Từng là giám đốc một sàn vàng tại đường Lê Thánh Tôn, Q.1 (TP.HCM), bà P.A. cho biết chỉ với 1 tỉ đồng đầu tư ban đầu, trong ba tháng đầu tiên các sàn vàng mang về cho chủ sàn một khoản siêu lợi nhuận có thể lên đến 10 tỉ đồng.
Bà P.A cho biết: Chủ đầu tư chỉ bỏ ra số tiền ban đầu 1-2 tỉ đồng trang bị cơ sở vật chất, mua phần mềm rồi đặt sever tại VN, tất cả giao dịch này đều bằng tiền Việt và tiền này không chuyển ra nước ngoài mà chủ sàn ôm.
"Trên server này, chủ đầu tư có thể can thiệp kỹ thuật các giao dịch của nhà đầu tư thứ cấp để trục lợi. Có thời điểm, một sàn vàng thu hút gần 1.000 tài khoản nhưng không có tài khoản nào sống sót, trừ những tài khoản đánh lẻ một hai lần rồi rút. Thắng thì ít, nhưng khi xảy ra sự cố như chủ sàn ôm tiền bỏ trốn thì người chơi chẳng có gì trong tay để làm cơ sở pháp lý đi đòi tiền” - bà P.A. nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, các sàn vàng thường đi theo cụm, ngay tại một tòa nhà có thể có ba bốn sàn vàng khác hoạt động giao dịch ầm ầm với hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tài khoản nhưng vẫn tồn tại năm này qua năm khác.
Liêm, một nhân viên môi giới, cho biết dù hoạt động trong ngành này đến tám năm nhưng chẳng thấy cơ quan quản lý nào “hỏi thăm”. Các công ty có sàn vàng chui thường núp dưới hình thức công ty tư vấn đầu tư tài chính, bất động sản... hoặc công ty có sàn giao dịch hàng hóa.
Theo chuyên gia đầu tư vàng Trần Thanh Hải, trong khi chưa được pháp luật thừa nhận, với cung cách quản lý như hiện nay, rủi ro trên sàn vàng đang đổ dồn về nhà đầu tư thứ cấp (người chơi). Bởi chẳng có cơ sở nào để nhà đầu tư đòi lại tiền gốc, tiền lãi khi chủ đầu tư bỏ trốn hoặc bị bắt. Thậm chí hợp đồng giao dịch người chơi ký với các sàn vàng ảo cũng không có giá trị pháp lý bởi đây là hoạt động bị pháp luật cấm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận