03/12/2013 02:50 GMT+7

Lợi nhuận cao, ai cũng nhảy vào

MY LĂNG
MY LĂNG

TT - Nhu cầu làm đẹp ngày càng tăng, thậm chí nhiều người nghiện làm đẹp, cái gì trên người cũng muốn sửa. Và các thẩm mỹ viện, phòng khám thẩm mỹ mọc lên ngày càng nhiều...

Kỳ 1: Kỳ 2:

aQSmWLsh.jpgPhóng to
Những chiếc sụn nhân tạo thật ra là silicon bọc nhựa dẻo này có giá nhập khẩu cao nhất chỉ 200.000 đồng, nhưng giá nâng một chiếc mũi thấp nhất cũng 8 triệu đồng! - Ảnh: My Lăng

Đâu phải là chiếc đũa thần!

“Cái đẹp phải hài hòa với gương mặt - bác sĩ Phan Hiệp Lợi (giám đốc Bệnh viện thẩm mỹ Hiệp Lợi) nói - Hôm qua có một khách hàng quyết liệt đòi cắt mắt. Nhưng tôi từ chối vì mắt to nhưng khối khoét sâu, cắt mắt không đẹp hơn”. Còn giám đốc một bệnh viện thẩm mỹ ở Q.1, TP.HCM kể: “Có người cứ đem hình diễn viên Hàn Quốc nói muốn giống y chang vậy: mắt to tròn, mũi cao, mặt chữ V. Nam thì đem hình diễn viên Mỹ yêu cầu làm mũi cao y chang vậy. Nhưng mình là người châu Á, đâu có làm cái mũi cao vút lên như người châu Âu được! Còn những nữ diễn viên Hàn Quốc thì mũi họ dài, mặt mình ngắn, mũi cũng ngắn làm sao làm y chang được. Phẫu thuật thẩm mỹ không phải là đũa thần, chỉ làm người ta đẹp hơn so với cũ, chỉ làm cải thiện vẻ đẹp ưa nhìn chứ không phải biến một người này thành người khác”.

Các bác sĩ này đều khẳng định: thẩm mỹ không phải là chữa bệnh. “Mỗi người có một quan điểm đẹp khác nhau. Mình thấy đẹp nhưng người khác nói không lại lật đật đòi sửa cái này sửa cái kia. Có người nghiện làm đẹp nữa, làm mắt, mũi, căng mặt, ngực, bụng... không làm chịu hổng nổi, mà làm hoài cũng không đẹp hơn được. Tôi từ chối thì qua chỗ khác làm. Trong trường hợp này bác sĩ phải tâm lý nói sao để khách hàng hiểu. Rồi làm cái này cái kia cũng phải phù hợp với cơ thể mình. Có người cao chưa tới 1,6m, có bốn mấy ký lần đầu đòi đặt túi ngực 450cc. Làm xong lại đòi làm 500cc. Mà ngực làm bự quá dễ bị đau lưng. Tôi từ chối. Không thể để người ta chịu thêm một cuộc mổ mà mình không biết thành công hay thất bại”, bác sĩ Hiệp Lợi cho hay.

Một bác sĩ thẩm mỹ kể: “Chúng tôi từng từ chối những người bị tâm lý lúc nào cũng muốn lớn hơn, lớn hơn nữa, mà cái mình đặt đã lớn rồi. Như một người đặt túi ngực 350cc, thấy cô kia nâng 400cc cũng muốn nâng lên 450cc nhưng cơ thể họ nhỏ xíu, có 42kg, cao 1,55m. Đặt thì đặt được mà mình phải chịu trách nhiệm 10-20 năm sau, bị lộ túi, họ sẽ đến kiếm chuyện. Tuy nhiên, có người thích dữ quá, tôi cũng tư vấn là nếu nâng thì phải giữ mức an toàn và sau này bị lộ túi không được đổ thừa. Bề ngang của người cô ấy nhỏ quá, không vừa với đường kính của hai túi ngực. Nếu làm lớn quá ngực sẽ bị bè ra. Thôi thì bảo họ nâng lên 400cc là quá rồi. Nhưng có người vì lợi nhuận họ cứ làm bừa”.

Lợi nhuận, đến mức nào? Một bác sĩ nhìn nhận: “Thẩm mỹ hái ra tiền nên người ta ai cũng muốn nhảy vào”.

Siêu lợi nhuận

Tại bệnh viện thẩm mỹ V (quận 1), những người không có điều kiện sẽ không dám mơ tới một ngày được căng da mặt khi giá lên tới 45 triệu đồng, căng da cổ 30 triệu đồng; những người muốn hút mỡ bụng cũng phải ngần ngừ đắn đo khi giá hút mỡ bụng ở đây là 20-30 triệu đồng, hút mỡ lấy da tái tạo thành bụng 50-60 triệu đồng. Nhẹ nhàng hơn, treo chân mày và phun mày đã ngốn 7 triệu đồng. Tuy nhiên, nâng mũi mềm hơn một số nơi khác với ba mức: 8 triệu, 10 triệu và giá đặc biệt 12 triệu đồng. Nhân viên ở đây cho biết giá chênh lệch là do khác nhau về độ dẻo, độ mềm của sống mũi nhân tạo.

Tại TMV K (Q.10), chi phí cho nâng mũi bằng sụn nhân tạo 9 triệu đồng, nâng mũi bọc sụn 15 triệu đồng, nâng mũi S - line 25 triệu đồng. Trong khi đó con số này ở một phòng khám khác tại Q.1 lần lượt là 12 triệu, 15 triệu và 35 triệu đồng! Ở một bệnh viện thẩm mỹ khác, nâng mũi bằng sụn nhân tạo 10 triệu đồng, còn nâng sụn tự thân 20 triệu. Nâng ngực cũng mỗi nơi một giá. Nâng ngực nội soi có nơi 2.000 USD, chỗ khác 2.500 USD nhưng có phòng khám “hét” tới 3.000 USD, 3.500 USD! Chỗ nào cũng “đặt túi gel của Mỹ loại giọt nước tốt nhất hiện nay, bảo hành trọn đời”! Một bác sĩ thẩm mỹ thẳng thắn chia sẻ: “Nói là bảo hành trọn đời nghe oai vậy chứ tính ra khi em đến 70 tuổi thì mỗi ngày chưa tới 2.000 đồng. Mà bảo hành là bảo hành túi ngực chứ không phải cái ngực”. Bác sĩ này cũng cho biết: “Làm nhỏ thu hoạch nhỏ, làm lớn thu hoạch lớn. Chỗ tôi làm ngực 2.000 USD - 2.200 USD, chi phí túi ngực, gây mê hồi sức, hậu phẫu, thuốc men gần 1.000 USD”. Như vậy mỗi ca nâng ngực bác sĩ này lời hơn 1.000 USD (hơn 20 triệu đồng) mà đây còn là giá mềm so với những nơi khác.

Một bác sĩ giấu tên cho biết túi đặt ngực loại giọt nước tốt nhất hiện nay giá tối đa 800-900 USD. Thế nhưng khi làm khách hàng phải trả ít nhất 2.000 USD, 2.500 USD, thậm chí 3.000-3.500 USD. Bác sĩ này cho biết: “Giá chênh lệch không phải do chất lượng túi ngực mà do... bác sĩ. Làm đẹp mà, nên giá của nó cũng vô chừng lắm. Giá gốc một cái sụn bình thường hai năm trước nhập về chỉ 50.000-70.000 đồng nhưng làm giá 3-5 triệu đồng. Bây giờ sụn tốt của Hàn Quốc, Mỹ nhập về chỉ 100.000 đồng, cùng lắm 200.000 đồng/cái nhưng chi phí khách trả là 10-15 triệu đồng”.

Bác sĩ này khẳng định: “Sụn nhân tạo nói cho oai chứ chẳng qua chỉ là một miếng silicon bọc nhựa. Chỉ khi nào lấy sụn vành tai tự thân là phương pháp mới và hay thì giá mới cao một chút. Chi phí nâng mũi S - line gì mà 25 triệu. Bây giờ tiên tiến nhất phải là nâng mũi công nghệ tế bào gốc nhưng chi phí bỏ ra chỉ 3-5 triệu đồng. Còn về túi đặt ngực, bác sĩ nói trung thực hay không là lương tâm của bác sĩ chứ bây giờ họ đưa ra sản phẩm rồi nói của Mỹ, Đức hay Pháp khách hàng cũng đâu biết, rồi khi làm họ đưa túi gì khách hàng cũng không biết được. Nâng ngực tối thiểu lời 1.000-2.000 USD. Nâng mũi thì vô giá lắm. Trừ sống mũi mấy chục ngàn, cọng chỉ khoảng 100.000 đồng, còn lại thì lời vô kể. Một ca nâng ngực 45 phút. Làm mũi chỉ 10-15 phút một ca. Tôi biết có nơi một ngày nâng ngực cả hơn chục ca, chưa kể làm mũi và các dịch vụ khác. Lợi nhuận vậy nên đó là lý do ai cũng muốn nhảy vô thẩm mỹ”.

Với lợi nhuận như vậy, các phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ, thẩm mỹ viện đã hợp tác với một số bác sĩ trong khoa thẩm mỹ tại các bệnh viện đa khoa. Có khách hàng, họ sẽ đưa vào đó mổ hoặc mời bác sĩ đến bệnh viện mổ. “Nếu tôi đưa khách hàng của mình đến và phẫu thuật luôn thì tôi được 60%. Còn nếu họ nhờ tôi đến mổ không thì được 35-40%. Nó giống như quy định ngầm trong thẩm mỹ rồi. Một tuần tôi đi mổ ba ca ngực cũng khẳm rồi. Những người giới thiệu khách hàng đến thì được trích 10-20%. Chỉ cần giới thiệu một người là được mấy trăm USD rồi, quá nhẹ nhàng”, bác sĩ Q.tiết lộ. Ông Q.cũng cho biết thêm: “Các trung tâm thẩm mỹ thuê tòa nhà hoành tráng, một tháng chi phí mấy chục ngàn USD. Một ngày nếu làm dưới 200 triệu thì họ lỗ. Còn một phòng khám thẩm mỹ nếu doanh thu dưới 100 triệu thì họ không làm nổi đâu. Ngoài ra họ còn chi phí cho quảng cáo rất lớn, có khi mấy trăm triệu đồng một tháng. Bác sĩ thẩm mỹ lấy nhiều mà cũng chi rất nhiều. Cho nên doanh thu nếu không đạt thì họ không dám bỏ ra số tiền lớn như thế để quảng cáo đâu”. Một bác sĩ thẩm mỹ khác cho biết: “Một tháng trừ tất cả chi phí bỏ túi 400-500 triệu đồng là chuyện không khó. Có người còn kiếm được 1-2 tỉ đồng/tháng như chơi”.

Chính vì lợi nhuận khủng như thế, theo một số người trong nghề cho biết, hiện nay đã và đang có tình trạng y sĩ gây mê hồi sức cũng tự động thực hiện nâng mũi, làm ngực, hút mỡ... Bác sĩ Q.cho biết: “Thẩm mỹ nhẹ nhàng lắm, chỉ có nâng ngực và hút mỡ là khó khăn thôi. Còn những người làm thẩm mỹ, săn sóc da, những bác sĩ tay ngang vô bệnh viện phẫu thuật mà không có chứng chỉ, không được học cũng có. Rồi còn chuyện hiện nay rất nhiều người đã học lớp sơ bộ tạo hình thẩm mỹ nhưng không được xét, không được đưa vào các bệnh viện thẩm mỹ, nhưng vẫn dám mổ nâng ngực, nâng mũi”.

Chuẩn nào cho bác sĩ thẩm mỹ?

Theo bác sĩ Q., để được gọi là bác sĩ thẩm mỹ phải hoàn thành lớp sơ bộ tạo hình thẩm mỹ và thực hiện được ít nhất 70 ca phẫu thuật nâng ngực, nâng mũi, mí, mắt, tai, nâng mi, ngực tại khoa thẩm mỹ của bệnh viện thẩm mỹ tư nhân hoặc bệnh viện công. Sở Y tế sẽ thẩm định số ca đó rồi báo lại cho hội đồng thì mới xem xét được cấp chứng chỉ hành nghề. Nếu được cấp, bác sĩ cũng chưa có giấy phép hoạt động ngay mà phải làm ít nhất 54 tháng mới được mở cơ sở thẩm mỹ. “Trong nghị định, thông tư không có, trong luật không có. Nhưng tại TP.HCM người ta dựa vào những tiêu chí đó, nhất là số ca mổ, để cấp chứng chỉ hành nghề. Chỉ khi được cấp chứng chỉ hành nghề mới được gọi là bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ”, bác sĩ Q.nói.

Kỳ tới: Giấc mơ và ác mộng

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp