Các em được học cách dọn bàn theo phong cách chuẩn châu Âu - Ảnh: MINH CHIẾN
Lớp chỉ đặt bốn cái bàn cho 14 học sinh trong một căn phòng nhỏ nhưng lại bày đầy đủ những bình trà, lọ hoa, các loại dĩa… như một gian bếp thực thụ. Thầy Đống Lương Sơn - chủ tịch Hội Những người ái mộ bác sĩ A.Yersin, nguyên giám đốc khách sạn Yasaka - chia sẻ: "Bản thân tôi là một người lành lặn, có đầy đủ sự hạnh phúc. Còn các em lại bị khiếm khuyết, gặp nhiều bất lợi. Mỗi lần nhìn thấy các em, tôi lại thấy chạnh lòng thương nên tôi muốn dùng kinh nghiệm và quãng đời còn lại của mình giúp đỡ các em".
"Giáo trình đặc biệt"
Vì là những đứa trẻ khiếm khuyết nên thầy đã thiết kế "một giáo trình đặc biệt" với cách dạy trực quan và nhắc lại. Thầy sẽ trình chiếu những video về các loại dao, muỗng, các loại ly dùng trong từng bữa tiệc rồi sắp xếp chúng lặp đi lặp lại và hướng dẫn tỉ mỉ để các em nhớ rõ. "Những ngày đầu đến lớp, các em còn rất bỡ ngỡ, thực hành làm rơi vỡ dụng cụ hay xếp ngược khăn là điều bình thường, nhưng càng học các em tiếp thu càng nhanh và thành thạo mọi kỹ năng. Tôi thấy được sự cố gắng trong từng hành động, và càng vui hơn khi mỗi ngày được nhìn các em vui chơi và dần mở lòng mình với mọi người", thầy Sơn nói.
Với thầy Sơn, khó khăn lớn nhất khi dạy đó là nắm bắt tâm lý của từng em, người dạy phải thực sự kiên nhẫn và tâm huyết. Chưa kể vì đa số các em là người câm điếc nên phải cần có một hoặc hai cô giáo dùng ngôn ngữ ký hiệu để truyền đạt lại lời nói của thầy. Ngoài thầy Sơn, lớp học còn có sự tham gia của rất nhiều người có kinh nghiệm trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn như thầy Biên, cô Mỹ Kim… Tất cả đều muốn dạy những gì tốt nhất, dễ hiểu nhất đến các em.
Cẩn thận đặt chiếc đĩa đựng đồ ăn chính ở giữa vị trí khách ngồi cách mép bàn 2cm, bên phải bày muỗng, dao và bên trái bày nĩa theo đúng phong cách Âu, em Nguyễn Thái Bảo Trân hào hứng nói: "Học ở đây vui lắm, về nhà em còn tự sắp chén dĩa, rồi xếp khăn trang trí mâm cơm. Em còn mày mò thêm mấy kiểu gấp khăn hình con bồ câu, con thuyền nữa! Em muốn học ở đây thật nhiều để sau này sẽ làm nhân viên phục vụ nhà hàng hoặc mở một quán ăn, cùng các bạn câm điếc như em buôn bán".
Trân kể rằng ngoài học kỹ năng, em còn được học phong cách làm việc như "cười bằng mắt", cúi đầu chào khách trước và sau khi bưng bê… Mỗi bạn còn được nhập vai làm khách và nhân viên phục vụ, rồi luân phiên nhau thực hành và nhận xét để cùng nhau tiến bộ hơn mỗi ngày. Cô Trần Thị Mỹ Ái - giáo viên hỗ trợ ngôn ngữ cho các em - chia sẻ các em lớn thì mơ có một việc làm đơn giản, còn các em nhỏ thì có những ước mơ bay bổng hơn nhưng chung quy các em đều khao khát được giúp ích cho đời, được công nhận năng lực.
Từ ái mộ bác sĩ Yersin
Cô Trần Thị Ngọc Liên - nguyên giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng - giáo dục trẻ em khuyết tật tỉnh Khánh Hòa, hiện nay là phó chủ tịch Hội Những người ái mộ bác sĩ A.Yersin - cho biết bản thân cô cũng là một người mẹ nên hiểu các em và phụ huynh cần gì. Lớp học này không chỉ dạy nghề mà còn là "bài thuốc tinh thần" giúp các em lạc quan, tự tin thể hiện bản thân hơn, và đó cũng là điều mà các thầy cô và mọi người ở đây hướng đến.
Đây là khóa học đầu tiên, khai giảng vào giữa tháng 2 và kết thúc vào cuối tháng 5. Sau khóa học này, cô Liên và những thành viên trong hội sẽ mở những khóa tiếp theo, chiêu sinh đến nhiều điểm nuôi dạy trẻ khuyết tật trên địa bàn tỉnh. "Noi gương bác sĩ Yersin, người đã cống hiến cả tuổi đời và công sức của mình cho y học mà không cần nhận lại điều gì, chúng tôi nghĩ cần phải làm một điều gì đó đẹp đẽ cho đời. Và chúng tôi cũng muốn chứng minh cho mọi người thấy những người có tật là có tài vì họ rất chăm chỉ và thật thà" - cô Liên nói.
Nhớ về một kỷ niệm vui, cô Liên kể rằng vào ngày 8-3 cô và một số nữ thành viên khác đến lớp để xem các em học thì bất ngờ các cô được các em tặng hoa, tuy không nói được thành lời nhưng những cái ôm và cái cúi đầu đã làm cho cô Liên và các thành viên trong hội cảm thấy hạnh phúc. "Đây là ngôi nhà thứ hai của các em, tôi cảm thấy mình cần phải có trách nhiệm hơn với các em… Thời gian đến tôi sẽ vận động các nhà hảo tâm, thành viên hội mở một quán cà phê để các em có thể làm việc sau khóa học, vận dụng kiến thức và tự kiếm nguồn thu nhập cho mình" - cô Liên dự định.
Đến từ sớm để quan sát con, chị Lê Thị Phương xúc động nói: "Ngày nào đi học về bé cũng kể chuyện lớp học. Bé bắt đầu viết, vẽ biểu đạt nhiều hơn để tôi hiểu bé đã học những gì. Chỉ cần con được sống với sở thích của mình, sau này có một công việc tự nuôi sống bản thân và được mọi người tôn trọng, với tôi là quá đủ".
Tạo công ăn việc làm cho các em
Thầy Đống Lương Sơn tâm sự rằng, là người từng điều hành doanh nghiệp, thầy tin cơ hội của những người khuyết tật luôn ngang hàng với những người bình thường khác nếu họ được tạo điều kiện và bản thân họ biết phấn đấu. Điều cần làm là phải liên kết các doanh nghiệp để đảm bảo nguồn ra cho các em. Dự định sau khóa học thầy Sơn sẽ đưa các em đi thực tập, trải nghiệm tại một số nhà hàng, khách sạn trên địa bàn thành phố… để các em có thêm kinh nghiệm thực tế và có thêm cơ hội việc làm.
"Thành phố của chúng ta là thành phố du lịch, nhu cầu nhân lực phục vụ luôn thiếu. Vì vậy cơ hội của các em luôn có, chỉ cần các doanh nghiệp hỗ trợ. Tôi tin các em sẽ là những nhân viên tuyệt vời vì đã được đào tạo căn bản, chưa kể ở các em có cả sự nỗ lực và ý chí phi thường" - thầy Sơn nói.
Ông Phạm Minh Nhựt, phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa, cho biết việc mở lớp học nghề về nhà hàng - khách sạn cho các em có hoàn cảnh đặc biệt là điều rất đáng trân trọng. Hiệp hội sẽ thông tin đến các thành viên về lớp học này để hỗ trợ các em đến thực tập cũng như tuyển dụng. Riêng Công ty cổ phần Hòn Tằm Biển sẽ tích cực giúp các em trong lớp học này và những lớp học về sau có được một nghề, một vị trí việc làm cho bản thân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận