10/07/2018 09:13 GMT+7

Lớn lên từ những căn nhà tí hon

Ý NHUNG
Ý NHUNG

TTO - Nằm nép cạnh những những tòa nhà to lớn ngay trung tâm thành phố là ngôi nhà bé tẹo của Tú. Lớn lên giữa phố thị phồn hoa nhưng cái nghèo bủa vây, một bữa ăn ngon với Tú cũng là một mơ ước.

Lớn lên từ những căn nhà tí hon - Ảnh 1.

Em Nguyễn Trần Văn Tú - Ảnh: Ý NHUNG

Sâu trong con hẻm nhỏ của đường Cô Bắc (quận Phú Nhuận, TP.HCM), tiếng cười nói của vài đứa trẻ con vang ra từ một căn nhà nhỏ. Trong ngôi nhà ấy, hai chiếc quạt máy vẫn không xua được cái nóng Sài Gòn mùa này.

Nguyễn Trần Văn Tú sắp sửa bước vào lớp 2, nụ cười lúc nào cũng hồn nhiên và tinh nghịch như cái tuổi lên 7 của em. Mẹ em bỏ đi từ ngày em chưa đầy một tuổi, Tú lớn lên trong đôi vòng tay của ông bà nội. Bố là người choàng gánh, làm lụng cực nhọc để nuôi hai chị em Tú ăn học.

Gọi là căn nhà nhưng nơi ở của gia đình Tú là một căn phòng vỏn vẹn 1,8 m2 với 2 căn gác xép, còn bé hơn bất cứ căn phòng trọ nào. Đó là nơi nương náu của 9 người: ông bà nội, gia đình nhà chú và 3 bố con Tú.

Lớn lên từ những căn nhà tí hon - Ảnh 2.

Gia đình trng căn xép nhỏ - Ảnh: Ý NHUNG

Ông bà nội Tú đã ngoài 80 tuổi, ông bị bệnh tim, còn bà đi bán vé số, mỗi ngày kiếm được chưa tới 100.000 đồng. Thu nhập chính của gia đình phục thuộc vào đồng lương ít ỏi từ nghề sơn nước của người bố.

Hai đứa trẻ đến trường bằng những bộ đồng phục cũ kĩ đã được mặc qua mấy mùa tựu trường - là đồ cũ người ta cho lại. "Đồ con người ta không mặc nữa, còn mới nên hàng xóm mang sang cho 2 đứa, mình đỡ được đồng nào hay đồng đấy", bố Tú cho hay.

Mọi dụng cụ học tập như sách vở, bút thước của Thảo (chị gái Tú) đều nhận được từ nhà trường nhờ thành tích học sinh giỏi. Không có mẹ, mỗi bữa cơm của 2 chị em đều do ông nội chuẩn bị. Ao ước lớn nhất của Tú chính là được ăn một bữa gà rán thật no.

Lớn lên từ những căn nhà tí hon - Ảnh 3.

Hai chị em Tú bảo nhau học tập hàng ngày - Ảnh: Ý NHUNG

"Hằng ngày ông nội hay nấu rau muống và trứng, con ăn hoài ngán rồi. Chỉ mong bố nhận lương rồi chở 2 chị em đi ăn gà thật no", cậu bé hồn nhiên nói.

Ước mong của Tú bây giờ có lẽ chỉ bấy nhiêu đó, một bữa cơm đầy đủ, một giấc ngủ thật sâu. Dù có 2 chiếc "máy lạnh" - tên gọi 2 chị em đặt cho 2 chiếc quạt máy, nhưng 2 đứa trẻ vẫn không thể ngủ trưa do căn gác quá nóng.

Vật lộn với bệnh tật

Không giống Tú, cậu bé Châu Chí Cường (16 tuổi, quận Phú Nhuận) may mắn hơn khi lớn lên trong vòng tay cả bố và mẹ. Thế nhưng oái ăm thay, từ lúc một tuổi, em bị phát hiện căn bệnh quái ác, cơ thể không tạo ra hồng huyết cầu.

Lớn lên từ những căn nhà tí hon - Ảnh 4.

Chí Cường vừa học văn hoá vừa học nghề lắp ráp máy tính - Ảnh: Ý NHUNG

Nhà Tú còn một bà ngoại già yếu, một người dì và một người cậu bị bệnh tâm thần. Mẹ là công nhân dệt còn bố làm lái xe, mọi chi tiêu sinh hoạt, ăn uống, thuốc men của bà và cậu đều do bố mẹ lo. Thế nhưng bố mẹ vẫn cố cho Cường đang theo học tại trường Trung cấp nghề thành phố. Cường học nghề lắp ráp máy tính với mơ ước sau này sẽ làm một kỹ sư máy tính thật giỏi.

Trong căn nhà bé xíu chưa đầy 10 m2, chiếc giường ngoại nằm đã chiếm hết đường lên gác, phần còn lại là nơi sinh hoạt và học tập của cả gia đình Cường. Năm nay 16 tuổi nhưng Cường gầy gò và nhỏ bé. Bệnh tật đã khiến em không thể lớn lên như những đứa trẻ khác.

Mỗi tháng, Cường phải thêm máu một lần, chi phí mỗi lần khoảng 2 triệu. Đây là khoảng tiền khiến mẹ Cường lo sốt vó. Nhìn khuôn mặt đã đầy nếp nhăn, thân hình nhỏ bé chưa tới 40kg của mẹ năm nay đã 55 tuổi, Cường bảo, em thương mẹ vì vừa vất vả nuôi em học, vừa lo cho bệnh tật của em. Có những đêm Cường sốt cao, mẹ phải thức trắng chăm sóc, sáng sớm lại tất tả đi làm.

Mẹ lại lo cho Cường. "Những gì mình chịu đựng có là gì so với con đâu. Mỗi lần nhìn nó thêm máu rồi tiêm thuốc đau, lòng cô còn đau hơn nữa", mẹ Cường xót xa nói.

May mắn của người mẹ ấy là Cường là một đứa trẻ ngoan, vừa học nghề, vừa phụ giúp bố mẹ việc nhà, thỉnh thoảng chăm sóc, trò chuyện cùng bà ngoại. Mong ước lớn nhất của cả nhà là Cường luôn mạnh khỏe. Còn bố mẹ vẫn đang cố gắng làm lụng từng ngày, vừa nuôi em học vừa tiết kiệm tiền để lo cho tương lai của Cường.

100 suất học bổng Đèn đom đóm

Từ ngày 10-6 đến 30-8, Tuổi Trẻ Online giới thiệu 100 gương học sinh vượt khó vươn lên trong học tập. Mỗi tấm gương hiếu học sẽ nhận một suất học bổng Đèn đom đóm trị giá 3 triệu đồng. Chương trình do Công ty FrieslandCampina Việt Nam phối hợp cùng báo Tuổi Trẻ tổ chức.

Theo ông Trần Quốc Huân - phó tổng giám đốc Công ty FrieslandCampina Việt Nam, quỹ khuyến học Đèn đom đóm ra đời từ năm 2002 với sứ mệnh thắp lên ước mơ đến trường cho hàng ngàn trẻ em Việt Nam.

Đến nay, chương trình đã trao tặng 25.500 suất học bổng và xây mới, sửa chữa 21 trường học từ Nam ra Bắc. Quỹ Đèn đom đóm muốn lan tỏa tinh thần hiếu học, đem đến động lực học tập và niềm tin vào cuộc sống cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Cô học trò bệnh tim tự lập thuở 12

TTO - Nguyễn Thị Kim Vàng, 14 tuổi, học sinh lớp 7 Trường THCS Phú Thuận B (huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) bị bệnh tim và từng phải nghỉ học một năm.

Ý NHUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp