Cảng quốc tế Long An sẽ xây dựng thêm cầu cảng đón tàu tải trọng 100.000 tấn, được xem là đầu tàu để Long An phát triển logistics - Ảnh: S.LÂM
Long An lấy công nghiệp làm trọng tâm, hướng đến phát triển công nghệ cao và thành lập khu kinh tế công nghệ cao tại tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Út (chủ tịch UBND tỉnh Long An)
Đầu tháng 3-2021, UBND tỉnh Long An đã tổ chức ký kết giữa Sở Kế hoạch và đầu tư (đơn vị được UBND tỉnh giao nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh) và đơn vị tài trợ (Công ty cổ phần Công nghệ - viễn thông Sài Gòn, Công ty cổ phần Phát triển đô thị Sài Gòn Tây Bắc và Vinacapital Group), đơn vị tư vấn lập quy hoạch tỉnh (Công ty TNHH McKinsey & Company Việt Nam) để cùng phối hợp lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 để trình Chính phủ phê duyệt.
Chuẩn bị tổ cho "đại bàng" thế giới
Ông Nguyễn Văn Út, chủ tịch UBND tỉnh Long An, cho biết nhờ các đơn vị chuyên môn lập quy hoạch với kỳ vọng sẽ có nhiều ý tưởng mới mẻ, đột phá mang tầm quốc tế, dài hạn, khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển nhanh và bền vững.
"Những năm gần đây, Long An luôn nằm trong top những địa phương có chỉ số PCI (Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) cao. Chính quyền tỉnh quyết tâm nỗ lực hết mình để cải thiện môi trường đầu tư, luôn là người bạn đồng hành cùng doanh nghiệp. Trong giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh Long An đặt mục tiêu là tỉnh dẫn đầu kinh tế khu vực ĐBSCL. Do đó, một bản quy hoạch chất lượng sẽ là điều rất cần thiết" - ông Út giải thích.
Cũng theo ông Út, với vị trí địa lý đặc biệt sẵn có, bản quy hoạch Long An khi hình thành theo định hướng mà các lãnh đạo địa phương đang thực hiện là tập trung thu hút đầu tư ở một số lĩnh vực cụ thể như: hợp tác phát triển các dự án sản xuất công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, cơ khí chế tạo máy, sản xuất linh kiện điện tử, các dự án công nghiệp xanh, các dự án năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ tiếp tục phát triển đô thị - bất động sản gần TP.HCM, xây dựng và hoàn thiện các công trình cấp thoát nước, hạ tầng logistics, dịch vụ chất lượng cao gắn với Cảng quốc tế Long An, hợp tác đào tạo lao động kỹ thuật cao, hợp tác xuất khẩu lao động.
Hướng đến vùng kinh tế công nghệ cao
Không chỉ chuẩn bị cho một quy hoạch mang tầm vóc quốc tế, hiện tỉnh Long An cũng đang xúc tiến các thủ tục để ký kết với một loạt tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới để thu hút đầu tư trong tương lai.
Theo dự kiến, trong buổi tọa đàm "Long An hướng đến vùng kinh tế công nghệ cao, bao gồm phát triển khu công nghệ cao gắn liền với đô thị số thông minh" diễn ra ngày 19-4, tỉnh sẽ ký kết ghi nhớ với Công ty cổ phần đầu tư DVL Ventures - một trong những tập đoàn hàng đầu về tư vấn đấu thầu - để đơn vị này giúp các sở, ban ngành của tỉnh Long An có thể giải quyết các thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đảm bảo các quy định pháp lý một cách chắc chắn, tin cậy.
Long An cũng ký kết với Công ty TNHH SMBL, đơn vị hàng đầu về nghiên cứu thị trường Hàn Quốc, để cùng tỉnh xây dựng các tài liệu xúc tiến đầu tư trực tuyến bằng tiếng Hàn chuyên sâu, tạo sự thuận tiện và thu hút hơn nhà đầu tư Hàn Quốc khi muốn tìm hiểu về môi trường và cơ hội đầu tư.
Bên cạnh đó, Long An cũng ký kết với Công ty cổ phần - Công nghệ viễn thông Sài Gòn (Saigontel), Công ty tư vấn chiến lược Roland Berger Pte. Ltd (Đức) nhằm thực hiện việc chuyển đổi số của tỉnh Long An giai đoạn 2021 - 2025; với Công ty Microsoft Việt Nam để hình thành một cơ chế chia sẻ thông tin mang tính bảo mật, đảm bảo lợi ích của các nhà đầu tư khi thực hiện dự án. Đồng thời, Long An cũng ký kết biên bản ghi nhớ với BIDV để ngân hàng này tham gia các sự kiện, gặp gỡ với các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư nhằm bảo đảm các nhu cầu về vốn được xác lập hiệu quả.
Tăng hạng cạnh tranh
Ngày 15-4, trong báo cáo về PCI năm 2020 do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam cùng Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ công bố, Long An vươn lên vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng, tăng 5 bậc so với năm 2019.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận