Ông Nguyễn Mạnh Cầm - Ảnh: Q.Trung |
Ông dành cho Tuổi Trẻ cuộc trao đổi nhân dịp 70 năm ngành ngoại giao Việt Nam.
* Điểm nhấn của ngoại giao Việt Nam thời kỳ đầu đổi mới là gì, thưa ông?
- Từ sau đổi mới năm 1986, bậc thang hội nhập đầu tiên của chúng ta là tham gia ASEAN vào năm 1995.
Tôi còn nhớ khi các nước ASEAN đã cơ bản đồng ý kết nạp Việt Nam, tại một phiên họp thường vụ Bộ Chính trị bàn vấn đề này vẫn có ý kiến cho rằng Việt Nam tham gia ASEAN chẳng khác nào vào SEATO (Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á).
Với tư cách bộ trưởng Bộ Ngoại giao, tôi đã đứng lên phát biểu kỹ lưỡng về sự khác nhau hoàn toàn giữa SEATO là một tổ chức thù địch với chúng ta trước đây và ASEAN ngày nay.
Tổng bí thư Đỗ Mười chủ trì phiên họp ủng hộ gia nhập ASEAN, nhưng Tổng bí thư cẩn trọng chỉ đạo Bộ Ngoại giao xin thêm ý kiến Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc này đang đi công tác ở miền Nam...
Diễn biến tiếp theo như chúng ta đã biết, Việt Nam gia nhập ASEAN, không những chúng ta phá được thế bao vây về chính trị mà còn giải tỏa sự cô lập về kinh tế.
* Giải tỏa sự cô lập về kinh tế là như thế nào, thưa ông?
- Sau đổi mới chúng ta đã có một số thành tựu, đặc biệt trong nông nghiệp, nhưng đất nước vẫn còn nhiều khó khăn kinh tế do ảnh hưởng của chiến tranh kéo dài, sau khi hòa bình lập lại thì chủ quan, nóng vội, lại bị Mỹ và nhiều nước khác cô lập, cấm vận.
Chúng ta xác định hội nhập trước hết là hội nhập kinh tế quốc tế. Khi ASEAN kết nạp Việt Nam, họ đồng thời yêu cầu ta ký văn bản tham gia khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA). Chúng ta sẵn sàng ký ngay dù lúc đó chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm.
Đây chính là một trong những bước đầu tiên quan trọng nhất trên con đường hội nhập kinh tế quốc tế.
Cho đến năm 2011, tại Đại hội X, chúng ta mới có bước phát triển để chuyển từ “chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế” sang “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế”, với ý nghĩa hội nhập quốc tế không còn bó hẹp trong lĩnh vực kinh tế mà được mở rộng ra tất cả lĩnh vực khác của đời sống xã hội như chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh...
* Có ý kiến cho rằng lẽ ra chúng ta có thể phá thế bị bao vây, cô lập sớm hơn với việc đẩy nhanh bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ ngay sau khi chiến tranh kết thúc?
- Lúc bấy giờ có vấn đề bồi thường chiến tranh, hay gọi cách khác là Mỹ giúp Việt Nam tái thiết sau chiến tranh. Đúng là sau khi chiến tranh kết thúc, chúng ta thông qua Liên Xô có gửi đến Hoa Kỳ một thông điệp không chính thức về việc hai bên có thể gặp nhau để bàn chuyện bình thường hóa quan hệ.
Năm 1976, tổng thống Gerald Ford đề nghị Quốc hội Hoa Kỳ tạm ngưng cấm vận Việt Nam trong sáu tháng để tạo điều kiện cho việc đối thoại giữa hai nước.
Đến năm 1977, tổng thống Jimmy Carter chủ trương đẩy mạnh việc bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, ông gửi một phái đoàn sang Hà Nội...
Các cuộc đàm phán diễn ra trong năm 1977, phía Việt Nam có yêu cầu Hoa Kỳ chi tiền tái thiết 3,25 tỉ USD, phía Hoa Kỳ không đồng ý. Đàm phán không xong, sau này có một số ý kiến cho rằng vì ta quá căng chuyện 3,25 tỉ USD nên việc không thành.
Theo tôi, lúc đó chúng ta có gác lại chuyện yêu cầu tiền tái thiết thì phía Mỹ chưa chắc đồng ý bình thường hóa. Lúc bấy giờ Mỹ đang chuẩn bị lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, đây là ưu tiên đối ngoại của họ, trong bối cảnh một nước Trung Quốc không còn thân thiện với Việt Nam, thậm chí là chống Việt Nam.
Hơn nữa, những năm sau chiến tranh thì hội chứng Việt Nam trong lòng nước Mỹ rất nặng nề, không dễ cho Nhà Trắng tiến hành bình thường hóa.
Trong nhiệm kỳ tổng thống Reagan (gần trọn thập niên 1980), quá trình này trở nên đóng băng với hai nút thắt là vấn đề Campuchia và tìm kiếm lính Mỹ mất tích.
* Như ông nêu ở trên, khi Mỹ quan tâm tới việc đàm phán bình thường hóa với Trung Quốc hơn, vấn đề Việt Nam không còn được ưu tiên nữa. Những cuộc bắt tay giữa Mỹ và Trung Quốc, như cuộc bắt tay trước đó vào năm 1972, để lại bài học gì, thưa ông?
- Là một nước nhỏ, từ chỗ không có tên trên bản đồ thế giới, chúng ta đã trải qua những cuộc chiến tranh hết sức gian khổ và lâu dài để giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Trong quá trình đó, chúng ta luôn phải tranh thủ tối đa sự ủng hộ tích cực của hai nước lớn là Liên Xô và Trung Quốc.
Khi quan hệ giữa các ông lớn có biến động, chúng ta luôn phải giữ cân bằng, tất cả vì cuộc đấu tranh chính nghĩa của chúng ta. Có một điều mà chúng ta thấy rõ là các nước lớn đã sử dụng Việt Nam để tranh thủ nhau.
Vậy thì bài học ở đây là gì? Đó là bài học mà Bác Hồ đã nói từ những ngày đầu cách mạng: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Cái bất biến là lợi ích quốc gia, dân tộc.
Trong ngoại giao, lợi ích dân tộc là cao nhất, là biển chỉ đường. Anh phải nắm vững lợi ích dân tộc mới có thể ứng vạn biến được, đồng thời phải biết kết hợp sức mạnh dân tộc và thời đại. Nếu không tranh thủ được sức mạnh thời đại để làm nên sức mạnh tổng hợp thì đất nước sẽ suy yếu.
Hiện nay sức mạnh thời đại là các xu thế như hòa bình, toàn cầu hóa, cách mạng khoa học công nghệ...
Tôi đồng tình với các nhận định cho rằng thế giới ngày nay càng rộng mở thì mức độ phụ thuộc vào nhau giữa các quốc gia, dân tộc ngày càng lớn, lợi ích đan xen giữa các quốc gia cũng rất phức tạp.
Chính vì thế, bài học về “dĩ bất biến, ứng vạn biến” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta vẫn là kim chỉ nam cho hoạt động đối ngoại thời gian tới.
Việt Nam đã mở rộng quan hệ đối ngoại chưa từng có Hôm qua, Bộ Ngoại giao đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm thành lập ngành ngoại giao Việt Nam tại thủ đô Hà Nội. Phát biểu tại sự kiện quan trọng này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao những đóng góp to lớn, hết sức nổi bật của ngành ngoại giao trong suốt 70 năm qua vào sự phát triển của đất nước. Chủ tịch nước nhấn mạnh: 30 năm đổi mới đã chứng kiến những đóng góp hết sức nổi bật của ngành ngoại giao vào sự nghiệp phát triển của đất nước. Từ tình thế bị bao vây, cô lập, chúng ta đã mở rộng quan hệ đối ngoại chưa từng có cả về bề rộng lẫn chiều sâu. Năm 1954, khi ấy Việt Nam có quan hệ ngoại giao chỉ với 11 nước nhưng đến nay chúng ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 185 nước, thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với 224 thị trường tại tất cả các châu lục. Đặc biệt, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược và toàn diện với nhiều quốc gia chủ chốt trên thế giới. Lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam có quan hệ hợp tác tốt với tất cả các nước lớn, trong đó có năm nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Tính đến nay Việt Nam đã tham gia hơn 500 hiệp định song phương và đa phương trên nhiều lĩnh vực, thu hút gần 260 tỉ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Ghi nhận sự đóng góp to lớn của ngành ngoại giao, Chủ tịch nước đã trao thưởng Huân chương Sao vàng cho ngành. Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh rằng bối cảnh thế giới và khu vực đang chuyển biến rất nhanh, đa dạng và ngày càng phức tạp. Tình hình trên đặt ra những yêu cầu ngày càng cao hơn, thử thách ngày càng lớn hơn cho ngành ngoại giao trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại thời gian tới, Chủ tịch nước yêu cầu ngành ngoại giao cần tiếp tục không ngừng sáng tạo và đổi mới tư duy mạnh mẽ, nhạy bén hơn nữa bắt kịp với các diễn biến của thời cuộc. Bên cạnh đó, trong bối cảnh thế giới đang có nhiều biến chuyển sâu sắc, nhanh chóng và hết sức phức tạp, ngoại giao cần phải tiếp tục tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo tình hình nhạy bén, chủ động, kịp thời hơn nữa để có chiến lược và chính sách sát thực tế, hiệu quả, linh hoạt, đảm bảo được lợi ích dân tộc, tranh thủ tối đa các cơ hội, hóa giải hiệu quả các nguy cơ, góp phần tạo được thế và lực tốt nhất cho đất nước. lê thanh |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận