Hoài Phương trong một chuyến “lang thang” - Ảnh: P.H.
Blogger du lịch là một nghề đào thải khá khắc nghiệt, nếu không biết tự làm mình nổi bật, để cộng đồng lãng quên, không có lượng fan đông đảo thì khi đó blogger du lịch vẫn chỉ là một danh xưng và hoàn toàn không thể có thu nhập.
Nữ blogger du lịch PHẠM MAI HƯƠNG
Sau hơn 3 năm làm kỹ sư, chàng trai Đinh Võ Hoài Phương nhận thấy "những con số lặp đi lặp lại, những tiêu chuẩn khô khan cứng nhắc" làm bản thân mình trở nên mệt mỏi. Anh dần nhận ra công việc đó không dành cho mình.
Bỏ việc để "lang thang"
Một thời gian sau, chàng trai đến từ Bến Tre sáng lập ra kênh YouTube Khoai Lang Thang, Food and Travel, là nơi anh chia sẻ những video ghi lại các chuyến đi trải nghiệm ẩm thực khắp mọi miền từ Đông sang Tây của mình.
Đến nay kênh YouTube của Phương đã "bỏ túi" hơn 280.000 người đăng ký, ngoài ra còn có hơn 190.000 người theo dõi anh chàng sinh năm 1991 này trên trang Facebook Khoai Lang Thang.
Những video Phương đăng tải đều đạt được con số vài trăm ngàn lượt xem, trong đó video Ăn đặc sản quý hiếm ở miền Tây sông nước còn đạt đến hơn 1,8 triệu. Kênh ẩm thực của Phương ghi điểm bằng lối dẫn chuyện mộc mạc, dễ gần và khiến người xem "chết thèm" với đủ thứ món ăn trên đời, đặc sản các vùng miền mà anh chàng đi qua.
Trong khi đó, để có nhiều thời gian hơn cho việc đi đó đây và phát triển các dự án cá nhân về du lịch, Phạm Quang Tuân - chủ nhân blog cuongchan.com - cũng từng hai lần từ bỏ công việc toàn thời gian để theo đuổi con đường làm việc tự do.
Blogger du lịch Phạm Quang Tuân - Ảnh do nhân vật cung cấp
Hiện tại, Tuân đang thực hiện các dự án về truyền thông số và online, khi nào xong dự án, có thời gian thì anh chàng lại lên đường. Trang blog của Tuân là nơi mà những người mê du lịch có thể tìm thấy rất nhiều thông tin, từ kinh nghiệm đi, cách xin visa, đặt phòng... cho đến những điểm thú vị của những chuyến hành trình mà chàng trai đến từ Quảng Trị này đã đi.
Cách đây nhiều năm, anh chàng mê xê dịch Trần Việt Anh sáng lập trang blog dulichbui24.com, chỉ xem đây là nơi để chia sẻ những trải nghiệm của mình và kết bạn với những người có cùng sở thích. Rồi anh chàng nhận được những hợp đồng quảng cáo đầu tiên và nhận ra rằng đây có thể là phương tiện giúp mình kiếm tiền trang trải cho các chuyến đi.
Trần Việt Anh trong một chuyến đi tại Thái Lan - Ảnh do nhân vật cung cấp
Càng đi nhiều, Việt Anh lại càng mong muốn biến sở thích và niềm đam mê này thành công việc. Đến nay, chàng trai quê Hải Phòng xem việc đi và viết blog du lịch là công việc toàn thời gian của mình.
Việt Anh cũng đang giúp các công ty tour, đơn vị lưu trú trải nghiệm và viết đánh giá về các sản phẩm du lịch. Công việc hiện tại mang lại cho anh thu nhập vừa đủ để trang trải cho cuộc sống và những chuyến đi.
Không chỉ mê bề nổi
Theo Việt Anh, để có thể duy trì được công việc mình yêu thích, anh đối mặt với rất nhiều khó khăn. Ngoài những thử thách trên đường đi thì có những khó khăn khác như tài chính trong giai đoạn chuyển nghề, bị mọi người đánh giá là "lông bông", làm sao thuyết phục gia đình cho mình theo đuổi con đường mình chọn...
"Nếu chỉ nhìn theo khía cạnh được đi, được sướng thì tôi nghĩ là không nên, chúng ta nên nhìn theo khía cạnh là người ta đang theo đuổi công việc mình thích, đó có thể là làm bánh, nấu ăn, viết lách..." - Việt Anh chia sẻ.
Còn Quang Tuân thì kể: "Đằng sau những bài viết hay, những tấm hình đẹp, những video chất lượng cao đều là một quá trình lao động từ nhiều khâu khác nhau". Cũng vậy, Hoài Phương nói: "Chẳng có con đường nào là trải đầy hoa hồng cả, vậy nên tốt nhất là phải chuẩn bị thật tốt kiến thức, hành lý và sức khỏe trước mỗi chuyến đi xa".
"Tôi không xem blogger du lịch là nghề"
Theo chị Rosie Nguyễn (tên thật là Nguyễn Hoàng Nguyên), tác giả cuốn sách hướng dẫn du lịch bụi nổi tiếng Ta balô trên đất Á, blogger du lịch đang được giới trẻ rất quan tâm nhưng không phải ai cũng hiểu đúng về công việc này.
Blogger Rosie Nguyễn - Ảnh do nhân vật cung cấp
Là người có kinh nghiệm du lịch và viết blog gần 10 năm, nhưng chị Rosie nói mình không xem blogger du lịch là nghề, vì chị không kiếm sống bằng công việc này.
"Mọi người thường nghĩ những người làm nghề này thì được đi nhiều nơi, được ăn miễn phí, ở những nơi sang trọng. Tôi không phủ nhận rằng công việc này mang đến cho chúng tôi những đặc quyền mà không dễ dàng có được, nhưng đó chỉ là phần nổi của tảng băng" - chị nói.
Theo chị, công việc này mang đến nhiều áp lực và trách nhiệm, không chỉ với khách hàng mà còn với công chúng. "Áp lực của công chúng đối với nghề này là kinh khủng. Ví dụ khi mình đăng nội dung gì đó không phù hợp với trải nhiệm của người khác, mình sẽ bị chỉ trích. Những trường hợp không khéo trong việc quản lý con chữ hay hình ảnh và bị đám đông ném đá, dư luận tẩy chay không phải là hiếm" - chị chia sẻ.
NGỌC ĐÔNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận