Loét da chi dưới
70% các trường hợp loét chi dưới là do suy tĩnh mạch. Nhờ hệ thống van một chiều mà bình thường máu tĩnh mạch đi từ dưới lên trên, từ hệ tĩnh mạch nông vào hệ tĩnh mạch sâu. Suy tĩnh mạch (STM ) là do hở van trong hệ tĩnh mạch sâu (áp lực cao), hoặc hệ tĩnh mạch nông (áp lực thấp), hoặc cả hai. Nếu không được điều trị sẽ gây nên một tập hợp các triệu chứng tiến triển nặng dần bao gồm đau, phù, tổn thương da và loét.
Nguyên nhân của loét không liền sẹo ở mặt trong của mắt cá chủ yếu là do ứ trệ tĩnh mạch bên dưới. Những thay đổi da và loét ở mắt cá ngoài thường liên quan đến chấn thương trước đó hoặc là suy động mạch hơn là do suy tĩnh mạch đơn thuần.
Loét do tì đè
Loét do tì đè là loét, hoại tử da, tổ chức dưới da hoặc cơ ở vùng tì đè giữa xương và mặt phẳng cứng như giường, ghế...
Loét do tì đè biểu hiện qua bốn giai đoạn: 1. Đỏ da; 2. Loét trợt nông, phỏng rộp; 3. Loét sâu lớp da và mỡ dưới da; 4. Loét sâu, hoại tử hoặc loét cơ, xương.
Các nguyên nhân chủ yếu và những yếu tố thuận lợi dẫn tới loét da là do:
- Chậm thay đổi tư thế bệnh nhân, những trường hợp bệnh nhân kém vận động, chịu áp lực tì đè trong 3 giờ sẽ gây thiếu máu tại chỗ, có thể dẫn tới hoại tử da và tổ chức dưới da.
- Suy dinh dưỡng (lớp cơ và mỡ giữa xương và mặt phẳng tì đè mỏng), thiếu máu, nhiễm trùng.
- Bệnh nhân giảm hoặc mất cảm giác đau do tổn thương thần kinh như bệnh nhân bị liệt do tai biến mạch máu não, chấn thương cột sống, biến chứng thần kinh ở bệnh nhân tiểu đường.
- Kì cọ, chà xát da nhiều, co kéo da do quần áo, các nếp gấp của quần áo hoặc chăn đắp...
- Da bị ẩm ướt liên tục, đặc biệt là trường hợp đại tiểu tiện không tự chủ.
Đề phòng loét da
Cách tốt nhất là tránh tì đè liên tục lên vùng da nhạy cảm. Những bệnh nhân bị liệt hoặc ốm nặng phải nằm lâu trên giường cần được thay đổi tư thế liên tục 2 giờ/1 lần. Nên cho bệnh nhân nằm các loại đệm như đệm hơi, đệm nước, đệm thay đổi được áp lực từng phần.
Đối với những bệnh nhân phải ngồi xe lăn, cần được nhấc người khỏi mặt ghế, xe thường xuyên (khoảng 10-15 phút 1 lần) kể cả đang dùng gối giảm áp lực.
Người chăm sóc bệnh nhân cần kiểm tra các vùng da của bệnh nhân mỗi ngày. Chú ý để các vùng da kín tiếp xúc được với không khí, phát hiện sớm các vùng da đỏ. Giữ da bệnh nhân sạch, khô ráo. Thay quần áo thường xuyên. Trời nắng nên lau mồ hôi và giữ cho da được khô. Các bệnh nhân đại tiểu tiện không tự chủ cần được làm vệ sinh liên tục, lau khô và xoa bột talc.
Không nên lạm dụng các thuốc ngủ làm bệnh nhân giảm vận động. Chú ý tăng cường vận động chủ động và thụ động cho bệnh nhân. Có thể cho bệnh nhân ngâm tắm trong bồn hoặc bể nước ấm, mát xa nhẹ, tránh kì cọ, chà xát mạnh gây tổn thương da.
Những bệnh nhân bị suy tĩnh mạch cần được điều trị kịp thời (phẫu thuật, thuốc uống, băng ép...).
Chọn giày dép vừa chân, thường xuyên kiểm tra bàn chân để phát hiện sớm các vết chai, các vùng bị tì đè để thay giày dép phù hợp.
Dinh dưỡng hợp lý là một biện pháp phòng tránh loét vô cùng quan trọng. Bệnh nhân cần ăn đủ năng lượng, giàu protein, vitamin (vitamin E 400UI/ngày, vitamin C 1g/ngày, acid folic...) và khoáng chất.
Điều trị vết loét
- Cần làm sạch vết loét thường xuyên, giữ cho khô ráo, có thể bôi một số dung dịch sát khuẩn như betadin, xanh methylen, castelanie... và tránh tối đa tì đè vào vùng có vết loét.
- Có thể sử dụng một số mỡ kháng sinh như neosporin, bacitracin... bôi vào vết loét để diệt vi khuẩn và giúp loét mau liền sẹo.
- Những vết loét sâu, hoại tử cần được cắt lọc sạch đến tổ chức lành để kích thích mô hạt phát triển.
- Với các bệnh nhân bị loét do tĩnh mạch, hiếm khi cần dùng kháng sinh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận