Báo cáo tài chính bán niên 2024 hợp nhất của Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) ghi nhận doanh thu nửa đầu năm nay đạt 4.651 tỉ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sự đi xuống của doanh thu thuần không lớn, nhưng lợi nhuận sau thuế của Satra trong nửa đầu năm lại giảm tới 56% cùng kỳ, chỉ đạt 792 tỉ đồng.
Lý do chính đến từ khoản lãi trong công ty liên doanh, liên kết giảm mạnh.
6 tháng đầu năm nay, lãi từ công ty liên doanh liên kết mang về cho Satra 1.470 tỉ đồng, giảm 28%, tương ứng "bốc hơi" gần 590 tỉ đồng so với cùng kỳ.
Báo cáo tài chính nửa đầu năm nay của Satra không cung cấp phần thuyết minh, nên không rõ khoản đóng góp chi tiết từ công ty liên doanh, liên kết.
Song nhiều năm trở lại đây, Satra ghi nhận phần lợi nhuận rất lớn từ Heineken Việt Nam.
Cụ thể, Satra sở hữu 40% phần vốn tại Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam và Công ty TNHH Bia và Nước giải khát Heineken Việt Nam (Heineken Trading).
Hai doanh nghiệp nêu trên nắm vai trò sản xuất và phân phối các sản phẩm bia cho Tập đoàn Heineken (Hà Lan) tại Việt Nam.
Báo cáo quản trị năm 2023 tiết lộ trong năm này, Công ty TNHH Bia và Nước giải khát Heineken Việt Nam phát sinh giao dịch với Satra một khoản 1.080 tỉ đồng được ghi chú "chi cổ tức". Tương tự với Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam là 2.920 tỉ đồng.
Năm 2022, phần lợi nhuận từ đơn vị liên doanh liên kết mà Satra ghi nhận hơn 5.022 tỉ đồng. Như vậy, với mức chi trả cổ tức nêu trên, phần đóng góp của Heineken tới phần lãi công ty liên kết có thể khoảng 75 - 80%.
Sự sụt giảm phần lãi từ công ty liên kết không chỉ mới bắt đầu với Satra. Năm ngoái, báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán cũng cho thấy phần lãi trong công ty liên doanh, liên kết của Satra giảm 47% so với năm trước, chỉ còn 2.733 tỉ đồng.
Điều này khiến lợi nhuận sau thuế của Satra chỉ còn 2.295 tỉ đồng năm 2023, trong khi năm 2022 vẫn đạt 5.086 tỉ đồng.
Đóng góp phần lớn lợi nhuận công ty liên doanh và liên kết của Satra đến từ Heineken Việt Nam - Dữ liệu: BCTC
Liên quan tới hoạt động kinh doanh của Heineken Việt Nam, tháng 6 năm nay, đại diện công ty này cũng xác nhận đã thông báo tạm dừng hoạt động nhà máy bia Heineken tại Quảng Nam.
Từ sau đại dịch COVID-19, nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế Việt Nam đã đối mặt khó khăn do tăng trưởng kinh tế chậm lại, dẫn đến sự sụt giảm niềm tin và nhu cầu của người tiêu dùng.
"Mặt khác, Heineken Việt Nam cũng cho rằng việc triển khai nghị định 100 về kiểm soát nồng độ cồn khi tham gia giao thông cũng đã góp phần thay đổi hành vi, thói quen mới của người tiêu dùng. Kết quả là thị trường bia Việt Nam đã sụt giảm liên tục doanh số.
Để tối ưu hóa hoạt động sản xuất kinh doanh, Heineken quyết định tinh giản hoạt động, tạm dừng nhà máy tại Quảng Nam" - thông báo của Heineken Việt Nam gửi tỉnh Quảng Nam đề cập.
Nhiều hãng bia khác cũng sụt giảm lợi nhuận
Thực tế không chỉ Heineken, 6 tháng đầu năm nay vẫn khó khăn với nhiều công ty bia trong nước khi lợi nhuận sụt giảm.
Như Habeco - chủ hãng bia Hà Nội, lợi nhuận ròng nửa đầu năm đạt 151 tỉ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ. Hay CTCP Bia Sài Gòn - Miền Tây (WSB), lợi nhuận sau thuế đạt 42 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm, giảm 18% cùng kỳ.
Theo nhiều doanh nghiệp, khó khăn chung của ngành là sự siết chặt chính sách kiểm soát nồng độ cồn (nghị định 100) và khó khăn kinh tế, thu nhập người dân sụt giảm nên thắt chặt chi tiêu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận