30/01/2022 17:07 GMT+7

Lời xin lỗi 'thằng lơ máy bay' của một 'thợ ảnh' trẻ

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Khi báo Tuổi Trẻ đăng bài Mày là thằng lơ máy bay của tác giả Vương Đình Khang, bài viết lập tức lọt top bài được đọc nhiều nhất trên Tuổi Trẻ Online 3 ngày liền. Tác giả bài viết là một "thợ ảnh" trẻ ở An Giang.

Lời xin lỗi thằng lơ máy bay của một thợ ảnh trẻ - Ảnh 1.

Gia đình Vương Đình Khang đoàn tụ trước đại dịch

40 ngày của cuộc thi viết "Đoàn viên sau đại dịch" không phải là dài nhưng ban tổ chức nhận được hơn 510 bài viết của bạn đọc từ khắp mọi miền đất nước và nhiều nơi trên thế giới với rất nhiều câu chuyện cảm động truyền đi thông điệp về khát vọng đoàn tụ, tình yêu thương và niềm hy vọng của con người trong đại dịch COVID-19.

Một điều đáng chú ý nhưng không bất ngờ: Cuộc thi "Đoàn viên sau đại dịch" do báo Tuổi Trẻ phối hợp với Piaggio Việt Nam tổ chức lần này nhận được phần lớn là các bài viết từ bạn đọc ở TP.HCM, các tỉnh miền Nam và người Việt ở nước ngoài. Hẳn bởi vì họ là những người hơn ai hết rất thấm thía nỗi mong ngóng sum vầy đoàn tụ sau biến cố dịch COVID-19.

Không có cuộc thi chắc tôi chưa nói được lời xin lỗi em mình

Cuộc thi truyền nhiều cảm hứng và năng lượng tích cực để mọi người bắt đầu sắp xếp lại cuộc sống mà trước đây vì vội vã ta đã để đôi khi xô lệch, thậm chí là rạn vỡ.

Đoàn viên sau đại dịch mang lại cho tôi cơ hội để làm việc cần làm mà bao lâu rồi tôi cũng chưa làm được: nói lời xin lỗi em trai mình. Không có cuộc thi chắc tôi cũng chưa có dịp xin lỗi em. Và cũng là một món quà lớn dành cho chính tôi khi được viết ra những tình cảm gia đình, tình anh em chất chứa.

Còn nhớ cái đêm tôi ngồi viết một lèo xong câu chuyện, tôi đã ngồi khóc một mình, những giọt nước mắt gột rửa và chữa lành đến đúng lúc đã hàn gắn gia đình tôi và hàn gắn chính tôi.

Vương Đình Khang - giải nhất

Những đoàn viên gieo đầy một cánh đồng hy vọng

Khi báo Tuổi Trẻ đăng bài viết Mày là thằng lơ máy bay của tác giả Vương Đình Khang, bài viết lập tức lọt top những bài được đọc nhiều nhất trên Tuổi Trẻ Online suốt ba ngày liền. Có lẽ bởi câu chuyện chân thật, xúc động, không phủ lên bằng câu chữ màu mè.

Tác giả bài viết là một "thợ ảnh" trẻ ở An Giang. Anh kể về một lời xin lỗi chưa được nói ra của người anh muốn gửi tới em trai mình là một "thằng lơ máy bay" đã luôn bận rộn hoặc "thất nghiệp dài dài" giữa những chuyến bay trong đại dịch. Bài viết được ban giám khảo chấm giải nhất với sự đồng thuận tuyệt đối.

"Nhà mình có lúc đã rạn nứt, mà bây giờ, giữa mùa dịch bệnh, lại hàn gắn cùng nhau thế này. Tiền kiếm lại được, tình cảm mất rồi thì khó lắm. Nhưng không ngờ trong mùa dịch bi kịch như vầy, vô tình kéo hai anh em trở về gần nhau. Tự nhiên thấy quý những lúc cả nhà cùng nhau chống chọi với khó khăn, dịch bệnh, bảo vệ nhau, lo lắng cho nhau".

Đọc những dòng tâm sự này của Vương Đình Khang, chắc hẳn bao người đã tưởng bạn trẻ này đang nói hộ chính câu chuyện của mình, câu chuyện về tình cảm gia đình thiêng liêng mà chúng ta thường chỉ kịp nhận ra khi cùng nhau đi qua những thử thách lớn.

Câu chuyện của bác sĩ trẻ Lê Ngọc Phú - Bếp nhà mình lâu lắm rồi không đỏ lửa mẹ ơi, đoạt giải nhì - cho bạn đọc được thấy bao câu chuyện của đại dịch, thấy hai mẹ con bác sĩ trẻ phải chia ly vì mẹ về quê rồi không thể trở lại TP.HCM tâm dịch, còn con thì mải miết nơi tuyến đầu chống COVID-19, ngày đêm cắm chốt trực ở bệnh viện.

Bác sĩ Lê Ngọc Phú tâm tình với người mẹ tảo tần, yêu thương của mình rằng căn bếp đã lâu ngày không đỏ lửa vì vắng mẹ, nhưng ai ai đọc lên cũng thấy ấm áp lắm một ngọn lửa nơi căn bếp ấy đang tỏa đi muôn nơi để thắp lên ngọn lửa trong lòng tất cả mọi người.

An lạc hẳn phải từ trong tâm nhưng dịch bệnh lại nhắc nhở về các giá trị gốc. Trưởng thành bước nhịp chông chênh, nhiều ước mong, lắm mưu cầu, nhưng làm sao dai dẳng bằng những giấc mơ trở về bên mẹ cha, quê nhà...

Lê Thị Hải Yến - giải nhì

Bài viết đoạt giải nhì của chị Lê Thị Hải Yến (từ Paris, Pháp) - Mở đường bay con sẽ về - lại cho người đọc thấu hiểu những cắt cứa tâm can của những người con Việt đang phiêu bạt đã hai năm không thể được về với mẹ cha, với nồi bánh chưng ngày Tết.

Bài viết dài ngập tràn nỗi thương nhớ quê nhà không chỉ cho thấy nỗi đau chia ly bởi dịch bệnh mà lấp lánh trong đó còn là niềm hy vọng đoàn viên, là lời hứa "mở đường bay con sẽ về", là những tỉnh thức người ta nhận ra sau nghịch cảnh: "Dịch bệnh lại nhắc nhở về các giá trị gốc", ấy là những giá trị gia đình, dân tộc.

Câu nói của tác giả Nguyễn Vũ Tuấn trong bài viết được trao giải ba - Xin đừng là giấc mơ - cũng thắp lên bao yêu thương và ấm áp: "Tôi không có phép mầu, tôi chỉ có niềm hy vọng... Rồi chúng tôi sẽ trở về vào hôm giao thừa, sẽ ôm choàng lấy mẹ, sẽ nắm tay ba, thật chặt, thật lâu".

Một trong số những giải ba đặc biệt là của ông Thi Văn Chương ở Long An với bài viết Chở má đi thăm chồng. Trưởng ban giám khảo - nhà báo Nguyễn Trường Uy đánh giá cao ý nghĩa nhân văn của bài viết.

Không phải là một cuộc đoàn viên với người thân, bạn bè trong một dịp trùng phùng vui vẻ, mà là đoàn viên với người thân đã mất, giữa bận bịu vì dịch bệnh cũng tranh thủ có một cuộc gặp gỡ cuối năm. Mẹ ông Chương là vợ liệt sĩ, 50 năm qua, năm nào bà cũng cùng các con đi thăm chồng vào ngày 25 tháng chạp ở nghĩa trang.

Mấy năm dịch bệnh, đoàn viên với người sống đã khó, nhưng bà vẫn không chịu để chồng cô đơn. Bằng câu chuyện cảm động và độc đáo của mình, ông Văn Chương đã nhắc nhớ chúng ta về một truyền thống nhân văn của người Việt mỗi độ xuân về: đoàn viên gia đình, đoàn viên cả với những người thân yêu dù họ còn sống hay đã về thế giới bên kia.

Những câu chuyện ấy, những con người ấy, mỗi người một chuyện đoàn viên mà gieo đầy tình yêu và niềm hy vọng để xóa đi những hoang lạnh nếu có vì đại dịch, để cùng nhau bước về một mùa xuân đầy những mầm sống.

Như tác giả Trần Nhã Thụy trong bài viết được trao giải ba - Mỗi người một chuyện đoàn viên - nhắc nhở: Nhưng dù mùa đông có kéo dài bao lâu thì mùa xuân vẫn tiếp nối. Một cái Tết lại tiếp tục gần kề. Và, mỗi chúng ta lại cùng nhau thủ thỉ chuyện đoàn viên.

Dịch COVID-19 mất mát và đau thương nhưng cũng là cơ hội để cống hiến, sống tốt.

Mình chúc mọi người năm mới an yên, sức khỏe và hy vọng Tết 2023 không còn con cô vy này nữa.

Bác sĩ Lê Ngọc Phú - giải nhì

Những liều "vắc xin tinh thần" quý giá

Nếu như chiến tranh có thời hậu chiến thì đại dịch COVID-19 cũng có thời "hậu dịch". Đó là chưa nói dịch COVID-19 vẫn còn chứ chưa kết thúc. Và như trong đại dịch vừa qua chúng ta thường nghe tới cụm từ "vắc xin tinh thần", tôi nghĩ cuộc thi như báo Tuổi Trẻ vừa tổ chức chính là tìm kiếm những liều vắc xin tinh thần như thế.

Tôi cũng là một công dân ở Sài Gòn trong những ngày tháng kinh hoàng đỉnh dịch nên hiểu được thế nào cái khát vọng đoàn viên. Như tôi viết, có những người chỉ bước chân qua phía bên kia đường thôi, nhưng phải chờ đợi khoảnh khắc đó suốt mấy tháng trời.

Trong suốt mấy tháng dịch căng thẳng, tôi tham gia nhóm thiện nguyện Trụ lại Sài Gòn, tham gia những chuyến xe đưa bà con Quảng Ngãi về quê, nên tôi nắm rõ rất nhiều câu chuyện về nhà của bà con mình. Cũng xin nói thật là tôi không có ý định thi thố gì. Chỉ là những câu chuyện kể mang tính sẻ chia. Tôi nghĩ "hậu COVID" vẫn còn cần nhiều liều vắc xin tinh thần như thế.

Trần Nhã Thụy - giải ba

Những câu chuyện của tôi, của chúng ta

Hơn 510 bài viết dự cuộc thi "Đoàn viên sau đại dịch" là hơn 510 câu chuyện khác nhau về khát vọng đoàn viên. Khác nhau đấy mà cũng lại là tâm sự chung của hầu hết mọi người vừa cùng chia nhau cơn hoạn nạn dịch bệnh. Tưởng như các tác giả đã viết những câu chuyện của chính chúng ta.

Sự lan tỏa của cuộc thi, nói như giám khảo - tiến sĩ tâm lý Lê Thị Linh Trang, là vì chủ đề "Đoàn viên sau đại dịch" đã thật sự chạm tới từng ngóc ngách tâm can của bao người.

Sau hai năm thấm nỗi chia ly, mất mát vì đại dịch COVID-19, khát vọng đoàn viên trở thành nỗi khát vọng lớn nhất mùa Tết này. Ngay cả những người không phải chịu cảnh chia ly cũng nhìn vào nỗi phân ly của người khác mà trân quý hơn những đoàn tụ mình đang có.

Ba mẹ tôi đã khóc

Là độc giả thường xuyên của báo Tuổi Trẻ, tôi đã rất vui mừng khi biết về thông tin cuộc thi viết, không phải chỉ vì nó tạo cơ hội cho tôi được dự thi, mà tôi mong ngóng những câu chuyện về khát vọng đoàn tụ như một sự sẻ chia với nỗi lòng của chính mình cũng đang ngóng lắm một cuộc đoàn tụ với ba mẹ nơi quê nhà. Bao nhiêu câu chuyện là bấy nhiêu nỗi lòng chia ly, chúng ngấm vào tôi và ở lại.

Rồi tôi cũng muốn chia sẻ câu chuyện của chính mình, câu chuyện của những người con tha hương lam lũ kiếm sống chốn thị thành mà lòng luôn ngóng trông về quê hương để nuốt lệ vào trong. Ba mẹ tôi khi đọc bài viết đã rất cảm động. Cuộc thi đã cho tôi cơ hội có được một món quà Tết sớm tôi tặng ba mẹ mình, nhưng tôi cũng mong đó sẽ là món quà dành cho tất cả bạn đọc, đặc biệt là những người đang mong ngóng một cuộc đoàn viên.

Nguyễn Vũ Tuấn - giải ba

Được đọc các bài dự thi từ khắp mọi miền trên thế giới vào sơ khảo, tiến sĩ Lê Thị Linh Trang nhận định giá trị những bài viết thật lớn lao cho cộng đồng bởi đó đều là những câu chuyện thật mà thấm đẫm cảm xúc về gia đình, quê hương. Xúc động vì khoảng cách địa lý, sự mất mát hay khi người thân chỉ được gặp nhau qua online.

Hoặc rung động giản dị vì nỗi nhớ món thịt heo kho trứng ở một nơi xa xôi mà lâu lắm rồi mình chưa được ăn... Bà Trang nói bao nhiêu tình yêu thương và sự mong đợi đoàn viên được các tác giả gửi gắm tới cuộc thi như những thông điệp tích cực gửi tới mọi người, để chúng ta có thêm sức lực vượt qua đại dịch.

Giám khảo - đạo diễn Phan Gia Nhật Linh tuy may mắn được ở gần gia đình trong suốt những tháng TP.HCM giãn cách, nhưng khi đọc những câu chuyện "đoàn viên sau đại dịch", lắng lòng bên những tâm tình rất thật, thấy những ước mơ giản dị nhưng khó thành hiện thực, Nhật Linh tâm sự ông bỗng thấy trân quý mỗi giây phút mình còn được sống, được ở cạnh người thân và gia đình, được ăn những bữa ăn mẹ nấu.

"Tôi nghĩ từ trong nghịch cảnh, chúng ta sẽ học được cách yêu thương nhau, trân trọng cuộc sống, quý giá những giây phút được đoàn viên bên nhau cùng những người mà chúng ta yêu thương, biết sống và nghĩ cho người khác.

Đó cũng chính là một phần giá trị của cuộc thi viết này đem đến".

Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh nhận xét

Trong khi đó, mỗi bài viết lại khiến nhà báo Nguyễn Trường Uy nghĩ suy thật nhiều về những mất mát của con người trong đại dịch và về sức mạnh đã giúp nâng đỡ tất cả chúng ta đi qua một cơn biến động lớn của toàn nhân loại. Đó chính là tình yêu thương con người và niềm hy vọng, giá trị bất biến để đi qua những biến thiên dâu bể.

"Đọc mỗi câu chuyện trong từng bài dự thi, có cảm giác mỗi câu chuyện đó không phải của riêng tác giả mà là chuyện của chúng ta.

Điều khiến chúng ta gặp chính mình trong mỗi bài dự thi đó là bởi vì tất cả chúng ta đều có một khát vọng đoàn viên trong dịp Tết này, trong những ngày sắp tới sau khi đã trải qua đau thương của đại dịch"

Nhà báo Nguyễn Trường Uy - trưởng Ban giám khảo cuộc thi

Và trên hết, khi đã hiểu được giá trị cao cả của sự đoàn viên, các tác giả dự thi cũng như mỗi chúng ta thấy quý hơn giá trị của cuộc sống, để từ đó ý thức hơn về sự an toàn, chung tay cùng vượt qua đại dịch.

"Đây chính là giá trị của cuộc thi mang lại, rất ý nghĩa trong dịp Tết này và sau đó nữa", nhà báo Trường Uy đúc kết.

Khi hạnh phúc là đoàn viên Khi hạnh phúc là đoàn viên

TTO - Cuộc thi Đoàn viên sau đại dịch vừa khép lại với hơn 500 bạn đọc gửi bài dự thi. Nhiều người nổi tiếng đã chia sẻ với Tuổi Trẻ tâm tư của họ về ý nghĩa của sự sum vầy đoàn viên, nhất là sau 2 năm đối mặt với dịch COVID-19.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp