19/11/2011 09:45 GMT+7

Lời chào phà Thủ Thiêm - Kỳ 3: Trầm nổi đời phà

VIỄN SỰ - MAI LÂM
VIỄN SỰ - MAI LÂM

TT - Buổi tờ mờ sáng 13-11, ở đầu cửa hầm Thủ Thiêm phía quận 2 hơn 2.500 bạn trẻ đang náo nức, rộn ràng đợi được “xông đất” hầm Thủ Thiêm. Nhưng cũng cạnh đó vài trăm mét, phà Thủ Thiêm đang lặng lẽ chở dăm ba người khách ít ỏi qua phà.

Hình ảnh những chuyến phà trống vắng ấy không chỉ đối lập với cảnh náo nức ở cửa hầm Thủ Thiêm, mà còn đối lập với cả chính hình ảnh của những chuyến phà đông đúc cách đây chưa lâu.

Read this on Tuoitrenews.vn

WADKeQpF.jpgPhóng to

Phà “hột vịt”, do xưởng Caric đóng gần 50 năm trước, là chứng tích xưa nhất ở bến phà Thủ Thiêm - Ảnh: Viễn Sự

Kỳ 1: Kỳ 2:

Ba thế hệ phà

Bây giờ những chiếc phà Thủ Thiêm có tải trọng 60 tấn, mỗi chuyến phà chỉ mất chừng 3 phút để nối hai bờ sông Sài Gòn. Nhưng đó đã là thế hệ phà thứ 3, không kể mỗi đời phà còn bao nhiêu lần cải tiến mới có được sự tiện dụng và an toàn như vậy. Một trong những người lái phà Thủ Thiêm cao tuổi nhất còn sống là ông Năm Béc (tên thật là Ngô Văn Chơn) năm nay 88 tuổi, nhà ở phường Phước Long A (quận 9), kể: “Từ cái phà tới cầu phà bây giờ ngon lành lắm rồi, chớ hồi xưa qua phà cực lắm, lái phà cực mà khách cũng cực”.

Ông Năm Béc nói không kể những năm đầu thành lập bến phà vào đầu thế kỷ 20, bến phà Thủ Thiêm vẫn chỉ là những chiếc đò chèo, sau nữa mới có ghe máy. Tới những năm 1930, thế hệ phà máy đúng nghĩa đầu tiên mới xuất hiện, có thể chở được ôtô thay vì chỉ chở người. Thời đó còn nhỏ, ông Năm Béc không nhớ rõ chiếc phà ấy chạy bằng than đá hay bằng dầu nhưng có một chi tiết mà ông cũng như những người đi phà cao tuổi còn sống đều nhớ, đó là trên cầu dẫn xuống phà có một mâm quay. Xe hơi muốn qua phà đều phải chạy lên chiếc mâm quay này để xoay đầu rồi mới chạy xuống phà. Ông Năm Béc kể mâm quay hồi đầu quay bằng tay, “có xe hơi xuống là cực lắm, quay mâm còn lâu hơn chạy phà” - ông Năm Béc nhớ lại.

Những chuyến phà phải nhờ đến mâm quay hỗ trợ ấy tồn tại mãi đến năm 1964, khi cầu dẫn vào phà được sửa lại cùng với thế hệ phà máy hiện đại hơn do xưởng Caric ngay cạnh bến phà đóng. Đó là bốn chiếc phà hình bầu dục (mà dân đi phà vẫn quen gọi là phà “hột vịt”) bây giờ vẫn còn đưa khách. Ông Năm Béc kể: “Mấy chiếc phà “hột vịt” giờ nhiều khách đi phà chê không muốn lên, nhưng hồi đó (năm 1964) có phà “hột vịt” dân Thủ Thiêm mừng ghê lắm”. Đó là thời điểm dân chạy loạn vì chiến tranh về Thủ Thiêm cắm dùi ngày một đông, nhờ có nó mà xe hơi, xe tải, ba gác phà phà qua bên Sài Gòn, làm ăn cũng thuận tiện hơn. Ông Năm Béc cho biết khi đó những chiếc phà “hột vịt” này chở được nhiều khách hơn bây giờ vì có tới hai tầng, nhưng sau giải phóng thấy phà quá cao không an toàn khi chạy trong những ngày mưa gió nên cắt bớt chỉ còn một tầng.

Phà “hột vịt” của xưởng Caric được coi là đã mở ra một chương mới trong công việc vận chuyển khách của phà Thủ Thiêm. Nhưng lái phà Nguyễn Thanh Hùng, người đã gắn bó với phà Thủ Thiêm từ năm 1975 đến nay, nói: “Đó là so với gần 50 năm trước, chứ mấy chiếc phà “hột vịt” đó cũng từng làm nhiều anh em khốn đốn, thậm chí mang thương tật khi vận hành”. Thời đó mâm phà (phần phía trước để cập bến) được điều khiển bằng tay quay chứ chưa điều khiển tự động. Gặp nhiều hôm trời mưa, tay quay trơn bị tuột, mâm phà tự hạ xuống kéo tay quay quay tự do đã làm nhiều anh em bị thương, thậm chí gãy xương đòn, gãy tay. “Cho tới khi có phà 60 tấn năm 1998, rồi phà “hột vịt” được cải tiến: cắt mui, làm tay quay tự động, anh em làm trên phà mới thật sự an tâm” - ông Hùng kể.

Thời gian khó...

Ông Trần Quang Đăng, một thợ máy đã có 32 năm bảo dưỡng cho những chuyến phà Thủ Thiêm, quệt mồ hôi trán sau ca trực dài hai tiếng, cười tươi nói: “Giờ máy tốt, phụ tùng cũng sẵn, chứ hồi đó chạy giữa chừng, phà chết máy trôi tuốt xuống Ba Son là chuyện cơm bữa”. Chuyện trôi phà ông Đăng nói hầu như những người từng đi phà Thủ Thiêm những năm bao cấp đều vài phen ú tim. Mỗi lần vậy lại phải nhờ Hãng Caric điều phà hoặc tàu ra lai dắt về, may mà trong suốt những năm tháng ấy chưa có chuyến phà trôi nào va chạm với tàu bè qua lại trên sông Sài Gòn.

“Phà chết máy giữa sông thành chuyện thường nên phà chết máy trên bến còn thường hơn. Mỗi lần khách đi phà là được dịp xếp hàng mòn mỏi” - ông Đăng kể tiếp. Lý do là phụ tùng thiếu, thỉnh thoảng phà bị hư dây cuaroa, bạc đạn. Mỗi lần vậy phải báo cáo phòng cung tiêu đặt mua, phà nằm treo bến đến hàng tuần. Cái thời khó khăn ấy không những làm cho phà Thủ Thiêm vận chuyển ì ạch mà còn xảy ra nhiều chuyện vừa buồn vừa cười. Dầu máy khan hiếm nhưng có những lần anh em phải cho tàu nổ máy suốt đêm suốt ngày dù tàu không đưa khách. Lý do là ăcquy bị hỏng, không kịp thay thế và phải cho tàu nổ máy, nếu không thì đến ca chạy không thể nào nổ máy được.

Những ký ức về một thời khốn khó ấy chưa phải là điều khó khăn nhất mà anh em trên phà từng trải qua. Lái phà Nguyễn Thanh Hùng kể thời sau giải phóng Thủ Thiêm là đất dữ, giang hồ tứ xứ tụ về, trộm cướp, mại dâm, ma túy không thiếu thứ gì và đò ngang giành khách tung hoành. Chuyện các nhân viên nữ soát vé cho tới thủy thủ, thợ máy bị khách đi phà đánh xảy ra như cơm bữa. Nhưng vì sự an toàn, anh em cứ nín nhịn, có người chịu không xiết phải bỏ nghề. Còn lái phà như ông Hùng, mỗi lần lên buồng lái là đầu óc như căng lên vì đò ngang gắn máy đuôi tôm gần cả trăm chiếc lúc nào cũng giành khách chạy loạn xạ trước mũi phà, không ai quản nổi. Ông Hùng kể nhiều lần lái phà đã cho phà rời bến cả chục mét nhưng bị mấy tay anh chị vẫy lại, kêu vô rước. “Vậy mà mình cũng phải vô, chứ không là coi như bỏ phà mà đi luôn” - ông Hùng nhớ lại.

Không ít người ra đi nhưng nhiều người vẫn ở lại, bám trụ đưa khách qua sông. Ông Đoàn Đức Hải, có hơn 20 năm làm thủy thủ trên phà Thủ Thiêm, nói: “Mỗi lần phà gặp sự cố hay chậm chuyến thấy bà con xếp hàng dài đứng đợi là lòng ai cũng như lửa đốt. Khách đi phà nhiều người quen mặt, không biết tên mà bước xuống phà chỉ cười với nhau một cái cũng thấy gắn bó, không rời xa phà được”.

Bởi thế, nói như ông Nguyễn Công Dân - phó giám đốc phà Thủ Thiêm: “Những ngày này 44 nhân viên phà Thủ Thiêm ai cũng ưu tư”. Ưu tư không chỉ vì chưa biết mai mốt bến phà đóng cửa mình sẽ làm gì, mà còn cả vì những ký ức trầm nổi với bến phà.

Từ năm 1975 đến nay, phà Thủ Thiêm chỉ có hai lần phải ngừng chạy, đều do những nguyên nhân khách quan. Lần gần nhất là vào tháng 6-2006, sau khi bị tàu Longfu đâm vào cầu dẫn phía quận 1, phà Thủ Thiêm phải ngưng chạy 11 ngày để sửa chữa.

Còn lần trước đó phà Thủ Thiêm ngưng chạy chính là vào tháng 4-1975, từ ngày 27 đến 30-4-1975. Ngay sau khi đài phát thanh thông báo tuyên bố đầu hàng của chính quyền Sài Gòn vài phút thì phà Thủ Thiêm đã thông chuyến trở lại, chở những người dân từ phía Thủ Thiêm vào trung tâm Sài Gòn mừng thống nhất.

__________________

Một bà già Thủ Thiêm vì quá yêu con phà đã bỏ mấy chục triệu đồng mua chiếc máy ảnh thật xịn chỉ để chụp lại hình ảnh phà Thủ Thiêm trước ngày chia xa...

Kỳ tới: Cất một nỗi nhớ

VIỄN SỰ - MAI LÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp