Đề án này dự kiến sẽ có 1.600 mẫu khảo sát trong thời gian từ tháng 8 đến tháng 10 hằng năm, gồm 600 phiếu điều tra doanh nghiệp, hợp tác xã đối với các sở, ban, ngành và 1.000 phiếu khảo sát đối với cấp huyện.
Đánh giá toàn diện chuyển đổi số, phát triển bền vững
Ông Trương Văn Liếp - quyền giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An - cho biết chỉ số DDCI phản ánh cái nhìn của nhà đầu tư, doanh nghiệp về chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền tỉnh.
Đây là công cụ hữu hiệu, có thể bổ sung và phối hợp với chỉ số PCI để giúp các cơ quan chính quyền các cấp trong tỉnh nhận diện các nhóm vấn đề, từ đó nghiên cứu, đề xuất giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cho từng ngành, từng đơn vị cụ thể.
Mục tiêu là tạo môi trường kinh doanh và đầu tư thông thoáng, minh bạch hơn, tăng niềm tin vào hệ thống chính quyền và tăng động lực phát triển kinh tế tại tỉnh.
Dự kiến nội dung khảo sát, điều tra lấy ý kiến là các chỉ số thành phần DDCI gồm gia nhập thị trường (hoạt động cấp phép và thực hiện thủ tục hành chính công); tính minh bạch và khả năng tiếp cận thông tin, chi phí thời gian thực hiện thủ tục hành chính và tuân thủ quy định pháp luật; chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động và tiên phong, hoạt động hỗ trợ sản xuất kinh doanh, hiệu lực thiết chế, tiếp cận đất đai.
Việc khảo sát sử dụng câu hỏi mở để tiếp thu ý kiến đóng góp, hiến kế của doanh nghiệp, các hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể từ đó đề xuất, kiến nghị các giải pháp về cơ chế chính sách của tỉnh, cải thiện quy trình giải quyết thủ tục hành chính và tinh thần, thái độ của các cấp chính quyền.
Nhiều giải pháp cụ thể để Long An bền vững trong TOP đầu PCI
Năm 2022, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Long An xếp thứ 10/63 tỉnh, thành phố cả nước và xếp thứ 2/13 tỉnh ĐBSCL. UBND tỉnh Long An tiếp tục đề ra bản kế hoạch để cải thiện và nâng cao chỉ số PCI trong năm 2023, với mục tiêu cụ thể là điểm số PCI của tỉnh năm 2023 xếp trong nhóm "rất tốt" của cả nước. Và đặc biệt là cải thiện các chỉ số bị giảm điểm năm vừa qua.
Việc triển khai DDCI là một trong những giải pháp để tỉnh Long An hướng tới mục tiêu luôn duy trì trong TOP đầu bảng xếp hạng PCI của cả nước một cách bền vững trong thời gian tới.
"Việc đánh giá này sẽ trở thành hoạt động thường niên góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Long An, giúp các đơn vị và địa phương nhận ra điểm mạnh và hạn chế của mình.
Từ đó phát huy, điều chỉnh hoặc khắc phục để nâng cao chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh và đầu tư.
DDCI cũng sẽ giúp tỉnh có những sách lược tốt hơn để cải cách, nâng cao chất lượng quản trị và điều hành kinh tế; cải thiện chất lượng quản trị công; nâng cao chỉ số PCI của Long An trong những năm tiếp theo", ông Liếp chia sẻ.
Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương - DDCI (Department & District Competitiveness Index) là chỉ số được tổng hợp, sử dụng để đánh giá các khía cạnh khác nhau về năng lực điều hành kinh tế và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của các sở, ngành, địa phương trên toàn tỉnh.
Tại Long An, bộ chỉ số DDCI được xây dựng trên nền tảng kế thừa các bộ chỉ số mà các địa phương khác đã áp dụng và có điều chỉnh sao cho phù hợp.
Bên cạnh đó, Long An cũng tham khảo và cập nhật phương pháp luận, bộ chỉ số PCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) năm 2022 để tạo sự nhất quán giữa DDCI và PCI, giúp bộ chỉ số tiếp tục đảm bảo tính tuân thủ, gắn kết trách nhiệm, khả thi, chính xác, có ý nghĩa, bảo mật, khoa học và minh bạch.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận