Thầy Phong (trái) ở một lớp học đá bóng miễn phí Ảnh: DUY KHÁNH |
Là giáo viên dạy vật lý nhưng thầy Lâm Thế Phong (33 tuổi) - giáo viên Trường THPT An Thới - lại có niềm đam mê mãnh liệt với trái bóng. Thời sinh viên, thầy Phong từng là thành viên của đội tuyển sinh viên ĐH Cần Thơ tham dự giải vô địch bóng đá sinh viên toàn quốc.
Ở thị trấn An Thới, không có bất cứ khu vui chơi giải trí hay nhà sách nào. Vì thế, ngoài giờ đến lớp, học sinh ở đây chỉ có cơ hội giải trí duy nhất là ra biển tắm. Rồi mấy năm lại đây, các phòng “net” bỗng mọc lên như nấm khiến nhiều đứa trẻ vùng biển từ tò mò, háo hức trở nên nghiện game lúc nào không hay.
Lo lắng, trăn trở nên thầy Phong quyết định mở lớp dạy bóng đá cho các em. Xin ban giám hiệu Trường THPT An Thới cho mượn miếng đất phía sau trường, thầy huy động các thầy trong chi đoàn giáo viên dọn cỏ làm cái sân bóng nhỏ.
Nghe tin thầy Phong mở lớp bóng đá miễn phí, nhiều phụ huynh đưa con đến gửi, đa số là học sinh tiểu học. Ban đầu lớp chỉ có khoảng 20 em, tất cả dụng cụ tập luyện thầy Phong đều bỏ tiền lương ra để mua. Thậm chí thầy còn mua trang phục, giày cho các em.
Nhiều đứa trẻ vốn ít vận động, chỉ suốt ngày chơi game nên ban đầu còn rụt rè, miễn cưỡng khi cha mẹ ép, nhưng sau thời gian ngắn là cứ háo hức chờ đến cuối tuần để đi học đá bóng. Một số em theo cha mẹ ra Phú Quốc làm thuê, bỏ học sớm, lân la đến sân bóng xem cũng được thầy mời tham gia và vận động các cô giáo tiểu học dạy kèm ban đêm cho các em. Có em cứ mở miệng ra là chửi thề nên trong các buổi dạy đá bóng, thầy Phong còn dạy các em biết lễ phép, vâng lời người lớn.
Nhưng quan trọng nhất là thầy Phong đã “kéo” nhiều em ra khỏi phòng game lúc nào không hay.
Anh Nguyễn Ngọc Anh - phụ huynh của em Nguyễn Anh Việt (10 tuổi) - chia sẻ: “Nhờ có thầy Phong mà cháu không còn đòi chơi game nữa. Giờ cháu rất năng động chứ không rụt rè như trước”.
Tiếng lành đồn xa, nhiều phụ huynh đưa con đến gửi khiến lớp dạy bóng đá quá tải. Cái sân cỏ lô nhô sỏi đá không thể mở rộng thêm, mà từ chối thì không đành. Nhiều phụ huynh thấy con thay đổi nên đã hỗ trợ thầy mua các dụng cụ tập luyện. Các thành viên của đội tuyển bóng đá Trường THPT An Thới do thầy Phong làm HLV cũng xung phong phụ thầy hướng dẫn các em trong các buổi tập.
Thầy Phong rất khiêm tốn khi nói về lớp dạy đá bóng “cai nghiện” game này. Thầy tâm sự: “Tôi mong sao ở thị trấn này có các khu vui chơi, giải trí lành mạnh hay nhà sách để các cháu có nơi sinh hoạt chứ lớp bóng đá này chỉ giải quyết được một số ít cháu mà thôi”.
“Thầy dạy miễn phí, lẽ nào tui lại lấy tiền!” Gần Trường THPT An Thới có sân bóng đá mini. Chủ sân mời thầy Phong làm trọng tài cho những trận đấu giải phong trào. Thầy Phong đề nghị với chủ sân cho thuê sân thứ bảy và chủ nhật với giá “hữu nghị” để có thêm chỗ dạy cho học viên. Đây là giờ vàng nên có rất nhiều người muốn đặt cố định. Sau một hồi suy nghĩ, anh Nguyễn Bảo Quốc - chủ sân bóng - tặc lưỡi: “Tui cho thầy mượn luôn, khỏi tiền bạc gì hết. Thầy dạy miễn phí, lẽ nào tui lại lấy tiền!”. Không những cho mượn sân, ông chủ mê bóng đá này giờ kiêm luôn chức “HLV phó” mỗi khi thầy Phong bận việc. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận