18/06/2024 10:02 GMT+7

Lớp học đặc biệt giữa rừng Đăk Sơmei

Đêm cao nguyên buốt lạnh, mưa rơi lộp độp trên lá không cản được những bước chân già trẻ hướng về lớp học đặc biệt giữa rừng Đăk Sơmei, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai.

Lớp xóa mù chữ làng Pral Sơmei, xã Đăk Sơmei do thầy Đỗ Hữu Quảng đứng lớp - Ảnh: T.LỰC

Lớp xóa mù chữ làng Pral Sơmei, xã Đăk Sơmei do thầy Đỗ Hữu Quảng đứng lớp - Ảnh: T.LỰC

Họ là đồng bào Ba Na nơi rừng sâu hẻo lánh, vừa buông tay cuốc, tay cày khi trời tắt nắng đã lục tục tới lớp xóa mù chữ giữa rừng.

Lớp học của những 'học trò' 50, 60 tuổi

Đúng 19h, lời kêu gọi phát ra từ chiếc loa trên nóc nhà học giáo lý giáo xứ làng Pral Sơmei (xã Đăk Sơmei) vang khắp bốn phía. Trên loa là tiếng cha xứ thúc giục các giáo dân nhanh chóng tập trung về lớp học.

Điều khác lạ là "học sinh" đa số là phụ nữ đã lập gia đình và người lớn tuổi. Đi theo họ là đoàn trẻ con tíu tít nói cười, có những em bé đang ngủ ngon lành trên chiếc địu mang sau lưng mẹ. Trên dãy bàn dài, hơn 60 học viên loay hoay đọc đọc, viết viết vào cuốn tập mang theo. Phụ trách đứng lớp là thầy giáo trẻ Đỗ Hữu Quảng, giáo viên Trường tiểu học Đăk Sơmei.

Trong lớp này, học viên lớn tuổi nhất lớp là bà cụ HNai (63 tuổi) luôn nghiêm cẩn luyện nét chữ theo mẫu thầy giáo viết trên bảng đen. Dưới mái đầu bạc trắng, đôi mắt bà cụ tập trung hết sức vào cây viết chì nhỏ xíu kẹp giữa những ngón tay to gân guốc. Môi cụ nở nụ cười tươi mỗi khi hoàn thành nét chữ to to.

Ở độ tuổi này, bà cụ không còn áp lực buộc phải biết chữ. Cụ HNai bảo việc tới lớp mỗi đêm đơn giản là tận hưởng niềm vui được học hành mà cả cuộc đời trước đây bà chưa từng có được.

Trong số những học viên tiến bộ nhanh của lớp học có ông Vôi (50 tuổi). Vốn sẵn bập bẹ được ít chữ từ trước, nay gặp đúng thầy, đúng lớp, ông Vôi học hỏi rất nhanh sau hai tháng đi học. Giở cuốn tài liệu xóa mù chữ tiếng Việt, ông đọc chậm mà rõ ràng từng hàng, vừa học vừa kèm thêm cho cô cháu gái đang ngồi học bên cạnh.

Nhà có 1ha cà phê, tới mùa chăm bón nhiều loại phân thuốc trong làng không bán, ông phải nhờ người quen viết tên từng loại vào tờ giấy để mang ra cửa hàng ngoài huyện để mua. Người bán giao loại gì, giá tiền, cân nặng bao nhiêu thì hay bấy nhiêu, ông già không cách nào kiểm tra được vì không biết chữ.

Bởi vậy, tuổi đã hơn nửa đời người nhưng ông Vôi vẫn quyết tâm đi học cho bằng được cái chữ để chủ động làm ăn, giao tiếp với bên ngoài, quyết không chịu thua thiệt chỉ vì mù chữ.

Chị Đương (41 tuổi) cặm cụi rèn chữ viết trong khi cậu con trai 4 tuổi đang ngủ trên địu - Ảnh: T.LỰC

Chị Đương (41 tuổi) cặm cụi rèn chữ viết trong khi cậu con trai 4 tuổi đang ngủ trên địu - Ảnh: T.LỰC

Khát khao xóa mù chữ

Hầu như tất cả học viên trong lớp học đặc biệt này đều khao khát mãnh liệt được xóa mù chữ.

Mặc cậu con trai 4 tuổi đang ngái ngủ trên chiếc địu, chị Đương cặm cụi gò từng nét chữ trên tập vở kẻ ô li. Khuôn mặt chị sạm đen, trông khắc khổ hơn nhiều so với tuổi 41. Gánh trên vai hoàn cảnh thật ngặt nghèo, người phụ nữ này trông đợi cái chữ để có cơ may thay đổi số phận.

Chồng chết vì nghiện rượu hai năm trước, một mình chị Đương phải căng sức cày cuốc để nuôi bảy miệng con. Chị bảo cả nhà trông đợi vào rẫy mì, ruộng lúa là không đủ, cần phải học cái chữ để ra ngoài kiếm thêm việc làm.

Ở một góc khác, chị Đơm (36 tuổi), người mẹ của bốn đứa con, cũng cần mẫn học viết chữ. Chị kể rằng vẫn chưa quên những ngày khổ sở khi các con đau ốm phải đến bệnh viện.

Ngoài những đêm trắng mệt mỏi thức chăm con, người phụ nữ này phải chạy ngược chạy xuôi nhờ người giúp đỡ mỗi khi cần làm việc với giấy tờ, thủ tục, viện phí. Hơn ai hết, chị Đơm cảm nhận sâu sắc sự lạc lõng và bất lực khi bước ra khỏi buôn làng mà không có cái chữ lận lưng.

Mỗi lần làm giấy khai sinh, chị đến ủy ban xã đọc và nhờ cán bộ viết giúp. Đến khi con vào tiểu học, hồ sơ thủ tục cho con nhập học chị lại nhờ tới các cô. Chị Đơm bảo muốn được một ngày tự tay viết tên con mình!

Thầy Đỗ Hữu Quảng bảo ban đầu danh sách đăng ký học chỉ 30 người nhưng khi mở lớp thì "phình" lên 65 học viên. Nguyên nhân là bà con ham học chữ, thấy có lớp nên tự động tìm tới. Dù lớn tuổi, khả năng tiếp thu không tốt bằng trẻ em, nhưng bà con Ba Na trên quê hương anh hùng Wừu rất cần cù, chịu khó.

Họ luôn đến lớp đông đủ, đúng giờ bất kể nắng mưa, đêm tối và học trong niềm thích thú, say mê. Thầy Quảng cho hay mục tiêu của lớp học sẽ kèm cho đến khi tất cả bà con biết đọc, biết viết.

4 thầy cô giáo thay phiên lên lớp

Thầy Nguyễn Xuân Luân - hiệu trưởng Trường tiểu học Đăk Sơmei - cho hay nhà trường và chính quyền xã đứng ra vận động mở được hai lớp xóa mù chữ, cử bốn thầy cô giáo thay phiên lên lớp, đến nay có hơn 110 bà con theo học.

Dù điều kiện giảng dạy khó khăn, đường sá xa xôi nhưng các thầy cô giáo rất nhiệt huyết giúp đỡ bà con trong hành trình xóa mù chữ.

225 lớp xóa mù chữ, 6.200 học viên

Theo Sở GD-ĐT tỉnh Gia Lai, hiện toàn tỉnh đã mở được 225 lớp xóa mù chữ với hơn 6.200 học viên là đồng bào các dân tộc. Hoạt động triển khai dựa theo Chương trình xóa mù chữ của Bộ GD-ĐT, thực hiện từ cuối năm 2022.

Những lớp học đặc biệt nơi đảo xaNhững lớp học đặc biệt nơi đảo xa

Xa đất liền, điều kiện sinh hoạt khó khăn nhưng hằng ngày các em học sinh ở trên đảo Thổ Chu (Kiên Giang), Hòn Chuối (Cà Mau) vẫn đến lớp học tình thương, điểm trường. Sự tâm huyết của thầy cô nơi đây đã mở ra cánh cửa hy vọng cho các em.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp