27/03/2014 21:38 GMT+7

Loay hoay tìm hướng đi cho nghệ thuật múa rối

VŨ VIẾT TUÂN
VŨ VIẾT TUÂN

TTO - Chiều 27-3, tại Nhà hát múa rối Việt Nam (361 Trường Chinh, quận Đống Đa, Hà Nội), Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam phối hợp với Nhà hát múa rối Việt Nam, Nhà hát múa rối Thăng Long tổ chức Hội thảo khoa học: “Xây dựng tiết mục múa rối có giá trị tư tưởng và chất lượng nghệ thuật cao trong giai đoạn mới”.

Đây là sự kiện chào mừng ngày Sân khấu thế giới 27-3-2014.

fQn14rfN.jpg
Một tiết mục múa rối cạn của các nghệ sĩ Nhà hát múa rối Việt Nam tại hội thảo - Ảnh: V.V.Tuân

Cuộc hội thảo có sự tham dự của nhiều nghệ sĩ, những người nghiên cứu sân khấu múa rối.

Mở đầu cuộc hội thảo, bà Ngô Thanh Thủy - Giám đốc nhà hát múa rối Việt Nam đã nêu những thực trạng khó khăn của sân khấu múa rối Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Trong đó có những khó khăn cơ bản là công tác đào tạo nghệ sĩ trẻ tham gia bộ môn nghệ thuật này chưa có trường lớp chuyên nghiệp. Vì hiện nay ở nước ta chưa có bất cứ trường đại học hay cao đẳng nào đào tạo bộ môn múa rối. Khó khăn nữa là chế độ đãi ngộ, nhuận bút cho nghệ sĩ múa rối còn nhiều bất cập. “Hiện nay, chúng ta đang thiếu một viện, hoặc một trung tâm nghiên cứu đào tạo chuyên ngành múa rối” - bà Thủy nói.

Để khắc phục tình trạng này, bà Thủy đưa ra giải pháp là nên thành lập một trung tâm hoặc một viện nghiên cứu đào tạo múa rối chuyên nghiệp, hoặc đưa bộ môn nghệ thuật này thành những môn đào tạo trong các khoa của các trường sân khấu nghệ thuật.

NSUT Nguyễn Hoàng Tuấn - GĐ nhà hát múa rối Thăng Long chỉ ra thực trạng: “Bao nhiêu năm qua, từ kho tàng di sản quý báu rối nước cổ truyền của tổ tiên để lại, các đoàn rối đã chắt lọc, dàn dựng mười mấy trò cổ để phục vụ khán giả trong nước và quốc tế, nhưng hầu như đều giống nhau về nội dung và hình thức biểu diễn”.

Họa sĩ Ngô Quỳnh Dao, người có nhiều năm học tập, nghiên cứu nghệ thuật múa rối ở nước ngoài thì lo ngại rằng: “Những buổi biểu diễn múa rối phục vụ du khách nước ngoài hiện nay được làm rất cẩu thả cả về chủ đề và cách tạo hình. Đây là sản phẩm của thương mại, kinh tế chứ không phải là những tác phẩm nghệ thuật múa rối. Những buổi biểu diễn như thế sẽ dần làm mất đi nét đẹp trong nghệ thuật múa rối nước ta”.

Giáo sư Hoàng Chương - Giám đốc trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc nêu giải pháp muốn cứu ngành múa rối thì trước tiên phải thay đổi nhận thức về bộ môn nghệ thuật này: “Chúng ta hãy coi múa rối là một bộ môn nghệ thuật đặc sắc sánh với các bộ môn nghệ thuật sân khấu truyền thống khác như chèo, tuồng, cải lương, quan họ…Từ đó thay đổi cách suy nghĩ để môn nghệ thuật này cần được bảo tồn và phát huy một cách nghiêm túc”.

Tuy đã chỉ ra được thực trạng của ngành múa rối, nhưng trong tổng số 17 tham luận được gửi đến hội thảo, vẫn chưa có một giải pháp thiết thực, cụ thể nào để tìm ra hướng đi cho môn nghệ thuật múa rối trong tình hình hiện nay.

VŨ VIẾT TUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp