Về lâu dài, cần giải quyết tình trạng đất khát bằng nhiều cách như sống chung với hạn mặn, bảo vệ tầng nước ngầm, trữ nước và đặc biệt thay đổi phương pháp canh tác. Những bài học quốc tế nhưng cũng chính là của Việt Nam.
Mấy năm trước về làng Jakhni thuộc huyện Banda ở bang Uttar Pradesh (miền bắc Ấn Độ), đất đai khô cằn nứt nẻ thành những khe sâu đủ để trâu bò bất cẩn có thể lọt chân.
Còn bây giờ chỉ nhìn thấy toàn ruộng lúa. Nhờ áp dụng các phương pháp canh tác cũ, làng Jakhni đã trở thành làng kiểu mẫu về nước (jalgram) của Ấn Độ.
Đắp bờ bao trữ nước mưa trên đồng
Làng Jakhni chỉ có 1.600 dân mà hầu hết là nông dân chân lấm tay bùn. Lượng mưa hằng năm ở đây dưới mức trung bình, chỉ từ 800-1.300mm.
Đất đai với địa hình đồi núi đầy đá không giữ được nước và tương đối ít tầng nước ngầm nên hầu hết nước mưa trôi tuột đi. Dân địa phương cười buồn nói nước mưa rơi xuống rồi chảy đi giống như con cái họ lớn lên rời bỏ quê nhà đi xứ khác kiếm ăn.
Nông dân còng lưng trồng cây nhưng đều thất bại. Vào mùa hè nóng bức, phụ nữ trong gia đình phải đi bộ thật xa mới tìm thấy nước.
Năm 2005, nông dân Uma Shankar Pandey tình cờ tham dự một cuộc hội thảo về bảo tồn nước ở New Delhi. Ông đã nghe Tổng thống APJ Abdul Kalam thuyết trình rất hùng hồn về lợi ích của giải pháp trữ nước mưa.
Ông kể: "TS Kalam đã đưa ra ý tưởng xây dựng làng jalgram, tức làng tích trữ và bảo vệ nguồn nước. Tôi chợt nghĩ làng Jakhni cần áp dụng phương pháp như vậy".
Thật ra, ông Pandey không mất công tìm kiếm giải pháp tiết kiệm nước vì từ bao đời nay, nông dân địa phương đã biết tích trữ nước mưa trên đồng bằng cách đắp bờ hoặc xây đê bao xung quanh. Do đó, công việc đầu tiên của ông là thuyết phục dân làng Jakhni áp dụng trở lại phương pháp trữ nước mưa truyền thống.
Ông giải thích: "Dân làng tôi không giàu và rất cẩn thận. Hầu hết mọi người bảo tôi rằng họ đợi một mùa xem nhóm chúng tôi làm ăn thế nào. Ban đầu chỉ có 10 người nông dân đồng ý xây bờ bao trên 25ha đất nông nghiệp. Phương pháp này đạt hiệu quả tốt. Nông dân có một mùa lúa bội thu mà không phụ thuộc vào trời mưa để tưới tiêu".
Năm sau, có thêm nhiều nông dân chịu làm bờ bao hơn với số bờ bao bao quanh hơn 300ha. Bờ bao bằng bùn đất cần bảo trì thường xuyên vì liên tục bị lở. Ông Pandey bèn nảy ra ý tưởng trồng thêm cây và đậu lăng để giữ chân bờ bao.
Ông gọi khẩu hiệu cho chiến dịch này là "Bờ bao trên đồng, cây trên bờ bao" (Khet mein med, med par ped). Ông còn nghĩ ra nhiều cách khác để bù đắp tình trạng thiếu nước như nạo vét và đào sâu thêm ao hồ sẵn có, xây thêm nhiều ao mới gần đồng ruộng, cải tạo giếng nước đã khô cạn để có nước, trồng thêm nhiều cây xanh.
Dù không có nguồn tài trợ nào từ chính quyền, dân làng Jakhni vẫn chung tay đắp bờ bao trên toàn bộ đồng lúa rồi trồng cây và hoa màu trên đó đồng thời sử dụng nước mưa đã tích trữ để tưới tiêu.
Trong thập niên tiếp theo, mô hình trữ nước mưa trên đồng ruộng lan rộng. Trong hai năm 2016 và 2017, đã có 1.050 làng được xây dựng trở thành làng jalgram trên toàn Ấn Độ.
Tạp chí Reasons to be Cheerful (Mỹ) ghi nhận hiện nay làng Jakhni có 33 giếng nước, 25 máy bơm tay và sáu ao hồ đầy nước quanh năm chứng tỏ các tầng nước ngầm đã đầy nước. Ông Pandey đã được trao tặng huân chương Padma Shri vào năm 2023.
Người dân họp bàn về trữ lượng nước
Huyện Banda là một trong những huyện thường xuyên khô hạn. Ngày đầu tiên về lãnh đạo huyện Banda vào năm 2018, ông Heera Lal đã chứng kiến cảnh người dân chặn con đường huyết mạch để phản đối tình trạng thiếu nước sạch.
Ông tự nhủ: "Nếu không có nước, làm sao người dân có thể sống chứ nói gì tới phát triển?".
Ông đã tận mắt chứng kiến kinh nghiệm trữ nước mưa trên đồng ở làng Jakhni nên tận dụng mọi nguồn lực kêu gọi đắp bờ bao, cải tạo giếng nước, xây thêm ao mới khắp huyện Banda. Ông còn khuyến khích nông dân đào mương quanh đồng ruộng để chứa nước tràn từ chỗ cao xuống chỗ trũng.
Năm 2019, cùng với tổ chức phi chính phủ WaterAid India, ông đã tổ chức các buổi họp về trữ lượng nước (jal chaupals) cho dân làng.
Ý tưởng họp về trữ lượng nước (đánh giá tính sẵn có của nước và mức độ bền vững của nguồn cung cấp nước bằng cách theo dõi nước đầu vào và nước đầu ra) tuy không mới nhưng tại huyện Banda, thay vì các chuyên gia họp bàn thì chính dân làng ngồi lại thảo luận với nhau.
Tại làng Mahuee, người dân đã biết sử dụng danh sách kiểm soát trữ lượng nước do WaterAid biên soạn để lập bản đồ các nguồn nước, sau đó lập bảng kê ước tính lượng nước tiêu thụ trong sinh hoạt hằng ngày giống như bảng sao kê ngân hàng và cuối cùng đánh giá xem phải làm gì để bổ sung nguồn nước còn thiếu.
Các cuộc họp về trữ lượng nước như vậy không chỉ nâng cao nhận thức về sử dụng nước hợp lý mà còn khuyến khích dân làng tham gia hàng chục dự án nhỏ như đào hố thu nước quanh máy bơm tay và các nguồn nước cộng đồng khác để dẫn nước thải trở lại tầng nước ngầm, thu gom nước mưa từ mái nhà, nạo vét ao hồ, đào mương chứa nước.
Sách Kỷ lục Limca của Ấn Độ đã công nhận chiến dịch "Nạp nước ngầm, tiết kiệm nước sạch" (Bhujal badhao payjal bachao) của huyện Banda đã đào nhiều đường mương nhất và tổ chức họp báo về địa phương có trữ lượng nước nhiều nhất trong tháng 2-2020.
Trước đó, chính quyền huyện Banda đã nhận được giải thưởng "Thành phố thông minh" cho thành tích này vào năm 2019. Đến năm 2020, mực nước ngầm ở huyện Banda đã tăng lên gần 1,4m. Huyện Banda có số lượng giếng nhiều nhất bang Uttar Pradesh. Sau đó, tập quán đào mương, đắp bờ bao trữ nước đã được nhiều bang khác ở Ấn Độ áp dụng thành công.
Nhiều nước khuyến khích trữ nước mưa
Theo trang web Smart Water (New Zealand), nhiều nơi trên thế giới đã khuyến khích người dân trữ nước mưa. Tại Úc, bang Queensland bắt buộc nhà mới xây phải có bể chứa nước mưa.
Nam Phi đã triển khai hệ thống tái chế nước thải sinh hoạt và thu gom nước mưa tại nhà. Còn tại Mỹ, thành phố Tucson (bang Arizona) đã thực hiện chương trình ưu đãi tài chính cho người dân và doanh nghiệp lắp đặt hệ thống thu gom nước mưa.
Tại Pháp từ mùa xuân năm 2023, vùng Île-de-France đã cấp tiền đến 20.000 euro để người dân xây mới bể ngầm (thể tích 5m3), bể trữ nước trên cao hoặc bể trên mặt đất (thể tích tối thiểu 3m3) bất kể mục đích dùng để tưới vườn hay phục vụ nhu cầu vệ sinh.
Tiền hỗ trợ được giới hạn ở mức 50% chi phí. Mỗi hộ gia đình được hỗ trợ một lần cho nơi cư trú chính.
-----------------
Đất ven biển Bangladesh phải bỏ hoang sáu tháng sau vụ lúa vì đất bị nhiễm mặn, trồng cây nào chết cây đó. Hoa hướng dương đã giúp nông dân vượt qua cuộc sống khó khăn do hạn mặn đồng thời góp phần giải quyết bài toán đáp ứng nhu cầu dầu ăn trong nước.
Kỳ tới: Hoa hướng dương trên vùng đất mặn cháy
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận