01/10/2023 07:47 GMT+7

Lớp học miễn phí và giấc mơ trường tư bình dân

Mới đây, câu chuyện của một học sinh chăm học, thi trượt vào trường công nhưng không có đủ tiền học trường tư đã chạm vào ước mơ thời thanh xuân của cô Minh. Một lớp học miễn phí nữa của cô đã được mở ra.

Cô Ngọc Minh (giữa) và các cộng sự trong dự án “Sách ơi mở ra” do cô sáng lập và vận hành hơn 10 năm qua - Ảnh: NAM TRẦN

Cô Ngọc Minh (giữa) và các cộng sự trong dự án “Sách ơi mở ra” do cô sáng lập và vận hành hơn 10 năm qua - Ảnh: NAM TRẦN

Cô Nguyễn Thị Ngọc Minh, giảng viên khoa ngữ văn Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, là người sáng lập dự án "Sách ơi, mở ra" và duy trì hơn một thập niên qua với một thư viện mở cửa miễn phí, các câu lạc bộ đọc sách.

Ngay từ đầu tôi cũng hiểu việc mình làm chỉ là hạt muối bỏ bể. Nhưng cứ làm đã. Một người làm, nhiều người làm sẽ có thể giúp được cho học trò nhiều hơn.

Giúp các em tự học và hứng khởi

* Giữa thời điểm Hà Nội, TP.HCM có hàng loạt học sinh trượt thi vào lớp 10 trường công, nhiều phụ huynh lúng túng không biết tìm trường cho con ra sao, cô đã đăng Facebook thông tin mở lớp dạy miễn phí. Lý do cô mở lớp có liên quan tới vấn đề thời sự kia không?

- Tôi đã nghe đồng nghiệp kể về trường hợp một số học sinh rất ngoan, chăm chỉ nhưng chỉ thiếu một chút điểm mà không đỗ vào trường công lập nào. Gia đình các em không có điều kiện cho con học trường tư vì đắt đỏ, có gia đình loay hoay mãi mới tìm được cho con một chỗ học có mức học phí thấp, nhưng chất lượng không tốt.

Tôi nghĩ những học sinh như thế nếu được tiếp cận với một môi trường dạy học tốt, các em có thể vượt trội với sự cố gắng, chăm chỉ. Nhưng các em chẳng những khó có thể tìm được chỗ học tốt mà còn mang nặng mặc cảm tự ti vì kém cỏi, vì nhà nghèo.

Không rõ trong những học sinh mang mặc cảm kép đó, liệu có bao nhiêu học sinh sẽ đủ nội lực và may mắn để vượt qua? Sự bình đẳng trong tiếp cận giáo dục không chỉ khó thực hiện ở vùng sâu, vùng xa mà ở ngay các thành phố lớn.

Hiện thực đó làm tôi suy nghĩ, cứ mơ hoài có những trường tư bình dân.

* Và đó là động lực để cô mở lớp học miễn phí?

- Đó là những tác động trực tiếp. Nhưng ước mong về một nền giáo dục bình đẳng hơn cho những người yếu thế từng nhen nhóm từ khi tôi là sinh viên đại học. Vì điều đó thời sinh viên tôi đã tình nguyện cho các học sinh ở làng trẻ SOS và Birla.

Sau này khi đã ra nghề, quá nhiều việc cần ưu tiên khiến cho việc này bị sao nhãng, giờ mong ước ấy lại thức dậy.

Tôi cũng có một lý do cá nhân nữa trong việc này. Con trai tôi năm vừa rồi cũng thi chuyển cấp. Như nhiều phụ huynh khác tôi cũng rất lo âu, căng thẳng và con đã đỗ vào một trường chuyên.

Tôi nghĩ mẹ con tôi đã rất may mắn. Có nhận được thì phải có cho đi, nên tôi muốn làm gì đó cho những đứa trẻ thiếu may mắn.

* Lớp học của cô duy trì thế nào?

- Tôi đăng tin và vì khả năng có hạn nên tôi chỉ nhận dạy học sinh đang học lớp 8 và 9 và là những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện được học ở những môi trường học tập thuận lợi. Nhiều học sinh đã đăng ký. Không chỉ học sinh ở Hà Nội đâu mà ở nhiều địa phương khác nhau.

Hiện mỗi tuần lớp học một buổi vào 20h-22h tối thứ sáu, theo hình thức trực tuyến.

Các em đều đã được giáo viên ở trường dạy các bài học theo chương trình - sách giáo khoa ở trên lớp. Lớp học của tôi không dạy lại, cũng không dạy nâng cao. Tôi dạy các em cách cảm thụ văn học, cách tư duy một cách logic, sáng tạo.

Tôi rèn cho các em những kỹ năng lắng nghe và ghi chép, cách đọc mở rộng ra ngoài những tác phẩm trong sách giáo khoa, cách đọc hiểu văn bản theo thể loại, thậm chí cách xem một bộ phim, cách viết.

Tôi muốn nói với các em rằng học văn không chỉ học những tác phẩm trong sách giáo khoa, để đi thi, càng không phải là học thuộc lòng văn mẫu. Thế giới của văn học rất rộng mở, văn học rất gần gũi với đời sống và không tách rời các loại hình nghệ thuật khác.

Điều tôi hướng đến là giúp các em hình thành kỹ năng tự học và thực sự có hứng khởi với môn văn chứ không chỉ học kiểu đối phó.

Cô Nguyễn Thị Ngọc Minh là giảng viên khoa ngữ văn Trường ĐH Sư phạm Hà Nội

Cô Nguyễn Thị Ngọc Minh là giảng viên khoa ngữ văn Trường ĐH Sư phạm Hà Nội

Những buổi thảo luận lúc 5h sáng

* Nhưng so với mong muốn giúp những học sinh bị lỡ cơ hội vào trường công nói chung, trường có chất lượng tốt nói riêng thì lớp miễn phí của cô vẫn còn xa với mục đích?

- Đúng thế, ngay từ đầu tôi cũng hiểu việc mình làm chỉ là hạt muối bỏ bể. Nhưng cứ làm đã. Một người làm, nhiều người làm sẽ có thể giúp được cho học trò nhiều hơn.

Sau khi mở lớp, có một số đồng nghiệp của tôi, đa số là giáo viên các trường THPT chuyên và trường chất lượng cao cũng muốn tham gia. Nhưng tôi vẫn đang cân nhắc về việc mở rộng. Vì tôi cần có thời gian để quan sát, đánh giá công việc mình làm, xây dựng một quy trình đánh giá chất lượng, quản lý nhân sự, vận hành nó như với một trường học.

Khi thấy ổn, tôi cần sự chung tay của nhiều thầy cô tâm huyết.

* Nhiều thầy cô dạy văn từng biết đến cô qua những buổi thảo luận (workshop) miễn phí mở ra trong thời đại dịch COVID-19 và cộng đồng Dạy văn sáng tạo - học văn hiệu quả do cô sáng lập.

- Đó là lúc các trường học đóng cửa, dạy học trực tuyến. Tôi muốn làm gì đó để hỗ trợ về chuyên môn cũng là cách khích lệ tinh thần của đồng nghiệp. Các workshop thời đó đều bắt đầu từ 5 giờ sáng chủ nhật. Có những hôm cả tôi và các thầy cô hăng say quá nên kéo dài cả đến trưa.

Tôi chia sẻ kinh nghiệm dạy văn online, cách dạy để phát triển năng lực học sinh thế nào. Đặc biệt là cách để không bỏ lại một học sinh nào ở sau lưng. Vì có một hiện tượng tôi từng thấy khi hỗ trợ các tổ văn ở một số trường trong dạy học là thường có một bộ phận học sinh bị bỏ quên.

Có những workshop có đến 300 giáo viên tham dự. Có người ở tuổi 70 đã nghỉ hưu cũng tham gia, cũng có giáo viên còn trẻ, có cả hiệu trưởng. Còn có hiệu trưởng ở Hà Nội chia sẻ giáo viên của mình không có điều kiện tham gia nên cô đi học và xin lại các video để gửi cho giáo viên của mình.

Sau loạt workshop thời kỳ đó, tôi duy trì cộng đồng dạy văn sáng tạo, có gần 1.000 người tham gia.

* Từ trải nghiệm qua tương tác online với giáo viên, cô thấy giáo viên hiện nay đang thiếu, đang gặp khó khăn gì và ở các nhà trường, cần làm gì để hỗ trợ họ, đặc biệt để khơi dậy nhiệt huyết, sáng tạo?

- Điều tôi thấy rõ là còn rất nhiều giáo viên ham học hỏi, nhiệt huyết với nghề. Nhưng giáo viên sau khi ra nghề một thời gian bị mai một hoặc không được cập nhật kiến thức. Nhiều thầy cô thiếu hụt kỹ năng.

Một số người đưa rất nhiều kỹ thuật, công nghệ vào giờ dạy nhưng lại quá lạm dụng kỹ thuật mà chưa hiểu những nguyên lý nền tảng của việc sử dụng phương pháp trong dạy học. Giáo viên nói chung cũng thiếu các tài liệu hỗ trợ việc dạy học, được biên soạn một cách cẩn trọng và có hệ thống.

Trong khi để dạy tốt, giáo viên nói chung và giáo viên văn nói riêng cần nghiên cứu kỹ chương trình, cần tiếp cận tác phẩm gốc, cần có những tài liệu hướng dẫn thực hành, cần am hiểu về tâm lý học, thần kinh học để có thể có những hiểu biết cần thiết về học sinh.

Thiết thực và đơn giản

Trong khi các đợt tập huấn triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 chưa thực sự đáp ứng được hết các nhu cầu mà giáo viên cần trang bị, những lần thảo luận của cô Ngọc Minh và nhóm dự án Dạy văn sáng tạo mở ra vô cùng quý giá và cấp thiết với giáo viên chúng tôi.

Tôi còn nhớ cách đây gần hai năm, khi đang quay cuồng và bối rối với hình thức học online giữa đại dịch Covid, các cuộc thảo luận về việc sử dụng multimedia trong giáo dục của cô Ngọc Minh đã giúp ích cho chúng tôi vô cùng, giúp chúng tôi hiểu được cách vận hành và tổ chức một lớp học online sao cho hiệu quả, hấp dẫn.

Ở mỗi buổi thảo luận online do cô Ngọc Minh tổ chức, chúng tôi được cập nhật rất nhiều kiến thức bổ ích và thời sự xoay quanh các vấn đề giáo dục hiện đại.

Ví dụ khi thảo luận về "Thúc đẩy sự sáng tạo của học sinh", cô Ngọc Minh sẽ đưa ra các nguyên tắc cốt lõi để giúp giáo viên thúc đẩy, gia tăng tính sáng tạo của học sinh trong quá trình học như: tạo không gian học tập an toàn, đánh giá cao sự sáng tạo, chiến lược học tập cộng tác, phân hóa và đa dạng hóa hình thức học tập...

Các nguyên tắc cốt lõi này rất thiết thực và được trình bày đơn giản, dễ hiểu, dễ áp dụng cho nhiều mô hình trường học, địa phương khác nhau... Đó là lý do vì sao mô hình hội thảo của Dạy văn sáng tạo nhận được sự hưởng ứng, tham gia của giáo viên trên mọi miền cả nước, dù chúng tôi phải dậy từ 5h sáng mỗi chủ nhật hằng tuần.

Cô Anh Trang (giáo viên Trường THPT Đào Duy Từ, Đồng Hới, Quảng Bình, thành viên tham gia dự án Dạy văn sáng tạo - học văn hiệu quả)

Lớp học hè miễn phí của bà giáo NămLớp học hè miễn phí của bà giáo Năm

TTO - Hơn 10 năm qua, cứ đến hè là bà Lâm Thị Năm (xã Tân Hòa, H.Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) lại mở lớp dạy hè miễn phí môn toán và tiếng Việt cho học sinh.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp