TTO - Thắng lợi 2-0 trước đội đương kim vô địch thế giới của Hàn Quốc trong trận quyết định ở bảng F là bất ngờ lớn nhất tại vòng bảng World Cup 2018.

Với Đức, đấy là thất bại nặng nề nhất trong toàn bộ lịch sử World Cup của mình. Thế nhưng, điểm lại diễn biến trong cả quá trình, lại thấy rằng, kết quả này là hợp lý, như đã được báo trước. Vấn đề là chẳng ai coi trọng những tín hiệu báo động đã phát đi từ rất sớm.

Trong bóng đá, thắng thua là lẽ thường tình. Có nhiều loại thua: thua một trận đấu, thua một giải đấu, thậm chí thua không chỉ cho một đội bóng mà là thua cho cả một nền bóng đá. 

Có nhiều cách thua: thua đích đáng hay thua oan uổng, chỉ thua tỷ số hay thua toàn diện về thế trận, thua chỉ chấp nhận hay thua để thức tỉnh. Trận thua lần này của Đức, về mọi phương diện, đều thuộc loại trầm trọng nhất, nó không xứng đáng cả nền bóng đá đầy kiêu hãnh, luôn được tôn trọng, ngưỡng mộ và yêu mến 

Trận thua này sẽ trở thành một cột mốc đánh dấu một điểm uốn trong nền bóng đá của đất nước này.

Ngoài vô số vinh quang gắn với thắng lợi trong các giải vô địch châu Âu hay thế giới, trong bóng đá Đức cũng đã có những cái tên tủi hổ được ghi nhớ.

Như Cordoba, Đức thua Áo 2-3 trong vòng chung kết bảng A World Cup năm 1978, Như Gjon, nơi Đức thắng Áo 1-0 trong một trận đấu bị cho là "dàn xếp" để loại Angerie. Bây giờ là cái tên thứ 3 sẽ ghi vào lịch sử: Kazan. 

Một khán giả Đức nói rằng: "Rồi đây chúng ta sẽ phải dạy cho con cháu nhớ mãi cái tên này". Cái tên gắn với ngày bóng đá Đức xuống đáy. Một khán giả khác lại bảo: "Đá thế này thì không nên đi máy bay, các cầu thủ phải đi bộ để trở về Frankfurt". 

Sau phút choáng váng vì bị loại bất ngờ và đau đớn, bình tâm nghĩ lại, mới thấy trận thua này như đã được báo trước và thậm chí là cần thiết cho cả một nền bóng đá nói chung.

Long form: Chuyên gia Vũ Công Lập mổ xẻ thất bại của đội tuyển Đức - Ảnh 2.

Theo Hummel, trận đá tốt cuối cùng của đội tuyển Đức đã diễn ra từ mùa thu năm 2017. Sau trận đấu kết thúc vòng loại toàn thắng, tất cả các trận đấu của Đức đều có kết quả không khả quan và mang lại những âu lo cả về tinh thần lẫn lối đá. 

Trước khi đến Nga, Đức hòa Anh 0-0, hòa Pháp 2-2, hòa Tây Ban Nha 1-1, thua Brazil 0-1, thua Áo 1-2 rồi thắng Arập Xêut 2-1. 

Đặc biệt, từ trận thua Brazil 0-1, đội tuyển Đức đã thi đấu một cách nhợt nhạt về cả tinh thần lẫn kỹ chiến thuật. Hai trận tổng duyệt trong giai đoạn tập huấn, Đức hoàn toàn lép vế trước đối thủ ở thứ hạng không cao là Áo và Arập Xêut, đặc biệt ở hiệp hai. 

Thua Áo là đích đáng, còn thắng Arập Xêut chỉ là may mắn. Các cầu thủ không thể hiện được đẳng cấp "đương kim vô địch thế giới của mình". Đấy thật ra đã là những tín hiệu báo động ở cấp nguy hiểm, nhưng không được ghi nhận một cách nghiêm túc, và do đó không có biện pháp đối phó thích đáng. 

Người ta vẫn cứ nghĩ rằng: à, đấu chơi thì vậy thôi, nhưng khi vào giải đá thật thì tất cả lại sẽ khác.

Nhóm tín hiệu báo động thứ hai thể hiện trong quá trình tập trung và tuyển chọn cầu thủ. Đội tuyển Đức lần này là sự trộn ghép giữa hai thế hệ: thế hệ vô địch thế giới năm 2014 và thế hệ vô địch Confed Cup 2017. 

Cuối cùng thì thế hệ cũ chiếm ưu thế, và thế hệ mới chỉ có vai trò bổ sung. Thậm chí một vài cầu thủ ưu tú của thế hệ mới đã bị loại, mà Sane là một thí dụ điển hình. Đội tuyển tập trung trong 3 tuần. Nhưng đấy là 3 tuần quá nhiều biến động. Trước hết là chuyện Oezil và Guendogan.

Khi nhìn lại toàn bộ quá trình, tạp chí Focus trích ra 14 thời điểm nối tiếp nhau dẫn đến thảm họa Kazan. 

Thời điểm số 1 là ngày 14-5-2018. Một ngày trước khi công bố danh sách tuyển chọn sơ bộ, bức ảnh ghi hình hai cầu thủ này chụp chung với Tổng thống Thổ nhĩ kỳ Erdogan, với áo đội tuyển và chữ ký nữa, đã gây nên một sự xáo trộn lớn. Chủ tịch DFB đã lên án thái độ Oezil và Guendogan rất gay gắt. 

Dư luận cũng phản đối mạnh mẽ, nhất là khi Guendogan xuất hiện trên sân Leverkusen. Vấn đề ở đây là thái độ với những giá trị xã hội được thừa nhận và theo đuổi. Những giá trị của xã hội Đức, cả truyền thống lẫn đương đại, phải được tôn trong khi khoác áo thi đấu cho đội tuyển quốc gia. 

Lãnh đạo đội tuyển Đức đã đánh giá sự kiện này khá hời hợt, nên xử lý không kết quả. Mãi trước khi bóng lăn ở Nga, Loew mới tuyên bố :"Thực ra, cả Oezil và Guendogan đều theo đuổi những giá trị như tất cả chúng ta". 

Giá trị bóng đá phải nằm trong khuôn khổ của giá trị xã hội. Nhưng muộn mất rồi, Guendogan vẫn mất tự tin, như thái độ dè dặt của anh khi thay Rudy đã chỉ rõ.

Một điểm yếu trong công tác chuẩn bị: không thể toàn tâm toàn ý, mà luôn ở trong tình trạng trông ngóng, đợi chờ. Chờ cầu thủ khỏi chấn thương, hàng tuần như Hummel, Mueller, hàng tháng như Neuer, Oezil, Boeteng. 

Chờ nhóm cầu thủ Bayern lên tập trung muộn do đá trận chung kết Cup DFB. Oái oăm thay, trận chung kết này Bayern lại thua đau đớn trước đội bóng dưới cơ Frankfurt nên cuối cùng lại làm ảnh hưởng đến tinh thần cầu thủ. 

Kết quả là, đợt tập trung này đã không giải quyết được những vấn đề thực ra đội tuyển Đức đang đối mặt.

Long form: Chuyên gia Vũ Công Lập mổ xẻ thất bại của đội tuyển Đức - Ảnh 4.

Những tín hiệu báo động ấy trong quá trình chuẩn bị nói rằng, đội tuyển Đức không ở trong trạng thái sung mãn, cả về tinh thân, thể trạng và thi đấu. 

Sau này, khi đánh giá trận thua Mehico 0-1, Mario Basler có nói rằng, xem đội vô địch thế giới thi đấu, ông không thấy bất cứ một cầu thủ nào có đẳng cấp thế giới.

Trong thành phần tuyển Đức lần này, có 9 cầu thủ đã đứng trên bục nhận huy chương vàng năm 2014. Tất cả các cầu thủ đã ra sân lần này, không trừ một ai, đều không đạt được phong độ tối đa. Họ đều không có phong độ tốt nhất, 

Có người còn tương đối khá, như Neuer, Kroos, Hummel..., cóp ngừơi tạm được như Kimmich, Oezil..., có người rất tệ như Mueller, Khedira... 

Các cầu thủ trẻ hơn cũng không có phong độ tốt, do chưa có cảm giác được thực sự tin dùng Werner, Draxler, Hector, Goretzka... Như vậy, phong độ từng cá nhân là một vấn đề lớn.

Nguyên do của phong độ này nằm ở cả hai khâu: thể lực và trạng thái tinh thần. Trận Hàn Quốc ta thấy rõ, Đức lép vế trong các cuộc đọ sức tay đôi, mất hoàn toàn khả năng chạy đua ở cuối trận. 

Về tinh thần, tất cả đều tin vào ý chí chiến đấu, khát vọng vinh quang và tinh thần đồng đội sẽ trở lại khi giải chính thức bắt đầu. Nhưng thực tế lại diễn ra khác hẳn. 

Từ tháng 5, và từ nước Mỹ, Klinsmann đã cảnh báo: về ý chí và khát vọng thì Đức năm nay thua nhiều đội khác. Nhưng ai nấy đều xem như một bình luận thông thường, chứ ít ai xem là một cảnh báo nghiêm túc.

Loew cũng khắng định: tinh thần đồng đội sẽ là nhân tố quyết định cho chiến thắng. Đây là sức mạnh căn bản của bóng đá Đức. Đây là chiến lược trung tâm khi xây dựng đội tuyển Đức. Năm 1978, Đức thất bại chính vì đội bóng bị chia thành những nhóm nhỏ. 

Năm 2018, cũng có những tin đồn về sự bất hòa, nhưng chưa được kiểm chứng. Tuy nhiên, chính Loew cũng phải thừa nhận, trong đội bóng có thái độ tự thỏa mãn và kiêu ngạo. Chỉ thế thôi cũng đã đủ để làm suy yếu sức mạnh của cả tập thể rồi.

Với tình hình ấy, nếu đánh giá đúng, thì mục tiêu phải đề ra như thế nào ? Tất cả đều hy vọng, thậm chí tin tưởng rằng, Đức là một trong những ứng cử viên sáng giá cho chức vô địch. Chỉ có Klinsmann nói thẳng: Vào đến bán kết sẽ là thắng lợi lớn của bóng đá Đức. 

Người ta có làm một cuộc phỏng vấn trước giải với các cầu thủ đội Đức: ai sẽ là đối thủ nguy hiểm nhất ở giải lần này ?  Có 9 cầu thủ đoán rằng đó là đội Pháp, 9 người khác đề tên Tây Ban Nha, 3 người nhắc đến Brazil. 

Cũng không phải là một linh cảm đúng. Có vẻ như tất cả đều nghĩ rằng, đương nhiên Đức sẽ vượt qua các đội ở vòng bảng. Xác định sai mục tiêu, đánh giá sai đối thủ là một sai lầm khác của Đức.

Long form: Chuyên gia Vũ Công Lập mổ xẻ thất bại của đội tuyển Đức - Ảnh 6.

Trận mở màn rất quan trọng, nhưng Đức đã đánh giá rất sai đối thủ. Sai về chất lượng, sức mạnh.

Và để xẩy ra bất ngờ về chiến thuật. Sau này kiểm điểm lại, mới thấy không ai nghĩ tới phương án đối thủ sẽ khóa chặt Kroos theo kiểu kèm chết, từ đó đẩy Đức vào thế bí. Điều này cũng giống như EURO 16, bằng cách khóa chặt Modric mà Bồ Đào Nha đã loại Croatia. 

Đánh giá thấp đối thủ và bị phá hủy nhân tố tổ chức tấn công, Đức đã hoang mang và để thua trong bất lực. Đã không có một phương án B nào được đưa ra để thích ứng với tình hình mới.

Trong hai trận sau, mỗi trận Loew đều xáo trộn đội hình tới 4 vị trí, nhưng lối đá không có gì mới. 

Hơn nữa sự thay đổi hơi có vẻ quẩn quanh , đưa Khedira- Oezil ra trận trước thì lại đưa vào ngay ở trận sau, Brand đã có phút lóe sáng nhưng không được thử thách thực sự, không có ai đủ khả năng đột phá để gây rối loạn trong tuyến phòng ngự đối thủ. 

Lâu lắm rồi, xem Đức thi đấu, mong Đức thắng, nhưng có vẻ như chỉ còn có thể trông chờ ở một tình huống "cầu may". Công bằng mà nói, ngay cả trong tình huống hiểm nghèo, tuyển Đức cũng đã tạo ra một số cơ hội rất rõ ràng, nhưng đều bỏ lỡ đáng tiếc.

Vì đội Đức hiện nay không có một tiền đạo thực sự đúng nghĩa sát thủ, cho nên trong trận Hàn Quốc cầu thủ nguy hiểm nhất cho đối phương lại là trung vệ Hummel.

Đức kiểm soát bóng tốt, tấn công nhiều, nhưng không thể gây hoang mang hay rối loạn cho hàng thủ đối phương. 

Không có những bất ngờ, mọi phương án tổ chức đều bị đối phương dễ dàng đoán trước, nên thậm chí tấn công mãi là dễ bị ức chế, mất bóng và dính đòn phản công. 

Cánh phải được chọn làm hướng đột phá, nhưng khi Kimmich có bóng, có thể đoán ngay anh sẽ làm gì, mặc dù đây là một cầu thủ trẻ có khả năng, rất xông xáo và tận tụy. Tờ Kicker bình luận hóm hỉnh: tiếc thay, đây là bóng đá chứ không phải là chạy thi marathon, chứ nếu không Kimmich đã là vô địch.

Về lối đá, Đức như một bản sao của năm 2014, nhưng với trình độ thể hiện kém hơn nhiều phần. Cho nên, trong tư thế đội vô địch bị săn đuổi, cả 3 trận đấu Đức đều đá hết sức vất vả, thắng thì nhờ sự xuất thần giây phút, nhưng thua thì phải công nhận là đích đáng. 

Mà đối thủ đều thuộc đẳng cấp trung bình của thế giới. "Đức quả thật không xứng đáng được đi tiếp", và có đi tiếp thì cũng dễ trở thành mồi ngon cho các đội bóng khác.

Trong những bức bách về phong độ và chiến thuật như vậy, lại hơi có chút tự mãn, nhiều cầu thủ đã bỗng nhiên mất hẳn khí phách, không đủ dũng khí đương đầu và nhận trách nhiệm. Nhiều tờ báo đều đồng loạt cho rằng, đấy là đội bóng đã hết sức, đã cạn lời, không còn ý tưởng, chẳng đủ sức lực. 

Thậm chí có bình luận rằng, đấy không còn là một đội bóng.

Long form: Chuyên gia Vũ Công Lập mổ xẻ thất bại của đội tuyển Đức - Ảnh 8.

Chắc chắn sẽ có những mổ xẻ nghiêm chỉnh để tìm ra mọi nguyên nhân cho thất bại lần này. Nhưng một điểm chung là ai cũng thấy Đức đã đi quá nhiều năm trên một con đường. Một thế hệ bóng đá thường là 10 năm, nhưng trong đoạn cuối của chặng đường đến ngưỡng thế hệ ấy, Loew đã không đủ sức tạo ra một cuộc cách tân, một sức thay đổi. 

Không thay đổi được cả con người lẫn lối đá, Đức bị các đối thủ vượt qua, như vượt qua một cái gì đó bảo thủ, trong một thời đại mà bóng đá đang thay đổi ào ào về chiến lược và chiến thuật.

Đội tuyển Đức năm nay không đại diện được cho sức sống của cả nền bóng đá Đức. Đấy là một nền bóng đá có tới 7 triệu cầu thủ chơi bóng đá có đăng ký ở các CLB, mỗi năm đóng thuế trung bình 1tỷ Euro cho ngân sách quốc gia, đảm bảo công ăn việc làm cho 54 nghìn người trong các CLB chuyên nghiệp, CLB nào cũng có các cơ sở đào tạo trẻ hiện đại, ứng dụng công nghệ tiên tiến, quản lý chặt chẽ và hiệu quả.

Bóng đá Đức cũng  lại đang có một thế hệ cầu thủ mới, như Brand hay Sane, một thế hệ HLV mới mang biệt danh thế hệ "HLV laptop"  đầy sáng tạo và khát vọng  như Klopp, Nagelsman hay Tedesco... Nếu huy động được hết sức mạnh ấy vào đội tuyển, chắc sẽ có một cuộc lột xác. 

Khác với năm 2000, sau thất bại 0-3 trước Bồ Đào Nha, Đức cần có một cuộc cách mạng để bứt phá, để xây lại từ triết lý tới hạ tầng,  bây giờ, sau thất bại 0-2 trước Hàn Quốc, Đức chỉ cần một cuộc cách tân. Họ có sẵn kinh nghiệm, cơ sở và nền tảng cho sự thay đổi. Vấn đề chỉ là cân nhắc tổ chức lại lưc lượng, tỉnh táo trong đánh giá và xây dựng kế hoạch.

Cho nên, thất bại thật không vui, thật đau đớn. Nhưng thất bại này là tất yếu, và cũng là cần thiết. Cho một sự khởi đầu, cho một sự đổi thay, cho tiến bộ. Lúc đó thì tất cả sẽ lại được cùng hưởng lợi. 

_______________________________

VŨ CÔNG LẬP
CƠ AN
REUTERS


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp