Masan hợp tác với Trusting Social, ứng dụng công nghệ để hiện đại hóa nền tảng tiêu dùng - bán lẻ
Đến với phiên thảo luận "Phát triển nền kinh tế số" tại Diễn đàn kinh doanh năm 2022, đại diện các doanh nghiệp lớn từ nhiều lĩnh vực khác nhau đã chia sẻ về con đường phục hồi và phát triển, xây dựng lợi thế cạnh tranh dựa trên sức mạnh của công nghệ.
Số hóa toàn bộ nền tảng từ sản xuất đến bán lẻ
Xuất phát điểm là một công ty sản xuất hàng tiêu dùng, sau 26 năm, Masan Group đã trở thành hệ sinh thái tiêu dùng - bán lẻ duy nhất tại Việt Nam có khả năng đáp ứng 80% chi tiêu tiêu dùng của người Việt, từ nhu yếu phẩm, F&B, dịch vụ tài chính, viễn thông, chăm sóc sức khỏe và sắp tới là cả giải trí trên nền tảng số.
Chia sẻ tại phiên thảo luận, ông Danny Le - CEO Tập đoàn Masan cho biết: "Masan nhìn nhận nền tảng tiêu dùng bán lẻ của mình là nơi chúng tôi có thể tận dụng những công nghệ tốt nhất, để giải quyết các nhu cầu lớn chưa được đáp ứng và mang lại lợi ích vượt trội cho người tiêu dùng."
Giải thích rõ hơn, ông Danny cho biết khi xu hướng tiêu dùng hiện đại ngày càng phổ biến, nhiều người tiêu dùng không thích các chương trình khuyến mãi đại trà.
Các trải nghiệm mua sắm nhanh chóng, tiện lợi mang tính cá nhân hóa, tích hợp xuyên suốt offline-to-online sẽ là xu hướng trong thời gian tới. Do đó, Masan đã tìm cách mang đến cho mỗi người tiêu dùng một ưu đãi riêng, được cá nhân hóa, dựa trên lịch sử mua hàng của người tiêu dùng.
Thực tế, Masan đã thực hiện những bước đi mạnh mẽ để chuyển đổi tập đoàn này trở thành nền tảng tiêu dùng - công nghệ. Năm 2021, Masan đã bắt tay hợp tác với "gã khổng lồ" thương mại điện tử Alibaba và quỹ đầu tư Baring Private Equity (BPEA).
Trong khuôn khổ của thỏa thuận này, WinCommerce - đơn vị vận hành chuỗi bán lẻ WinMart, WinMart+ của Masan thiết lập quan hệ hợp tác chiến lược với Lazada - nền tảng thương mại điện tử tại Đông Nam Á của Alibaba.
Theo đó, WinCommerce sẽ là nhà bán lẻ nhu yếu phẩm hàng đầu trên nền tảng thương mại điện tử Lazada. Hai bên cùng chia sẻ hiểu biết và kinh nghiệm để thúc đẩy nhu yếu phẩm trở thành ngành hàng chủ chốt của thương mại điện tử. Đồng thời, phát triển tính năng cung ứng hàng hóa cho các đơn hàng online tại các điểm bán offline của WinMart, WinMart+.
Tháng 4-2022, Masan đã đầu tư 65 triệu USD mua 25% cổ phần Công ty Trusting Social, một công ty fintech cung cấp giải pháp ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) và Máy học (ML) giúp ngân hàng và tổ chức tài chính cung cấp các sản phẩm tài chính cho người tiêu dùng trên quy mô lớn.
Nói về việc ứng dụng công nghệ AI và ML vào nền tảng Tiêu dùng - Bán lẻ của Tập đoàn, lãnh đạo Masan cho biết: "Không chỉ giúp tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả công việc và chất lượng dịch vụ, các công nghệ này còn đảm bảo các sản phẩm dịch vụ ra mắt có tỉ lệ thành công cao hơn, đồng thời mang đến trải nghiệm riêng cho mỗi người tiêu dùng".
Ông Danny Le - Tổng Giám đốc Tập đoàn Masan
"Câu hỏi đầu tiên Masan luôn đặt ra là chúng tôi cần giải quyết thách thức nào của thị trường? Và khi tìm ra câu trả lời, chúng tôi sẽ vận dụng các hiểu biết và ứng dụng công nghệ để giải quyết thách thức đó!"
Ông Danny Le - CEO Tập đoàn Masan
Hiểu rõ về công nghệ để đưa ra giải pháp
Nói về quá trình hiện thực hóa mục tiêu trở thành nền tảng Tiêu dùng - Công nghệ, ông Danny Le cho biết: Masan đang tập trung vào 3 hoạt động chủ đạo. Đầu tiên là tích hợp cung cấp dịch vụ tín dụng cho đại đa số người tiêu dùng phổ thông thông qua việc ứng dụng công nghệ của Trusting Social và hợp tác với các đối tác ngân hàng.
Thứ hai là ứng dụng công nghệ AI và ML để gia tăng hiệu suất và khả năng thấu hiểu người tiêu dùng, và cuối cùng là tạo nên một nền tảng nhân sự mới để liên tục hướng dẫn, đào tạo, tương tác và trao quyền cho nhân viên bởi Masan tin rằng: con người chính là nền tảng của hoạt động kinh doanh.
"Masan luôn vận dụng các hiểu biết và ứng dụng công nghệ để giải quyết thách thức của thị trường.Ví dụ như khi Masan đặt mục tiêu phục vụ người tiêu dùng các trải nghiệm cá nhân hóa và có thể là mở rộng sang lĩnh vực giải trí trên nền tảng số, chúng tôi cần ứng dụng big data (dữ liệu lớn) để giải quyết vấn đề này." - ông Danny Le cho biết.
Lãnh đạo Tập đoàn này chia sẻ điều quan trọng là cần xây dựng một đội ngũ vững mạnh, không nhất thiết phải là những chuyên gia công nghệ giỏi nhất, mà là những người hiểu rõ về công nghệ để đưa ra giải pháp, đồng thời có tư duy "Đặt người tiêu dùng làm trọng tâm" phù hợp với chiến lược chung của Masan, để mang lại giá trị cho người tiêu dùng.
Tấm bản đồ sức mua
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, Tập đoàn Masan và đối tác công bố "tấm bản đồ sức mua". Theo đó, trên hệ thống dữ liệu lớn (Big Data) và AI đã chia mặt phẳng bản đồ Việt Nam thành những ô vuông có diện tích 100m x 100m.
Sau đó, hệ thống tính toán mức thu nhập, sức mua, thiết kế hàng hóa phù hợp với từng khu vực rất nhỏ, từng ô vuông. Và có khoảng 33 triệu ô như vậy với hàng chục tiêu chí dữ liệu được cập nhật, phân tích, để giúp lãnh đạo doanh nghiệp đưa ra quyết định về vị trí điểm bán, danh mục sản phẩm phù hợp và cả lượng cung hàng hóa cần chuẩn bị cho mỗi cửa hàng.
Nếu thực thi theo chiến lược này, Masan có thể tối ưu hóa 10% chi phí hoạt động, người tiêu dùng mua sắm sản phẩm thiết yếu thường ngày với giá rẻ hơn từ 5-10% so với hiện tại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận