24/11/2022 11:30 GMT+7

Loạn thị trường thuốc lá điện tử lậu

MINH LUÂN - TIẾN THÀNH - D.KHOA
MINH LUÂN - TIẾN THÀNH - D.KHOA

Thuốc lá điện tử lậu hiện không chỉ được rao bán tràn lan trên mạng, mà ngày càng xuất hiện nhiều cửa hàng bày bán công khai.

Loạn thị trường thuốc lá điện tử lậu - Ảnh 1.

Bảng hiệu công khai của một cửa hàng thuốc lá điện tử tại Bình Thạnh - Ảnh: D.K.

Theo các chuyên gia, đến nay việc cấp phép kinh doanh hoặc kiểm soát nhóm sản phẩm thuốc lá thế hệ mới vẫn chưa có kết luận chính thức. Được biết, từ năm 2020, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ phương án quản lý đối với thuốc lá thế hệ mới và đề xuất thí điểm quản lý kinh doanh đối với thuốc lá làm nóng.

Dùng bảng hiệu để chào mời

Theo lời chia sẻ của nhóm học sinh một trường cấp 3 thuộc quận Phú Nhuận (TP.HCM), chúng tôi tìm đến một cửa hàng trên đường Nguyễn Trọng Tuyển. Không phải vất vả tìm kiếm, đập ngay vào mắt chúng tôi là bảng hiệu khá lớn bày bán đủ loại thuốc lá điện tử, phụ kiện và tinh dầu đi kèm. 

Người quản lý mang ra gần chục mẫu mã, giá từ vài trăm tới vài triệu: "Thuốc lá điện tử chủ yếu có 2 loại, hệ đóng và hệ mở, nhưng thị trường thường chuộng hệ mở hơn, vì có thể phối trộn hương liệu theo sở thích. Ngoài ra, còn có loại xài một lần rồi bỏ, rất tiện lợi và giá rẻ".

Khi được hỏi về thuốc lá làm nóng, người quản lý giải thích sản phẩm này phổ biến ở thị trường Âu - Mỹ và Nhật Bản, Hàn Quốc nhưng mắc tiền hơn, nên phải đặt trước mới có hàng: "Cửa hàng ưu tiên bán thuốc lá điện tử hơn, vì giới trẻ ít thích thuốc lá làm nóng, do mẫu mã không đa dạng bằng, giá thành cao hơn, lại bắt buộc phải xài loại thuốc lá dành riêng cho nó, cũng như không thể pha trộn thêm dung dịch, mùi vị như thuốc lá điện tử".

Người quản lý khẳng định mặc dù đa phần thuốc lá điện tử là hàng từ Trung Quốc, nhưng cửa hàng còn bán cả hàng xách tay từ Canada, Mỹ với chất lượng đảm bảo. Thế nhưng khi được hỏi về giấy tờ chứng minh xuất xứ, thì người này chỉ ậm ừ cho qua chuyện.

Có rất nhiều cửa hàng tương tự khác ở đường Nguyễn Đình Chính (Phú Nhuận), Cách Mạng Tháng 8 (quận 10), Hoàng Sa (quận 3, TP.HCM). Tại Hà Nội, cũng dễ dàng tìm thấy nhiều cửa hàng bày bán công khai mặt hàng này tại các phố Trương Hán Siêu, Nguyễn Thị Định, Nhà Chung…

Thậm chí, việc mua bán trên mạng xem ra còn xôm tụ hơn, bao gồm các nhóm kín lẫn công khai trên Facebook, TikTok, và kể cả các sàn thương mại điện tử như Lazada, Tiki, Shopee… Điểm chung của việc mua bán, dù tại cửa hàng hay trên mạng, là bất cứ ai, ở độ tuổi nào, chỉ cần có nhu cầu và có tiền, là có thể mua được hàng. Đơn giản chỉ cần một cú nhấp chuột, một tin nhắn, một cuộc gọi, là hàng có thể được chuyển tới tận nhà chỉ trong vòng 24 giờ.

Đơn vị nào cấp phép cho những cửa hàng này?

Ông Nguyễn Tiến Đạt - phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP.HCM - khẳng định, hoạt động của các cửa hàng này là hoàn toàn bất hợp pháp, vì chưa được cấp phép. Những trường hợp bày bán công khai hay ngang nhiên quảng cáo ở mặt tiền là những hành vi vi phạm quả tang và nếu bị phát hiện thì chắc chắn đều bị xử phạt. Thế nhưng, hình thức xử phạt thế nào để các cửa hàng này chấm dứt kinh doanh phi pháp thì vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể.

Loạn thị trường thuốc lá điện tử lậu - Ảnh 2.

Một trường hợp vi phạm liên quan đến thuốc lá điện tử bị các cơ quan chức năng xử phạt - Ảnh: D.K.

Theo ông Đạt, năm 2021 mặc dù điều kiện dịch bệnh, Cục Quản lý thị trường thành phố vẫn phát hiện, thu giữ và xử lý 3.577 đơn vị sản phẩm các mặt hàng liên quan đến thuốc lá điện tử này, có giá trị khoảng 680 triệu, xử phạt 331 triệu. Riêng 7 tháng của năm 2022, cơ quan này đã thu giữ 940 đơn vị sản phẩm, trị giá ước chừng khoảng 250 triệu, xử phạt hơn 100 triệu.

Hiện tại, việc xử lý các vi phạm liên quan đến thuốc lá điện tử nói trên đang được áp dụng là vi phạm trong việc kinh doanh nhập lậu, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng cấm, không rõ nguồn gốc xuất xứ, sở hữu trí tuệ, chất lượng, gian lận thương mại… Nếu so với việc xử phạt vi phạm về thuốc lá điếu, thì hình phạt dành cho vi phạm thuốc lá điện tử như vậy rõ ràng đang "thiên vị" và góp phần dung túng cho thị trường chợ đen.

Được biết, Luật phòng chống tác hại thuốc lá Việt Nam chưa có quy định dành riêng cho thuốc lá điện tử nói riêng hay thuốc lá thế hệ mới nói chung.

Hiện thị trường thuốc lá điện tử lậu không chỉ loạn về nguồn gốc và chất lượng sản phẩm, mà còn đặc biệt rối loạn về thông tin. Ở thị trường chợ đen nước ta, những người bán đã tự "hô biến" thuốc lá thế hệ mới nói chung hay thuốc lá điện tử nói riêng thành loại thuốc lá không độc hại, thậm chí đáng lo hơn, là nhắm vào thanh thiếu niên hiếu kỳ với những lời dẫn dụ như một cách thể hiện sự "sành điệu" hay để đo độ "chịu chơi".

Đại diện Cục Quản lý thị trường TP.HCM cho rằng, việc sớm đưa các mặt hàng này vào kiểm soát với những hình phạt có tính răn đe sẽ không làm lãng phí nguồn lực, thời gian và công sức của các cơ quan thực thi pháp luật, cũng như hạn chế tối đa những tổn thất, thiệt hại của Nhà nước trước những hệ lụy mà thị trường chợ đen đã để lại.

Khoản 2, điều 3, nghị định 67/2013/NĐ-CP: "Sản phẩm thuốc lá là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hay một phần nguyên liệu thuốc lá và được chế biến dưới dạng thuốc điếu, xì gà, thuốc lá sợi dùng để hút tẩu và các dạng sản phẩm khác dùng để hút, nhai, ngửi".

MINH LUÂN - TIẾN THÀNH - D.KHOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp