22/01/2025 21:13 GMT+7

Lợn Tết của mẹ

Cuối tháng bảy âm lịch, giỗ cụ nội xong là mẹ đi chợ Hôm mua đôi lợn ỉ về nuôi Tết. Mẹ khâu cho ỉ cái bạt che chuồng từ vỏ bao xi măng, bốn cạnh nẹp thanh nứa...

Lợn Tết của mẹ - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

1. Sáng mở lên cho ỉ ngắm vườn, tối hạ xuống để chắn gió. Trong làng có người mất, mẹ lấy rơm bện với lá dứa gai thành mồi treo ở cửa chuồng tránh hơi mới. Những đêm trời trở lạnh mẹ hun trấu sát góc chuồng để ỉ sưởi qua đêm. Mẹ chăm ỉ còn hơn chăm con mọn.

Hai chị em tôi cũng nuôi lợn Tết, loại bằng nhựa gọi là lợn nhỏ. Lợn của chị màu xanh, lợn của tôi màu hồng. Lợn nhỏ không ăn cám mà ăn tiền giấy, lâu lâu mới được ăn một lần. Đấy là tiền công nhổ tóc sâu cho bà, tiền bán đồng nát, tiền thưởng điểm mười, tiền mẹ cho thêm khi được buổi chạy chợ đắt hàng…

Chị lên tiểu học đã biết đếm số, biết đồng tiền nào mệnh giá cao, mệnh giá thấp. Tôi mới mẫu giáo, chỉ thích đổi được nhiều tờ. Lợn của tôi lúc nào cũng lặc lè, lợn của chị thì nhẹ bụng. Hôm nào hứng chí đặt đôi lợn nhỏ trước quạt gió, lợn của chị thế nào cũng bị thổi lăn kềnh.

2. Giữa tháng chạp lợn Tết của mẹ đã được mấy nhà trong làng "chấm" để đụng chung. Độ 25 Tết khi đồng đã cấy xong, mọi người í ới gọi nhau kéo sang nhà tôi đụng lợn. Phụ nữ nhóm củi đun nước làm lông, chuẩn bị rổ rá, mắm muối, rửa lá chuối, lá xương sông, mùi tàu.

Cánh đàn ông thì mài dao, thịt lợn, cạo lông, pha thịt bày trên nia lót lá chuối xanh đặt giữa sân. Thịt nạc để làm giò lụa. Thịt sỏ thì gói giò xào.

Trẻ con xúm lại xem người lớn nhồi lòng, đánh tiết canh, chờ khi nồi nước xuýt thơm nức sôi lăn tăn thì chầu chực xin trước cái đuôi lợn chia nhau chấm muối. Chiều, mẹ lấy cuốn sổ con vẫn ghi hàng chạy chợ đăm chiêu tính tiền "đánh đụng", co kéo tính toán thật khéo để cả nhà có cái Tết tươm tất.

Lợn Tết của mẹ mổ xong thì tới phiên đôi lợn nhỏ. Chị em tôi háo hức suốt cả ngày. Buổi tối mẹ trải cái chiếu con ở giữa nhà, bố kích sút điện để đèn sáng hơn rồi dùng dao lam rạch một đường nhỏ dưới bụng lợn.

Phải rạch thật khéo để hôm sau dán băng dính lại cũng không ai nhìn thấy còn nuôi tiếp, tới khi nào lợn bợt sang màu "nhờ nhợ" thì mới được sắm đôi lợn mới. Tôi ỷ lợn mình béo, nặng nên năm nào cũng tranh mổ trước, hồi hộp nhìn bố dùng cái nhíp con gắp ra từng đồng tiền rồi nhận lấy vuốt thật phẳng.

Giây phút tổng kết mới hồi hộp làm sao! Có năm lợn của chị lỡ "béo" hơn mấy nghìn là chả hiểu sao mắt tôi lại rơm rớm.

Thấy thế bố vội bảo "Ấy quên! Tháng trước thiếu tiền mua lưỡi câu, bố mượn tạm ở lợn hồng mấy đồng, lát mẹ trả lại cho em". Phần bố "mượn" bao giờ cũng vừa bằng phần tôi kém chị mới tài!

Lợn Tết của mẹ phải lo ti tỉ thứ chứ lợn Tết của hai chị em chỉ cần lo đủ hai bộ quần áo mới diện Tết. Có năm lợn hơi "đói" hoặc chúng tôi thích chiếc áo đẹp hơn mẹ lại phải bù thêm. Có nghĩa là ngoài chuồng sẽ bớt thêm đôi gà, đôi chim bồ câu hay chục trứng… mà chúng tôi không hề biết.

3. Chị em tôi lớn lên, đi học, đi làm, như đôi chim tung cánh tìm khoảng trời riêng không còn líu ríu nép mình dưới đôi cánh chở che của mẹ.

Đôi lợn Tết năm xưa cũng lùi dần vào miền ký ức tuổi thơ, chỉ được tỉ tê nhắc lại qua lời mẹ kể mỗi khi chị em về thăm nhà. Bây giờ chúng tôi thích chuyển khoản, quẹt thẻ ngân hàng, ví điện tử chứ không dùng tiền mặt như xưa. Nhiều lúc cũng muốn nuôi một chú lợn Tết như ngày thơ bé nhưng rồi lại ngại.

Mẹ thì vẫn vậy. Cuối tháng bảy âm lịch mẹ vẫn đi chợ Hôm mua đôi lợn giống nuôi cho tới Tết. Mẹ bảo "không gì bằng lợn sạch nhà nuôi, thịt ngon, chắc, tới âu mỡ rán cũng thơm nức mũi". Tết về ghé thăm bố mẹ được hai ngày mà lúc ra thành phố cứ như chở theo cả xe "tiếp tế" mà phần nhiều là thịt lợn Tết mẹ bỏ công chăm bẵm nửa năm trời.

Năm nay chị em tôi hẹn nhau về nhà trước lễ ông Công ông Táo để giúp bố mẹ dọn nhà, sắm cây cảnh và đồ lễ.

Quà biếu bố mẹ chính là đôi lợn Tết xanh - hồng như ngày còn nhỏ. Lúc cả nhà xúm xít mổ lợn, con gái tôi háo hức nói "mẹ con bảo mỗi một đồng là một lời chúc của cả nhà gửi tới ông bà, chúc ông bà khỏe mạnh, trường thọ để năm nào nhà con với nhà bác Hiên cũng được ăn thịt lợn Tết bà nuôi".

Nghe vậy cả nhà cùng cười vang. Riêng mẹ rơm rớm nước mắt. Có lẽ mẹ khóc vì hai "nhợn con" của mẹ đã lớn, ngày xưa chỉ biết nuôi lợn Tết cho mình còn bây giờ đã biết nuôi lợn Tết biếu bố mẹ. Chỉ có điều chúng tôi lớn chậm quá, giá mà chúng tôi hiểu chuyện nhanh hơn thì có lẽ mẹ đã có một chú "lợn Tết" cho riêng mình từ lâu lắm rồi.

Thương sao cái tết vương màu bụi - Ảnh 1.

Diễn đàn TẾT DƯỚI MÁI NHÀ diễn ra từ ngày 20-1 đến 20-2-2025, do báo Tuổi Trẻ và Công ty INSEE Việt Nam đồng hành.

Tất cả người Việt Nam, không giới hạn độ tuổi, nghề nghiệp đều có thể gửi bài tham dự diễn đàn TẾT DƯỚI MÁI NHÀ. Bài viết gửi đến địa chỉ email [email protected].

Bài viết tối đa 1.000 chữ, khuyến khích kèm theo ảnh, video minh họa.

Bài viết được thể hiện bằng tiếng Việt.

Tác giả ghi địa chỉ, điện thoại, email, số CCCD cùng số tài khoản để ban tổ chức liên lạc.

Bài viết phải chưa từng tham gia bất kỳ cuộc thi viết được tổ chức trước đây, hiện không tham gia trong bất kỳ cuộc thi viết đang được tổ chức. Bài viết chưa từng được đăng trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội.

Bạn đọc chịu trách nhiệm về bản quyền, khiếu nại xảy ra (nếu có).

Quyết định của ban tổ chức là quyết định cuối cùng.

Giải thưởng diễn đàn TẾT DƯỚI MÁI NHÀ

Các bài bạn đọc gửi đến diễn đàn sẽ được chấm điểm theo tiêu chí cùng với điểm do bạn đọc bình chọn.

Trong đó điểm chuyên môn do ban tổ chức chấm chiếm 50%, bạn đọc bình chọn chiếm 50% tổng số điểm của bài dự thi.

Số điểm bình chọn được tính dựa trên tương tác với bài viết, trong đó 1 sao = 15 điểm, 1 tim = 3 điểm, 1 like = 2 điểm.

- 1 giải nhất trị giá 5 triệu đồng.

- 3 giải nhì mỗi giải trị giá 3 triệu đồng.

- 5 giải khuyến khích mỗi giải trị giá 1 triệu đồng.

Các bài được chọn đăng sẽ được chấm trả nhuận bút theo quy định.

Lợn Tết của mẹ - Ảnh 3.Thương sao cái Tết vương màu bụi

Tết đã chộn rộn trên mấy chậu cúc được bày bán ngoài ngõ. Vậy mà dưới hiên nhà, mẹ vẫn ngồi thẫn người như mọi khi, hệt cái xuân vẫn còn ngập ngừng chưa tới.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp