Ngày 10-6, Hãng thông tấn RIA Novosti dẫn lời ông Andrei Kartapolov, chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Hạ viện Nga, cảnh báo các tiêm kích F-16 và sân bay quân sự bên ngoài Ukraine sẽ trở thành mục tiêu hợp pháp của Matxcơva nếu các máy bay này tham gia các nhiệm vụ chiến đấu chống lại lực lượng Nga.
Trước đó, tướng Serhii Holubtsov thuộc Bộ tư lệnh Không quân Ukraine, tiết lộ sẽ có một số chiến đấu cơ F-16 của nước này được "cất" ở nước ngoài.
"Không phải toàn bộ 40 tiêm kích F-16 do phương Tây viện trợ sẽ có mặt trên lãnh thổ Ukraine. Một số sẽ ở tại các trung tâm ở nước ngoài để huấn luyện phi công và kỹ thuật viên", ông Holubtsov nêu vấn đề.
Việc để F-16 ở nước ngoài, theo ông Holubtsov, là không có gì bất ngờ. Ngoài đảm bảo an toàn và không bị đối phương nhắm đến, những chiến đấu cơ này sẽ trở thành lực lượng dự bị và sẵn sàng thay thế các F-16 khác bị hư hỏng hoặc cần bảo dưỡng.
Để bảo vệ các căn cứ có F-16, Ukraine dự kiến triển khai ít nhất hai hệ thống phòng không Patriot và một số hệ thống pháo phòng không tự hành khác.
Đây không phải là lần đầu tiên Nga đe dọa sẽ nhắm tới các F-16 do phương Tây sản xuất và cung cấp cho Ukraine. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova từng cảnh báo các chiến đấu cơ này sẽ là mục tiêu hợp pháp của Nga bất kể chúng bay từ đâu.
Phát ngôn của ông Andrei Kartapolov đánh dấu sự leo thang đáng kể. Phần lớn máy bay F-16 của Ukraine sẽ do các thành viên NATO chuyển giao.
Mặc dù Ukraine không nói rõ các chiến đấu cơ dự bị sẽ được cất tại đâu, giới quan sát tin rằng khả năng cao là ở một trong các nước cung cấp F-16 cho Ukraine.
Việc tấn công vào các căn cứ trên lãnh thổ của một nước thành viên NATO sẽ kích hoạt điều khoản phòng vệ tập thể của khối, dẫn đến các hành động đáp trả quân sự.
Nếu viễn cảnh này xảy ra, cuộc xung đột ở Ukraine có nguy cơ lan rộng ra ngoài biên giới nước này, đặt NATO và Nga vào thế đối đầu trực tiếp. Đây chắc chắn là điều mà cả hai bên đều muốn tránh, theo giới quan sát.
Do đó, lời đe dọa của ông Kartapolov có thể chỉ nhằm nâng cao quan điểm rằng Nga sẽ phá hủy tất cả các thiết bị quân sự được phương Tây cung cấp cho Ukraine.
Ukraine tập kích ba hệ thống S-400 và S-300 của Nga ở Crimea
Trong tuyên bố ngày 10-6, Bộ tổng tham mưu Ukraine cho biết các cuộc tấn công của nước này đã làm hư hại một hệ thống phòng không S-400 và hai hệ thống S-300 của Nga ở bán đảo Crimea.
Phía Ukraine cũng tuyên bố cuộc tấn công đã vô hiệu hóa radar trên các hệ thống phòng không của Nga và kích nổ các kho đạn gần đó. "Không có tên lửa nào của chúng tôi bị hệ thống phòng không hiệu quả cao của đối phương đánh chặn", quân đội Ukraine nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận