David Bowie còn thừa nhận si mê bà, và điều đó chẳng đáng ngạc nhiên bởi mọi người đàn ông đều từng si mê bà và vẫn sẽ si mê bà.
Françoise Hardy - Cô danh ca người Pháp giọng trầm khàn
Có lẽ Bowie đúng, bởi ngay cả một nhà thơ xứ xa xôi như Lưu Quang Vũ cũng viết:
"Cái máy hát ở góc phòng khẽ hát/ Phơ-răng-xoa Hác-đy/ Cô danh ca người Pháp giọng trầm khàn" trong một bài thơ về quán cà phê tuổi trẻ.
Những người đàn ông mà mọi phụ nữ đều "xin chết" thì cũng "xin chết" vì Françoise Hardy.
Tuổi đôi mươi, giọng hát Hardy mê hoặc cả thế giới. Tuổi 80, bà vừa qua đời vì ung thư vòm họng.
Bà chinh phục thế giới theo cách tưởng như không thể dễ dàng hơn: bằng vẻ đẹp lúc nào cũng như vừa mới bước ra khỏi giường còn chưa kịp chải tóc đàng hoàng, bằng cách hát tự nhiên như không cần nỗ lực, bằng những câu hát giản dị đến mức một nửa là những chữ "ye ye": "Ye ye ye ye ye, chàng là tất cả với tôi" (ca khúc Il est tout pour moi), "Ye ye ye ye, một đêm nọ em thấy buồn vì nghĩ về chàng nhiều quá" (ca khúc La fille avec toi).
Françoise Hardy - Il Est Tout Pour Moi
Và bà đã khơi dậy làn sóng "ye ye" ấy trước cả khi The Beatles khiến cả thế giới hát theo mình câu "Nàng yêu bạn, ye ye ye" (She loves you).
Từ một từ ngữ thường được hát đế vào khi người ta trót quên lời, hay khi chưa kịp nghĩ ra lời nào phù hợp, từ Hardy, "ye ye" đã trở thành một phong cách sống, một "zeitgeist" (hệ tư tưởng thời đại) của nam thanh nữ tú thập niên 1960.
Không lâu sau khi Hardy qua đời, nước Pháp hay đúng hơn là ký ức thập niên 1960 của nước Pháp lại khuyết thiếu thêm một mảnh khác, khi huyền thoại điện ảnh Anouk Aimée qua đời.
Nếu như Hardy được mọi chàng nhạc sĩ tài hoa say mê, thì Aimée cũng là nàng thơ của bao đạo diễn hàng đầu.
Anouk Aimée chẳng có lúc nào không đẹp
"Người xinh đẹp nhất Tả Ngạn (sông Seine)" đã xuất hiện trong những kiệt tác của Fellini, đã đóng phim của Vittorio De Sica, Jacques Demy, Bernardo Bertolucci, Sidney Lumet, Robert Altman...
Người ta nói "giai nhân tự cổ như danh tướng, không để nhân gian thấy mình bạc tóc". Nhưng Aimée ở tuổi gần 90 vẫn còn đóng phim, vì chẳng có lúc nào mà bà không đẹp.
Mặc dù cái đẹp ấy đã rất khác với thời kỳ khi bà đóng Un homme et une femme (Một người chồng và một người vợ) của đạo diễn Claude Lelouch, bộ phim từng giành Cành cọ vàng năm 1966 và giúp Aimée đoạt giải Nữ chính xuất sắc ở lễ trao giải Quả cầu vàng.
Trong phim, có rất nhiều cảnh Aimée ngồi trong ô tô, bên ngoài trời mưa tầm tã, và máy quay đặt bên ngoài cửa kính, gương mặt Aimée khi tỏ khi mờ vì nước mưa giội xuống, và những bản tình ca Pháp của Francis Lai cứ thế vang lên.
Giờ đây, những cảnh phim ấy không chỉ là một thước phim nữa, mà như một ẩn dụ về sự hình thành và vận hành của ký ức.
Vẻ đẹp của Aimée và âm nhạc của Francis Lai, tất cả đại diện cho thời kỳ hoàng kim của giai nhân Pháp và âm nhạc Pháp.
Trong một truyện ngắn của Murakami, ông viết điều khiến ông thường bối rối nhất về tuổi già, đó là thấy những cô gái xinh đẹp, sáng tươi ngày nào cùng thế hệ mình đều đã già đi, và điều đó "buộc tôi phải thừa nhận, một lần nữa, rằng giấc mơ tuổi trẻ của tôi đã xa khơi mãi mãi".
Không còn Hardy, ai sẽ hát cho chúng ta về "bao nhiêu uyên ương trong cơn yêu đương, đôi chân miên man hân hoan, lang thang giữa phố phường" (lời ca khúc Tous Les Garcons Et Les Filles được nhạc sĩ Phạm Duy dịch sang lời Việt).
Không còn Anouk Aimée, cũng sẽ không có ai hỏi ta rằng: Giữa một ngôi nhà đang cháy, ta sẽ cứu bức tranh của Rembrandt hay cứu một con mèo? Và rồi nàng bảo, nàng sẽ cứu con mèo.
Giấc mơ tuổi trẻ thì thời nào cũng có. Nhưng cùng với Hardy và Aimée, giấc mơ tuổi trẻ của một thời đã xa khơi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận