24/06/2018 16:43 GMT+7

Lối chơi phòng ngự - phản công đang là xu thế?

SĨ HUYÊN
SĨ HUYÊN

TTO - World Cup 2018 sắp bước vào giai đoạn cuối của các trận vòng bảng, đâu là điều thú vị nhất mà các cựu và tuyển thủ quốc gia VN cảm nhận được từ góc nhìn của mình? Dưới đây là lời đáp của họ trong cuộc trò chuyện cùng Tuổi Trẻ.

Lối chơi phòng ngự - phản công đang là xu thế? - Ảnh 1.

Hàn Quốc (đỏ) chơi ngoan cường, suýt cầm chân Mexico (trắng) ở lượt đá thứ nhì vòng bảng - Ảnh: REUTERS

Điểm chung nhất giữa các danh thủ từng một thời khoác áo đội tuyển VN hay đang là trụ cột của đội tuyển cùng thừa nhận rằng lối chơi phòng ngự phản công đang lên ngôi bên cạnh nền tảng thể lực sung mãn của cầu thủ. 

Cựu tuyển thủ Lê Phước Tứ (HLV tại PVF - Quỹ đầu tư và phát triển tài năng bóng đá VN thuộc Tập đoàn Vingroup): "Điều dễ nhận thấy nhất là khoảng cách giữa các đội được thu hẹp đáng kể. Thứ hai là sức bền thể lực của cầu thủ thật đáng nể khi họ thừa sức chạy phăm phăm suốt 90 phút với cường độ lẫn khối lượng vận động cao.

Dù có giỏi kỹ thuật cá nhân đến mấy mà sức bền thể lực không như ý thì cũng không làm nên chuyện. Đó là sự khác biệt giữa Neymar, Messi so với Ronaldo. Hai ngôi sao Argentina và Brazil cho thấy họ bước vào World Cup với thể trạng không phải là tốt nhất như khi chơi cho CLB.

Lối chơi phòng ngự - phản công đang là xu thế? - Ảnh 2.

Hết sức vất vả, đương kim vô địch Đức (trắng) mới có được chiến thắng đầu tiên vòng bảng trước Thụy Điển - Ảnh: REUTERS

Điều đó có nhiều lý do: Quá tải trước ngày vào giải khi phải đá với mật độ dày đặc ở CLB; do tác động của nhiều yếu tố ngoài chuyên môn hoặc do chấn thương chưa bình phục. 

Về chiến thuật, các đội vận dụng linh hoạt hơn với lối đá phòng thủ phản công. Chẳng hạn khi mất bóng thường lùi về sâu ở sân nhà để tranh chấp, rượt đuổi gây áp lực cho đối phương, hay chia lửa cùng hàng phòng ngự. 

Khi chuyển sang tấn công, hai tiền vệ biên và tiền đạo lùi băng lên rất nhanh, hướng tấn công cũng đa dạng hơn. Đặc điểm chung của 32 đội là có xu hướng đá phòng ngự phản công nhiều, kể cả những đội được cho là mạnh khi chơi với đội được xếp dưới cơ thì cũng áp dụng chiến thuật này…".

Cựu tuyển thủ Nguyễn Văn Dũng (HLV phó Nam Định) nhận xét: "Đây là kỳ World Cup đầu tiên mà nhiều "anh cả đỏ" của bóng đá thế giới, từng đoạt cúp vàng như Brazil, Tây Ban Nha, Đức hay Argentina… đều có nguy cơ bị loại ngay từ vòng đấu bảng. Vì sao như vậy?

Có nhiều lý do, trong đó việc các đội được cho là lót đường trong từng bảng đã xây dựng lối đá hợp lý, thi đấu ngoan cường góp phần mang lại nhiều điều bất ngờ.

Hầu hết đều chọn lối chơi phòng ngự - phản công, kể cả đội bóng nổi tiếng với lối đá kỹ thuật, kiểm soát bóng cực tốt như Tây Ban Nha cũng chơi kiểu này. Với cách đá như vậy đòi hỏi trung phong cắm phải có kỹ thuật cá nhân tốt để kiểm soát bóng, nền tảng thể lực dồi dào để thoát qua hai trung vệ trong những pha phản công nhanh bằng bóng dài vượt tuyến.

Lối chơi phòng ngự - phản công đang là xu thế? - Ảnh 3.

Niềm vui của cổ động viên Nhật Bản khi đội nhà vượt qua Colombia - Ảnh: REUTERS

Phòng ngự phản công chỉ có thể mang lại hiệu quả cao khi đội bóng có nền tảng thể lực sung mãn. Có thể lực thì mới lùi về phòng ngự và triển khai tấn công nhanh với những pha bóng tốc độ, đa dạng, đặc biệt là tuyến trên.

Phòng ngự phản công không phải là lối đá tiêu cực. Bạn muốn thắng đối thủ thì việc trước tiên phải xây dựng hệ thống phòng thủ chặt chẽ để giữ sạch lưới nhà trước khi tính đến việc ghi bàn. Nó khác với lối đá đổ bêtông - phòng ngự tiêu cực theo kiểu tử thủ".

Tuyển thủ Nguyễn Văn Quyết (thủ quân CLB Hà Nội) bổ sung: "World Cup lần này không có quá nhiều kết quả cách biệt như nhiều giải đấu trước. Bên cạnh trình độ các đội nhích lại gần nhau, dấu ấn của các HLV để lại là rất lớn với chiến thuật phòng ngự phản công 5-4-1, 4-1-4-1 hay 4-2-3-1.

Cho dù vận dụng với sơ đồ chiến thuật nào đi chăng nữa thì điểm chung mà các đội nhắm đến là thiết lập hệ thống phòng ngự kín kẽ, an toàn ngay trên sân nhà trước khi chuyển sang tấn công. Đó là lý do tại sao ít có những trận đấu bùng nổ với nhiều bàn thắng, thế trận một chiều giữa một đội tấn công dồn dập và đội còn lại thì co mình chịu trận.

Những bậc thầy về đi bóng, đột phá lắt léo như Neymar, Messi hay Ronaldo cũng nhiều lần bất lực trước hàng thủ kín kẽ mà đối phương thiết lập. Hàn Quốc làm rất tốt điều này và chỉ chịu thua sát nút vào giờ chót trước Mexico và Thụy Điển, còn Nhật Bản thì tạo được kỷ lục mới cho bóng đá châu Á khi lần đầu đánh bại được một đội tuyển đến từ Nam Mỹ là Colombia.

Dù các đội bóng đặt ra chỉ tiêu như thế nào thì vấn đề đầu tiên phải giải quyết chính là nền tảng thể lực. Không xây dựng được sức bền thể lực thì kỹ thuật cá nhân không có cơ hội để trình diễn. Tôi quá thấu hiểu điều này sau tròn chục năm ăn cơm ở đội tuyển quốc gia với nhiều HLV nội - ngoại khác nhau…".

SĨ HUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp