Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý chỉ đạo của Thủ tướng, yêu cầu bộ trưởng Bộ Công Thương chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung để báo cáo Thường trực Chính phủ về việc xây dựng nghị định của Chính phủ quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (cơ chế DPPA).
Bên bán bên mua đều muốn tham gia mua bán điện
Trước đó, Bộ Công Thương đã có tờ trình và báo cáo về nội dung này, nhấn mạnh việc xây dựng cơ chế DPPA được thực hiện trong thời gian qua khi có nhiều nhà đầu tư, tổ chức và khách hàng sử dụng điện bày tỏ quan tâm, mong muốn sớm ban hành cơ chế này.
Trong đó, nhiều tập đoàn lớn như Samsung, Apple, Heineken, Google, Nike… đã gửi thư tới Chính phủ, Bộ Công Thương thể hiện sự ủng hộ với cơ chế DPPA.
Theo thống kê, tổng sản lượng điện tiêu thụ bình quân tháng của các doanh nghiệp này đều lớn hơn 1 triệu kWh/tháng; một số cơ sở sản xuất của Heineken ở Quảng Nam và Hà Nội có sản lượng điện tiêu thụ 500.000 - 800.000 kWh/tháng. Các cơ sở này đều đấu nối ở cấp điện áp 22kV trở lên.
Qua khảo sát nhu cầu và mức độ quan tâm của các đơn vị với cơ chế DPPA, cho thấy trong số 106 dự án năng lượng tái tạo có công suất từ 30 MW trở lên, có 24 dự án muốn tham gia (công suất 1.773 MW), 17 dự án cân nhắc về điều kiện tham gia (công suất 2.836 MW) và 26 dự án không có nhu cầu tham gia.
Với bên mua điện là những khách hàng sử dụng điện phục vụ sản xuất từ cấp điện áp 22kV trở lên, khảo sát tới 41 khách hàng thì có 20 đơn vị đã trả lời mong muốn tham gia với tổng nhu cầu là 996 MW.
Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương kiến nghị xây dựng nghị định của Chính phủ về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện là các dự án năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn thông qua lưới điện quốc gia.
Nghị định này sẽ áp dụng cho các đơn vị phát điện là các dự án năng lượng tái tạo, có công suất từ 10 MW trở lên; các khách hàng sử dụng điện lớn sử dụng cấp điện áp từ 22kV trở lên.
Sẽ giao dịch trên thị trường điện cạnh tranh?
Các bên sẽ giao dịch điện theo nguyên tắc đơn vị phát điện kết nối với lưới điện quốc gia và bán điện lên thị trường điện giao ngay trong thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Khách hàng mua điện từ đơn vị bán lẻ điện cho toàn bộ sản lượng điện và sử dụng theo giá bán điện.
Các khách hàng sẽ ký kết hợp đồng kỳ hạn với đơn vị phát điện. Hai bên sẽ cam kết thanh toán khoản chênh lệch giữa giá thị trường điện giao ngay và giá cam kết tại hợp đồng cho một mức sản lượng điện cụ thể từng chu kỳ giao dịch.
Việc mua bán điện và thanh toán giữa khách hàng và đơn vị bán điện sẽ áp dụng theo các quy định tại quyết định 24 về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân; quyết định 28 về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện; Luật Giá và các văn bản hướng dẫn…
Do đó, để triển khai mô hình này, Bộ Công Thương cho rằng cần phải hoàn thiện, bổ sung các quy định pháp lý liên quan tới giá phân phối điện, giá điều độ vận hành hệ thống điện, giá điều hành giao dịch thị trường; giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện và chi phí thanh toán, các hợp đồng mua bán điện mẫu…
Bộ Công Thương dự kiến tháng 5-2024 sẽ trình dự thảo nghị định, trên cơ sở đó lấy ý kiến và thời gian ban hành nghị định vào tháng 7-2024.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận