghe. Đáng buồn là một số hộ có đất đai sổ đỏ đàng hoàng nhưng họ đi là đi, không luyến tiếc.
"Chính quyền xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, giải thích cho bà con đồng bào dân tộc Ca Dong để không phải còn cảnh dân làng lũ lượt đập bỏ, tháo dỡ nhà cửa chuyển đi nơi khác vì cái chết xấu nữa" - ông Thi cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận