Tàu đổ bộ tấn công USS America, với khả năng triển khai tiêm kích tàng hình F-35, dẫn đầu nhóm tàu chiến Mỹ - Úc trong cuộc tập trận chung phía nam Biển Đông - Ảnh: US NAVY
Trung Quốc đã cho thấy họ sẽ không bao giờ từ bỏ các yêu sách chủ quyền vô lý trên Biển Đông, bất chấp đã bị cộng đồng quốc tế nhiều lần bác bỏ. Giới chuyên gia nhận định kể cả khi không có đại dịch COVID-19, Bắc Kinh vẫn sẽ bắt nạt ngư dân nước khác và quấy rối các hoạt động khai thác dầu khí trong khu vực.
"Trung Quốc đang tận dụng triệt để đại dịch với niềm tin là những gì họ đang làm sẽ không vấp phải sự phản đối nào hoặc phản đối yếu ớt từ các bên ở Biển Đông", chuyên gia Collin Koh đặt vấn đề và cho rằng Bắc Kinh đã đánh giá thấp phản ứng của các nước.
Việc khảo sát và đặt tên cho các thực thể địa lý dưới biển với danh nghĩa nghiên cứu khoa học sẽ không bao giờ có thể trở thành cơ sở cho các yêu sách đối với vùng biển hoặc tài nguyên ở đó.
Jay Batongbacal (giám đốc Viện Các vấn đề hàng hải và Luật biển của Philippines nói về việc Trung Quốc tự tiện đặt tên cho hơn 80 thực thể địa lý ở Biển Đông)
Gặp phản ứng mạnh
Hôm 24-4, USS Barry - tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường của hải quân Mỹ - đã băng ngang qua eo biển hẹp nằm giữa Đài Loan và Trung Quốc đại lục để tiến về phía nam (hướng đi vào Biển Đông), đánh dấu lần thứ hai trong vòng chưa đầy 1 tháng tàu chiến Mỹ đi qua khu vực này.
Đây có thể xem là một thông điệp mà Mỹ muốn gửi đến Trung Quốc rằng kể cả khi bị đại dịch hoành hành, sức mạnh quân sự và sự hiện diện của Washington tại khu vực sẽ không thay đổi.
Nói như một nhà quan sát, trong lúc Trung Quốc liên tục xâm phạm chủ quyền của nước khác trên Biển Đông, Mỹ vừa cho Trung Quốc biết cảm giác tương tự. Bắc Kinh xem Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời nhưng qua hàng chục năm vẫn chưa thể thống nhất được hòn đảo này.
Trong lúc đó tại phía nam Biển Đông, 3 tàu chiến của Mỹ và 1 tàu khu trục Úc đã tham gia một cuộc tập trận chung tại khu vực không xa nơi tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc khảo sát bất hợp pháp ở vùng biển Malaysia.
Không rõ cuộc tập trận này có được lên kế hoạch từ trước hay không, nhưng động thái của Mỹ cùng đồng minh là câu trả lời cho việc Trung Quốc lợi dụng COVID-19 dùng tàu sân bay để "diễu võ giương oai" trên Biển Đông.
Theo chuyên gia Koh, ngay cả khi tàu sân bay Mỹ không hoạt động, Washington vẫn còn nhiều tàu chiến khác sẵn sàng tiến vào khu vực và chứng minh sự hiện diện trên Biển Đông.
Trên mặt trận ngoại giao, không chỉ đối mặt với các tuyên bố phản đối liên tiếp của Việt Nam, Trung Quốc còn hứng làn sóng chỉ trích và quan ngại mạnh mẽ từ Mỹ, Nhật Bản, Úc, Philippines.
Âm mưu quấy rối xuyên suốt
Ý đồ "đục nước béo cò" của Trung Quốc đến giờ đã thể hiện rõ trên Biển Đông. Trên mặt giấy tờ, Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố thành lập hai đơn vị hành chính để quản lý quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, đồng thời gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc vu cáo Việt Nam "chiếm đóng trái phép các đảo thuộc Trung Quốc".
Các động thái trên giấy tờ lẫn ngoài thực địa diễn ra một cách dồn dập và gói gọn trong vòng 3 tuần đầu của tháng 4, khiến nhiều người tin rằng Trung Quốc đang lợi dụng tình cảnh các nước bận đối phó với dịch bệnh để thúc đẩy yêu sách trên Biển Đông.
Nhưng theo giới quan sát, đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc thực hiện các hành vi khiêu khích và đe dọa nước khác như vậy trên Biển Đông. Ông Gregory B. Poling - giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ) - khẳng định Trung Quốc sẽ không vì đại dịch mà từ bỏ kế hoạch quấy rối dài hạn trên Biển Đông, theo Đài NPR của Mỹ.
"Các hành vi của Bắc Kinh mà chúng ta đang thấy trên Biển Đông đã từng diễn ra trước đó và chắc chắn sẽ lặp lại trong tương lai" - vị chuyên gia Mỹ nhận định.
Rõ ràng là sau khi hoàn tất việc bồi đắp trái phép các đảo nhân tạo, tức tăng cường hiện diện thường xuyên trên Biển Đông, Bắc Kinh bắt đầu lập kế hoạch dài hơi để củng cố yêu sách chủ quyền vô lý và liên tục bổ sung các "chiêu thức" mới qua từng năm.
Chẳng hạn, Trung Quốc ban đầu sử dụng tàu hải cảnh để đe dọa tàu cá nước khác thì hiện tại đã chuyển sang kết hợp tàu hải cảnh và tàu khảo sát để cản trở các hoạt động khai thác dầu khí của quốc gia khác trên Biển Đông.
Những hành động có chủ ý, có tính toán như vậy chỉ tạo ra thêm căng thẳng với các nước ASEAN và làm dấy lên sự nghi ngờ về cái gọi là sự chân thành của Trung Quốc trong việc đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận