Từ một sứ mệnh dùng đò, phà xóa cách ngăn giữa miền quê nghèo và nơi thị thành rực rỡ, cho đến khi con người ta có thể mở hẳn một con đường ngay dưới đáy sông nối trọn vẹn hai khu đô thị. Trong “lời chào” của con phà cũ sẽ có thông điệp nào mà “ký ức phà” gửi cho cư dân nơi đường hầm hiện đại?
Phóng to |
Vậy nhưng trả lời lại không dễ khi từ những người khách đi phà cao tuổi đến những người đã làm việc trên phà lâu năm nhất cũng lắc đầu.
Ông Nguyễn Công Dân - phó giám đốc phà Thủ Thiêm - cười thiệt thà: “Chịu, tụi tui chỉ biết bến phà này có rất lâu, từ thời Pháp. Còn có từ năm nào thì từ hồi về bến phà này tới giờ tui cũng không được nghe”. Bà Nguyễn Thị Thảo, một cư dân cố cựu của Thủ Thiêm, hiện ở cư xá Lữ Gia, nói một cách đầy ý nghĩa: “Có lâu à, chắc hễ có người ta thì chắc là có phà rồi” (?).
Từ đò tới phà
Đó là những ngày sau Nam bộ kháng chiến (1945), bà Thảo 12 tuổi, mỗi ngày đều qua lại trên những chuyến đò ngang từ Cây Bàng đến bến Chợ Cũ (ngay đường Hàm Nghi bây giờ - PV) để vào Sài Gòn học. “Đó là bến đò dưới, đi bằng đò chèo cho gần. Còn ai có chuyện đi về Bình Trưng, Nhơn Trạch thì đi phà máy ngay bến phà Thủ Thiêm bây giờ, chở được cỡ 30 người với thêm vài chiếc xe ba bánh mà chạy lâu muốn chết” - bà Thảo hồi tưởng.
Còn ký ức xưa hơn nữa bà Thảo được nghe kể chính là đám cưới của cha mẹ bà vào năm Đinh Tỵ (1917) mà mỗi lần ngang qua phà Thủ Thiêm mẹ bà vẫn hay chỉ vào bến phà khi đó là nơi đám rước dâu của nhà trai dừng lại để đợi đưa cô dâu qua sông.
“Thời đó má tui kể chỉ có đò chèo chứ chưa có đò máy. Bờ sông phía Thủ Thiêm dừa nước với ô rô mọc chằng chịt, chỉ chừa ra được mấy cái bến bằng phẳng đoạn sát xưởng Caric” (xưởng đóng tàu Caric đã được di dời cuối năm 2010 - PV).
Trở lại với những tài liệu từ sách Đại Nam nhất thống chí, hoàn thành vào năm 1882, trang 13 có ghi: “Ở thôn Giai Quý (Giai Quới), huyện Nghĩa An (Ngãi An - tức Thủ Đức, bao gồm Thủ Đức, quận 2, quận 9 bây giờ - PV) tục chợ gọi là Cựu Thiêm; trước chợ có sông Bình Giang (sông Sài Gòn), đối diện tỉnh Gia Định. Tàu biển, thuyền sông tấp nập, dân sở tại làm nghề chở đò ngang, đò dọc và theo dòng nước đem bán thực phẩm như cá, thịt, rau, quả”.
Nói về đoạn này, nhà văn Sơn Nam lúc sinh thời trong bài viết trên tờ tin quận 2 - số xuân 1999 đã khẳng định: “Đò dọc đò ngang hiểu là đò ngang qua sông Sài Gòn; dọc là lên phía Bình Quới, lên Thủ Dầu Một”.
Vậy là từ cuối thế kỷ 19 đã có những chuyến đò ngang, đò dọc ngay vị trí phà Thủ Thiêm hôm nay. Nhưng theo PGS TS Tôn Nữ Quỳnh Trân - giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đô thị TP.HCM - đến tận năm 1911 bến phà Thủ Thiêm mới được “danh chính ngôn thuận” khi lần đầu tiên bến được đánh dấu trong tấm bản đồ Environs de Sài Gòn, tỉ lệ 1/50.000 do chính quyền Nam kỳ vẽ.
Câu chuyện “lòng vòng” về thời gian ra đời bến phà Thủ Thiêm được nhà nghiên cứu văn hóa Hải Đường, một người có nhiều công trình nghiên cứu về Thủ Thiêm và quận 2, lý giải: “Cái mốc năm 1911 trên tấm bản đồ Sài Gòn của thực dân Pháp có thể hiểu đó là lúc đò ngang ở Thủ Thiêm đã được đưa vào quản lý một cách quy củ. Còn thực tế bến Thủ Thiêm đã có từ trước đó rất lâu, từ khi có dân cư đông đúc lúc chợ Thủ Thiêm, rồi xưởng đóng tàu Caric xuất hiện”.
Phóng to |
Bến phà Thủ Thiêm phía Sài Gòn năm 1965 - Ảnh tư liệu |
Khai mở vùng đất mới
Cụ Lê Văn Đoòng, nay đã 88 tuổi, ở lô B3 chung cư Thạnh Mỹ Lợi, dù đã rời Thủ Thiêm về khu tái định cư nhưng lâu lâu vẫn nhắc nhớ con cháu về một người Thủ Thiêm xưa có tên Cả Mười, căn dặn: “Không có ông Cả thì ông cố tụi bay đâu có mảnh đất cắm dùi ở Thủ Thiêm”. Ông Đoòng vốn quê miệt Cần Giuộc (Long An), cha mẹ ông vì nghèo khó đã bỏ xứ về Thủ Thiêm tìm kế mưu sinh từ đầu thế kỷ 20. Và ông Cả Mười chính là người đã giúp gia đình ông neo lại Thủ Thiêm.
Ông Đoòng kể ông Cả Mười vốn quê ở miệt Đa Phước (Bình Chánh) theo cha mẹ đến Thủ Thiêm khai hoang. Với vốn chữ Nho sâu rộng, lại có thêm nghề bốc thuốc gia truyền, ông Cả Mười đã được bầu làm hương cả và mở lòng đón những lưu dân từ miệt Cần Giuộc, Lái Thiêu, từ kênh Xáng Xà No tận miền Hậu Giang... về định cư rồi khai lập nên vùng An Lợi Đông với một đình làng cùng tên được xây năm 1909 (đình An Lợi Đông ở gần vị trí phao số 11, thuộc phường An Lợi Đông bây giờ - PV).
Câu chuyện của ông Đoòng kể về ông Cả Mười nay vẫn còn được nhiều dân cố cựu ở Thủ Thiêm nhắc nhớ. Và đó chỉ là một trong rất nhiều chuyện của những cư dân tứ xứ về Thủ Thiêm khai hoang, lập ấp từ đầu thế kỷ 20, từ khi bến phà Thủ Thiêm xuất hiện.
Từ lúc có bến phà, sau thế hệ của ông Cả Mười, Thủ Thiêm còn đón những dân nghèo rải rác từ khắp miền Tiền Giang, Hậu Giang, miền Đông Nam bộ và cả những cư dân miền Bắc sau năm 1954 vào lập nghiệp. Chính vì thế từ bến phà Thủ Thiêm tỏa đi có cả đền miễu thờ Phật Quan Âm, thờ ông Địa, bà Chúa Xứ của dân miệt Nam bộ đến đền thờ Quan Bơ, Đức Thánh Trần theo tín ngưỡng của người dân phía Bắc.
Những lưu dân ấy đều có điểm chung khi nơi đầu tiên họ đặt chân lên đất Thủ Thiêm chính là bến phà, và cuộc mưu sinh của họ trên đất Thủ Thiêm cũng gắn chặt với bến phà Thủ Thiêm khi đó là cửa ngõ duy nhất để giao thương.
Chỉ vào tấm bản đồ bán đảo Thủ Thiêm, PGS TS Tôn Nữ Quỳnh Trân, người chủ biên cuốn sách Thủ Thiêm quá khứ và tương lai, bảo: “Tất cả công trình dân sinh như chợ Thủ Thiêm, xưởng Caric cho tới hàng chục đình, chùa, miếu thờ của cư dân Thủ Thiêm đều quần tụ xung quanh trục chính xuất phát đường từ bến phà”. Theo bà Trân, vùng Thủ Thiêm đã được khai khẩn từ thế kỷ 18 nhưng mãi đến đầu thế kỷ 20 khi phà Thủ Thiêm xuất hiện mới trở nên đông đúc, mà dấu tích còn lại chính là những đền thờ, miếu, chùa chiền có mốc xây dựng vào thời gian này.
“Nếu không có bến phà thì Thủ Thiêm mãi mãi vẫn là vùng đầm lầy, hoang sơ chứ không thể đông đúc nhộn nhịp và có một nền văn hóa phong phú như đã thấy” - bà Trân khẳng định.
Giá vé qua phà Thủ Thiêm nay chỉ bằng 1/3 giá vé xe buýt, bằng nửa giá gửi chiếc xe máy, nhưng trăm năm nay phà Thủ Thiêm vẫn chở những gánh mưu sinh bằng cái giá rẻ bèo ấy mà chưa một ngày nề hà.
Kỳ tới: Chở gánh mưu sinh
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận