01/11/2013 01:32 GMT+7

Lời nhắc nâng chất nguồn nhân lực

PGS.TS GIANG THANH LONG (Đại học Kinh tế quốc dân) - NGỌC HÀ ghi
PGS.TS GIANG THANH LONG (Đại học Kinh tế quốc dân) - NGỌC HÀ ghi

TT - Cột mốc dân số 90 triệu người cùng lợi thế đang trong giai đoạn “dân số vàng” mở ra cho Việt Nam cơ hội lớn để tăng tốc phát triển mạnh mẽ. Mệnh đề này chỉ thành hiện thực nếu biết đầu tư đúng hướng vào nguồn nhân lực trẻ rất dồi dào.

Năm 2011, Tổng cục Thống kê dự báo giai đoạn “dân số vàng” của Việt Nam sẽ kéo dài từ năm 2007-2041, nghĩa là chúng ta có 34 năm tận dụng thời cơ này.

Vậy mà đến thời điểm này, khi đã bước vào giai đoạn “dân số vàng” 6-7 năm, mới thấm thía mình chưa tận dụng được bao nhiêu. Xét ở góc độ kinh tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế bằng tốc độ tăng năng suất lao động cộng với tốc độ tăng của tỉ lệ dân số trong hoạt động kinh tế. Như thế, cần thực hiện thật tốt hai yếu tố tăng năng suất lao động của người tham gia hoạt động kinh tế và tăng số người trong nền kinh tế có việc làm. Trong 20 năm qua, tốc độ tăng năng suất của Việt Nam quá thấp, thấp hơn nhiều nước trong khu vực. Kỹ năng và khả năng làm việc của người Việt không cải thiện được bao nhiêu.

Mốc dân số 90 triệu người nhắc chúng ta phải đầu tư cẩn trọng nhưng mạnh mẽ, quyết liệt, chăm chút đến nơi đến chốn hai lĩnh vực: giáo dục và y tế. Trong y tế, cần quan tâm nhiều đến trẻ em và sức khỏe sinh sản cho thanh niên để tạo nòi giống tốt sau này.

Với giáo dục, việc đào tạo nghề cho thanh niên phải được coi trọng, đầu tư xứng đáng. Trong khi đưa ra cơ chế tạo việc làm cho thanh niên, phải thật sự “thực dụng”. Việt Nam không thiếu lợi thế. 90 triệu dân cho ta lợi thế lao động và phải tận dụng bằng các ngành sử dụng nhiều lao động. Nhưng lợi thế theo kiểu cần càng nhiều nhân công càng tốt đã qua rồi, cái cần là tăng giá trị gia tăng của mỗi công đoạn sản xuất. Để may một chiếc áo sơmi, mình vẫn cần đến vài chục công đoạn, trong khi các nước nghèo hơn như Nepal, Bangladesh đã rút ngắn xuống 12-13 công đoạn.

Nâng cao chất lượng của hệ thống giáo dục, đặc biệt giáo dục chuyên nghiệp và dạy nghề phải trở thành chiến lược xương sống cho phát triển nguồn nhân lực. Không nhìn ra lợi thế của mình để tập trung tái cơ cấu, đào tạo nhân lực sẽ không tránh khỏi lãng phí. Tận dụng giai đoạn “dân số vàng”, từ những năm 1960-1990 tại Nhật Bản, lực lượng lao động giảm 3,5%/năm nhưng năng suất lao động lại tăng 4,5%/năm, nên sản lượng nông nghiệp vẫn tăng đều 1%/năm.

Hướng đến đất nước công nghiệp hóa cho mục tiêu 2020 không gì khác là phải trao cho thanh niên sự thuần thục nghề nghiệp khi vào đời sau đào tạo, giúp họ có đồng lương xứng đáng với thể chất và sự tận tâm với công việc mà họ đã bỏ ra. Nếu không cải thiện được nguồn nhân lực còn yếu về trình độ chuyên môn và kỹ năng quản lý như hiện nay, Việt Nam không thể nâng cao sức cạnh tranh, dễ rơi vào trạng thái giống như Thái Lan hoặc Malaysia là không thể vượt qua được “trần thủy tinh” để tiến xa hơn trong phát triển.

PGS.TS GIANG THANH LONG (Đại học Kinh tế quốc dân) - NGỌC HÀ ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp