19/04/2014 08:47 GMT+7

Lối thoát nào?

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TT - Hội đồng quản trị của trường ngoài công lập có quyền lực mang tính quyết định đối với mọi hoạt động của nhà trường.

CkFmQSrq.jpg
Không thể giải quyết mâu thuẫn giữa hội đồng quản trị và hiệu trưởng, Trường tư thục Hữu Hậu (Q.Tân Bình, TP.HCM) hiện không còn tồn tại - Ảnh: L.T.

Trong bối cảnh đó, hiệu trưởng sẽ hành xử ra sao, nhất là khi quan điểm của mình không thống nhất với quyết định của nhà đầu tư?

Các chuyên gia, nhà quản lý và những người trong cuộc đã hiến kế, tìm lối ra cho hiệu trưởng trường tư trong mối quan hệ “nhạy cảm” với hội đồng quản trị.

Siết quản lý

"Việc yêu cầu các trường ngoài công lập thực hiện nghiêm quy định về “3 công khai”, cam kết về chất lượng cũng là một cách kiểm soát ngược lại đối với những người đầu tư vào trường học"

Ông Nguyễn Hiệp Thống

Ông Nguyễn Hiệp Thống, phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho rằng việc đầu tiên cần làm là phải siết chặt quản lý trên cơ sở những quy định hiện hành, trong đó việc kiểm tra trực tiếp phải thường xuyên và sát sao hơn. Tất cả những bất ổn, những dấu hiệu sai trái nếu có của các nhà trường đều phải được kiểm tra nhiều lần.

“Quan điểm của Sở GD-ĐT Hà Nội là ghi nhận sự đóng góp của các trường ngoài công lập trong việc góp phần để học sinh có chỗ học, đảm bảo yêu cầu giáo dục chung, nhưng việc nghiêm túc trong giám sát thực hiện của cơ quan quản lý đã và sẽ là yếu tố buộc hội đồng quản trị, những người sáng lập trường ngoài công lập, phải thực hiện đầy đủ quy định và điều kiện đảm bảo chất lượng mà trước hết là thực hiện quy định liên quan tới bộ máy quản lý và hiệu trưởng” - ông Thống nói.

Khác với các năm trước, năm nay UBND TP Hà Nội chỉ đạo kiên quyết ngừng giao chỉ tiêu với những trường không đủ điều kiện. Theo đó, để được tuyển sinh, mỗi trường ngoài công lập phải có năm tiêu chuẩn về các điều kiện tổ chức dạy - học, trong đó có ba tiêu chuẩn quan trọng nhất: tổ chức bộ máy và đội ngũ, cơ sở vật chất, công tác tài chính. Nếu đơn vị nào vi phạm một trong ba tiêu chuẩn này thì coi như không đạt yêu cầu và dứt khoát sẽ không được giao chỉ tiêu tuyển sinh năm học 2014-2015. Mỗi tiêu chuẩn lại có một số tiêu chí tương ứng, trong đó có những tiêu chí được coi là điều kiện tiên quyết (như quyền sử dụng đất, hiệu trưởng, loại hình trường), chỉ cần vi phạm một tiêu chí là cả tiêu chuẩn coi như không đạt yêu cầu.

Ông Nguyễn Hiệp Thống cho biết với các động thái tích cực và quy định mới, trong thời gian qua hàng loạt trường phải đánh giá lại các điều kiện của mình. Một số trường đã tổ chức tìm hiệu trưởng phù hợp, miễn nhiệm đối với những người quá tuổi làm quản lý. “Thực tế có những hiệu trưởng già yếu, chỉ đứng tên để đủ thủ tục. Hiệu trưởng như vậy thường không làm việc ở trường, hay đau ốm nên đương nhiên chất lượng không tốt. Do quan niệm trên hiệu trưởng còn là hội đồng quản trị nên nhiều trường không lo ngại việc “hiệu trưởng già, ốm”. Nhưng với quy định mới, buộc các trường phải coi trọng vai trò của hiệu trưởng hơn” - ông Thống nói.

Cũng theo ông Thống, mặc dù trường ngoài công lập bị chi phối bởi hội đồng quản trị, những người sáng lập trường, nhưng những quy định, quyền hạn đối với hiệu trưởng trường công và trường tư như nhau, không phân biệt. Vì thế nếu cơ quan quản lý kiểm soát nghiêm thì các nhà đầu tư vào trường học không thể lơ là, bỏ qua quy định để “chỉ đạo hiệu trưởng” theo cách riêng của mình được. Đây chính là cơ sở để bảo vệ nhưng cũng để chấn chỉnh chất lượng hiệu trưởng.

Rõ ràng ngay từ đầu

Ông Đặng Đình Đại, hiệu trưởng Trường phổ thông Wellspring, Hà Nội, cho hay khác với hiệu trưởng trường công lập, hiệu trưởng trường ngoài công lập một mặt phải chấp hành các quy định về quản lý trong hệ thống GD-ĐT, một mặt phải có trách nhiệm chấp hành chủ trương của hội đồng quản trị. Tuyệt vời nhất là hiệu trưởng “làm thuê” tìm được môi trường mà ý kiến của mình được tôn trọng, hiệu trưởng và những người góp vốn có chung tiếng nói. Mâu thuẫn cũng có thể xảy ra trong những công việc cụ thể nhưng trong những đường hướng mang tính chiến lược, những vấn đề quan trọng thì thống nhất được.

Nhưng trên thực tế việc “cơm không lành, canh không ngọt” cũng xảy ra nhiều. PGS Văn Như Cương chia sẻ: “Để hiệu trưởng chủ động trong trọng trách của mình thì ngay từ đầu cần làm việc rõ để thống nhất về nguyên tắc làm việc. Dĩ nhiên những việc lớn thì hiệu trưởng cần trao đổi, bàn bạc, xin ý kiến hội đồng quản trị hay chủ trường, nhưng trong công việc chuyên môn hằng ngày thì cần để hiệu trưởng chủ động. Ví dụ như cách thức quản lý các tổ chuyên môn, kiểm tra hoạt động dạy học, chất lượng dạy học của giáo viên, tổ chức đánh giá chất lượng giáo viên, học sinh, xử lý những công việc phát sinh hằng ngày...”.

Cùng quan điểm này, ông Đặng Đình Đại cho rằng để không rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, trước khi nhận ngồi vào ghế hiệu trưởng, những hiệu trưởng làm thuê cần có cam kết cụ thể, chặt chẽ và thể hiện được quan điểm về giáo dục của mình. Việc này sẽ giúp hiệu trưởng dễ điều hành, đồng thời có thể trở thành “cầu nối” để chuyển tải những mong muốn của hội đồng quản trị tới phụ huynh, giáo viên, học sinh, và có thể góp tiếng nói phản biện với những chủ trương đi lệch mục tiêu giáo dục chất lượng mà các thành viên trong hội đồng quản trị trường đặt ra. Hiệu trưởng vượt lên được sự trói buộc của người “làm thuê” để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người học là yếu tố củng cố niềm tin của người dân, về lâu dài mang lại lợi ích cho cả những người sáng lập.

Ông Phạm Trung Dũng (hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội):

Cần hành lang pháp lý chặt chẽ, rõ ràng

Sau khi nghỉ hưu ở một trường công lập, tới gần đây tôi mới nhận lời về làm hiệu trưởng Trường Lương Thế Vinh. Môi trường làm việc ở đây tương đối tốt nên tôi không có nhiều trải nghiệm buồn về vị trí “hiệu trưởng làm thuê”. Nhưng tôi nghĩ ở đâu mà những người sáng lập trường, những người có tiếng nói trong hội đồng quản trị xuất thân từ nhà giáo, nhà quản lý giáo dục, hiểu về giáo dục thì việc điều hành của hiệu trưởng sẽ suôn sẻ hơn, ít xảy ra va chạm dẫn tới thiệt thòi cho người học.

Tuy nhiên, theo quy định pháp lý, trường ngoài công lập chịu sự ràng buộc khác với trường công, nên hiệu trưởng bắt buộc phải chịu chi phối bởi quan điểm điều hành của hội đồng quản trị, chủ trường. Vì thế để có thể làm tốt công việc của mình, thống nhất quan điểm với hội đồng quản trị nhằm duy trì chất lượng, hiệu trưởng chỉ có thể bám sát những quy định hiện hành của Bộ GD-ĐT như điều lệ trường trung học phổ thông, những quy định về điều kiện đảm bảo chất lượng của sở GD-ĐT. Những quy định của cơ quan quản lý nhà nước càng chặt chẽ, rõ ràng thì sẽ giúp các hiệu trưởng có “hành lang pháp lý” để làm việc đúng trách nhiệm trong tình huống phải thuyết phục những người sáng lập trường.

VĨNH HÀ ghi

Cần nhìn vào điểm mạnh

Sự hợp tác, mối quan hệ tốt hay xấu, chặt chẽ hay cảm thông giữa hiệu trưởng và hội đồng quản trị là yếu tố quyết định thành bại của một trường tư thục. Thực tế thường có chuyện này: hiệu trưởng cho rằng hội đồng quản trị không có chuyên môn (họ đánh giá chủ tịch hội đồng quản trị là “dân xây dựng, chả biết gì”), hội đồng quản trị cũng có lý khi cho rằng hiệu trưởng “lạm quyền” trong khi mình mới là người đầu tư. Khi trường gặp chuyện, hiệu trưởng có thể dứt áo ra đi nhưng hội đồng quản trị mới là người phải chịu trách nhiệm về sự thua lỗ, thất bại.

Tôi có một số quy tắc khi làm việc trong các trường tư thục. Trước hết, hội đồng quản trị và hiệu trưởng cần nhìn vào điểm mạnh chứ đừng nhìn vào điểm yếu của nhau. Phải tạo cơ hội, điều kiện cho cộng sự của mình phát triển. Thứ hai, cần biết chờ đợi để cộng sự của mình có thời gian suy nghĩ và thay đổi. Khi một vấn đề được đưa ra tranh cãi gay gắt không có hồi kết, tôi đều đề nghị mọi người tạm ngừng tranh luận, duy trì mọi việc như cũ, suy nghĩ thêm một thời gian rồi bàn bạc lại. Thứ nữa, với vai trò hiệu trưởng phải để cho cộng sự của mình thấy rằng để phát triển nhà trường cần sự trung thực, tinh thần trách nhiệm và phải hết lòng vì mục tiêu giáo dục thì sẽ có lợi nhuận, chứ không phải đặt mục tiêu lợi nhuận lên đầu.

(Một giáo sư nhiều năm là hiệu trưởng một trường tư thục có tiếng tại TP.HCM)

Giáo dục không phải “mì ăn liền”

Tôi thường đùa với đồng nghiệp là trong xã hội chúng ta có hai chủ đề mà ai cũng bàn tán sôi nổi, hăng say cứ như mình là chuyên gia, đó là giáo dục và... bóng đá. Làm giáo dục, kinh doanh giáo dục nghe thì dễ, nhưng “vào trận” thì không phải ai cũng hiểu. Không ít hội đồng quản trị vì suy nghĩ “giáo dục có gì đâu mà không làm được” nên nhúng tay quá sâu vào chuyên môn của ban giám hiệu.

Mở một ngôi trường, đâu dễ chỉ vài năm là có lời, cái mà chúng ta kiên trì xây dựng là những giá trị vô hình: nhân lực, thương hiệu, quan điểm... Nếu chủ tịch hội đồng quản trị hiểu được điều này thì họ sẽ không làm theo kiểu “bóc ngắn cắn dài” hay “mì ăn liền”, mà sẽ kiên trì với định hướng sư phạm để sản phẩm của họ ổn định và phát triển. Vì vậy câu chuyện phát triển một trường tư phụ thuộc rất nhiều vào quan điểm của nhà đầu tư khi quyết định dốc tiền đầu tư vào một sản phẩm mà phải đổ rất nhiều mồ hôi, tâm sức và thời gian mới cho trái ngọt. Chỉ có những nhà đầu tư chịu tìm hiểu về lĩnh vực giáo dục nói chung và đặc thù trường tư thục tại VN nói riêng mới có thể “cởi trói” cho hiệu trưởng, chứ không phải một quy định hay chỉ đạo nào khác.

(Hiệu trưởng một trường tư thục tại Q.Tân Bình, TP.HCM) - LƯU TRANG ghi

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp