14/11/2019 11:38 GMT+7

Loạn thu quỹ ngoài ngân sách: Nên dẹp bỏ hết các quỹ

BẢO NGỌC thực hiện
BẢO NGỌC thực hiện

TTO - Thống kê chưa đầy đủ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có khoảng 40 loại quỹ tài chính ngoài ngân sách do các cơ quan trung ương quản lý, chưa kể trung bình mỗi địa phương còn có từ 10 - 15 loại quỹ.

Loạn thu quỹ ngoài ngân sách: Nên dẹp bỏ hết các quỹ - Ảnh 1.

Hiện nay các chủ xe bức xúc vì mỗi năm phải chịu “phí chồng phí” để xe lăn bánh - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tình trạng loạn quỹ, loạn các khoản thu ngoài ngân sách đang tạo gánh nặng chi phí với người dân, doanh nghiệp.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS PHẠM THẾ ANH - Đại học Kinh tế quốc dân - cho rằng phải sớm chấn chỉnh tình trạng loạn thu quỹ ngoài ngân sách, dẹp bỏ những quỹ không cần thiết, đưa tất cả các khoản thu vào ngân sách để quản lý.

Nên dẹp bỏ hết các quỹ

* Theo ông, cần làm gì để chấn chỉnh tình trạng loạn thu các quỹ ngoài ngân sách hiện nay?

- Hiện đang có quá nhiều quỹ tài chính ngoài ngân sách (QTCNNS) do các bộ, ngành, địa phương ban hành để thu tiền từ người dân, doanh nghiệp. Đang có tình trạng loạn thu quỹ, có những QTCNNS được ban hành từ lâu, thu nhiều năm rồi nhưng đến nay không còn phát huy hiệu quả.

Cách làm tốt nhất là rà soát, xóa bỏ các quỹ không cần thiết. Nếu được nên dẹp hết các quỹ để tính chung vào thu ngân sách, bản chất thu quỹ cũng như thu thuế, phí. Chẳng hạn, quỹ bảo trì đường bộ phải tính lại dưới dạng thuế, phí xăng dầu. Ngay cả quỹ bảo hiểm xã hội, nhiều nước họ cũng tính luôn vào thu ngân sách nhà nước.

Ở ta hiện nay, ngoài Chính phủ thì các bộ, ngành, địa phương cũng có quyền thành lập quỹ nên nảy sinh nhiều bất cập. Đang có sự chồng lấn, bất cập giữa thu QTCNNS và thu thuế, phí khi đã có thuế bảo vệ môi trường nhưng vẫn đẻ thêm quỹ bảo vệ môi trường.

Chỉ khi tất cả các nguồn thu được tính đủ dưới dạng thuế, phí nộp ngân sách thì mới nhìn hết bản chất vấn đề, đã thu thuế của dân, doanh nghiệp thì nên dùng tiền thuế để xử lý các vấn đề xã hội chứ không nên hình thành thêm các loại quỹ ngoài ngân sách để tăng thu, tăng gánh nặng.

Chẳng hạn đã đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá thì không nên thu thêm quỹ phòng chống tác hại thuốc lá nữa, đánh thuế tiêu thụ đặc biệt thì phải tính đến chi phí phòng chống tác hại của thuốc lá rồi.

Tương tự, đã đánh thuế môi trường với xăng dầu cần tính luôn cả chi phí bảo trì đường bộ chứ không nên thu thêm quỹ bảo trì đường bộ nữa.

Loạn thu quỹ ngoài ngân sách: Nên dẹp bỏ hết các quỹ - Ảnh 2.

PGS.TS PHẠM THẾ ANH

* Ông có lo ngại tình trạng lạm thu các quỹ ngoài ngân sách và việc thu quỹ chồng lên thuế, phí tạo gánh nặng chi phí với người dân, doanh nghiệp?

- Rất nhiều loại quỹ, thuế, phí đang chồng lên nhau và gánh nặng cuối cùng đè lên người dân, doanh nghiệp với hàng loạt khoản tăng thu. Điều đáng lo ngại hơn là người dân, doanh nghiệp, những người đóng quỹ hằng năm lại không hề biết nguồn thu quỹ đó sử dụng thế nào, chi tiêu ra sao vì hầu hết các cơ quan quản lý quỹ không công khai, minh bạch thu chi.

Về nguyên tắc việc thu và sử dụng các QTCNNS phải công khai để người dân, doanh nghiệp giám sát được.

Đưa tất cả các khoản thu vào ngân sách

* Việc ban hành một luật quản lý các QTCNNS liệu có giải quyết được tình trạng loạn quỹ và đưa các QTCNNS hoạt động hiệu quả hơn?

- Giải pháp lâu dài là dẹp bỏ các QTCNNS không cần thiết, hạn chế việc lập quỹ ngoài ngân sách. Cần sớm hoàn thiện khung khổ pháp lý để tính đủ các khoản thu phát sinh vào ngân sách và thực hiện theo Luật ngân sách nhà nước.

Thay vì đẻ ra các quỹ thì nên tính toán để thu ngân sách dưới dạng thuế, phí, phải đưa tất cả các khoản thu vào ngân sách mới giám sát, quản lý được. Như vậy người dân cũng dễ dàng biết được họ đã đóng thuế, phí bao nhiêu cho Nhà nước.

* Có ý kiến cho rằng vẫn cần duy trì các quỹ để bảo đảm một số lĩnh vực an sinh xã hội. Quan điểm của ông thế nào?

- Các vấn đề an sinh xã hội hoàn toàn có thể giải quyết tốt thông qua việc cân đối, phân bổ ngân sách hằng năm cho các địa phương. Tại Việt Nam, việc đóng bảo hiểm được tách khỏi thu ngân sách, nhưng hầu hết các nước trên thế giới đều tính chung vào thu ngân sách.

Ví dụ các nước OECD có tổng thu ngân sách lên tới 30-32% GDP nhưng khoản thu này bao gồm cả bảo hiểm xã hội luôn. Chúng ta cứ nói thu ngân sách thấp hơn họ nhưng nếu cộng cả nguồn thu bảo hiểm xã hội vào thu ngân sách thì ngang nhau.

Việc đẻ ra càng nhiều QTCNNS thì nguy cơ lạm thu, lạm chi càng cao vì cơ chế quản lý các quỹ hiện nay mập mờ, không rõ ràng và thiếu giám sát. Lý do các bộ, ngành, địa phương thích lập QTCNNS vì chi tiền quỹ dễ dàng hơn chi ngân sách.

Trong khi xét cho cùng thì các loại quỹ cũng có thể coi là một loại thuế, phí người dân, doanh nghiệp phải nộp.

Loạn thu quỹ ngoài ngân sách: Nên dẹp bỏ hết các quỹ - Ảnh 3.

Nguồn: Ủy ban Thường vụ Quốc hội - Đồ họa: TUẤN ANH

TS Vũ Đình Ánh (Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả):

Có quá nhiều quỹ

Nhược điểm của QTCNNS hiện nay là có quá nhiều quỹ, dường như khi ban hành một văn bản nào đó cần có tiền, cần nguồn thu thì họ đều hình thành ra một QTCNNS. Việc thành lập quỹ theo quy trình này dễ dẫn tới chồng chéo về nhiệm vụ thu, chi, tạo gánh nặng lên người, tổ chức phải nộp quỹ, làm phân tán ngân sách nhà nước.

Điều đáng nói nữa là QTCNNS không vận hành theo luật nào cả, các quỹ này do bộ, ngành được phép thành lập quỹ tự xây dựng nên các quy định để quản lý quỹ, rất dễ tạo cơ chế quản lý quỹ lỏng lẻo. Vì thế các quỹ nhiều khi không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, thậm chí có tình trạng thất thoát lãng phí trong thu, chi quỹ.

Sự tồn tại của một số QTCNNS là cần thiết nhưng cần chấn chỉnh những hạn chế, bất cập của quỹ hiện tại chứ không phải đi dẹp bỏ tất cả các quỹ ngoài ngân sách.

Số lượng quỹ phải được rà soát, sắp xếp, thu gọn lại trên cơ sở nền tảng luật, cần ban hành các tiêu chí cụ thể khi nào được thành lập QTCNNS, và quỹ tồn tại mãi mãi hay chỉ thực hiện trong một thời gian ngắn.

PGS.TS Trần Đình Thiên (thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng):

Thêm một quỹ là đẻ thêm một bộ máy quản lý

Vấn đề của các QTCNNS không chỉ là quản lý tiền quỹ mà phải chấn chỉnh cả bộ máy, cơ chế quản lý quỹ. Phải xem lại chức năng của các quỹ có đáng làm không.

Tất nhiên, quỹ nào lập ra cũng có chức năng, nhiệm vụ cụ thể nhưng cần cân nhắc có đáng lập quỹ để thu tiền từ người dân, doanh nghiệp không. Lập ra một quỹ là đẻ thêm một bộ máy quản lý quỹ, nếu không cẩn thận sẽ đẻ ra một hệ thống kém hiệu quả, hư hỏng.

Nhiều quỹ khi thành lập có chức năng nhiệm vụ cần thiết nhưng sau một thời gian hoạt động thì chức năng, nhiệm vụ của quỹ lại không cần thiết, hoặc không tương xứng với chi phí bỏ ra vận hành quỹ, không mang lại lợi ích cho xã hội nữa thì nên bỏ đi.

PGS.TS Vũ Sỹ Cường (giảng viên Học viện Tài chính):

Cần quy chế quản lý quỹ rõ ràng

Nhiều quốc gia cũng tồn tại QTCNNS, có nhiều quỹ thuộc dạng bí mật, không công khai, vấn đề là các quỹ này phải hạch toán đầy đủ, phải báo cáo Quốc hội định kỳ và các cơ quan liên quan.

Hơn nữa phải có quy chế quản lý các quỹ rõ ràng, phải có hệ thống giám sát thu chi quỹ, cuối cùng Quốc hội phải nắm được sự tồn tại của các QTCNNS nhà nước, kể cả các quỹ bí mật.

Cần xem lại chức năng, nhiệm vụ của một số loại QTCNNS hiện nay để tránh trùng lắp, lạm thu. Nguyên tắc chung là hạn chế thành lập các QTCNNS, trừ các trường hợp đặc biệt phải lập quỹ. Hạn chế được là tốt, càng để tồn tại nhiều QTCNNS càng không tốt.

B.N. ghi

Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu yêu cầu làm rõ nạn lạm thu Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu yêu cầu làm rõ nạn lạm thu

TTO - Trước phản ảnh của phụ huynh và báo chí về nạn lạm thu đầu năm học, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu yêu cầu kiểm tra, làm rõ và báo cáo về tỉnh trước ngày 25-9.


BẢO NGỌC thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp