Phóng to |
Ông Lê Ngọc Cường, Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn - Ảnh: Tiền Phong |
Trong lúc cuộc thi Hoa hậu thế giới người Việt đang trong quá trình sơ tuyển thì một cuộc thi khác mang tên Hoa hậu các dân tộc Việt Nam được khởi động. Sự ra đời của hai cuộc thi này càng khiến cho lĩnh vực thi nhan sắc ở Việt Nam thêm "đông đúc". Chỉ tính các cuộc thi có tầm "toàn quốc" đã gần chục.
Mỗi năm 10 cuộc, không phải là "loạn", nhưng...
* Nhìn vào các cuộc thi nhan sắc được tổ chức gần đây như Hoa hậu Biển, Hoa hậu Du lịch, Hoa hậu Trang sức Việt Nam, Người đẹp các vùng kinh đô Việt Nam, Nữ hoàng từ thiện..., điều dễ nhận thấy là sự quen thuộc về tiêu chí, nội dung và hình thức tổ chức của các cuộc thi. Nói cách khác là chỉ mới về tên gọi, còn nhàm về nội dung. Liệu ông có nghĩ đây chính là lý do khiến dư luận kêu "loạn thi hoa hậu"?
- Trước tiên nên nhìn nhận các cuộc thi nhan sắc cũng giống như những hoạt động văn hóa - nghệ thuật giải trí khác. Đó là một sân chơi dành cho giới trẻ.
Với tổng dân số trên 84 triệu người thì việc một năm có hơn 10 cuộc thi nhan sắc với những tiêu chí khác nhau chưa nhiều đến mức có thể gọi là "loạn".
Tuy nhiên, phải thừa nhận dù "chưa nhiều" nhưng chất lượng các cuộc thi chưa đạt được cái tầm như tên gọi, đáp ứng sự mong đợi của công chúng. Một số cuộc thi na ná nhau về nội dung và hình thức. Nói trắng ra là "cắt dán", "xào xáo", các mảng miếng của nhau khiến người xem thất vọng vì không tìm thấy "cái riêng" của mỗi cuộc thi. Vì thế mà Hoa hậu Biển cũng nhang nhác Hoa hậu Du lịch, Hoa hậu Trang sức...
Đó là chưa kể sự vội vã, dễ dãi trong công tác tổ chức, tuyển chọn, đánh giá đã khiến chất lượng người đẹp ở một vài cuộc thi chưa xứng với tầm vóc của nó nên những người đẹp đăng quang vì thế mà mờ nhạt. Có lẽ vì thế nên dư luận cho rằng: "Loạn thi nhan sắc" chăng?
* Việc xóa bỏ độc quyền trong tổ chức thi hoa hậu đã tạo điều kiện cho nhiều tổ chức, doanh nghiệp trong xã hội tham gia vào lĩnh vực này. Theo logic nhiều đơn vị tổ chức sẽ tạo ra tính "đa dạng" cho các cuộc thi nhưng thực tế đang chứng minh một sự ngược lại. Ông nghĩ gì về thực tế này?
- Đúng là có hiện tượng này và theo tôi đó là kết quả của năng lực tổ chức. Tổ chức thi hoa hậu là một lĩnh vực đòi hỏi tính chuyên nghiệp, chuyên nghiệp đến mức trở thành công nghệ và công nghệ ấy phải luôn được đổi mới, nâng cao về mặt thẩm mỹ...
Còn ở ta, việc thi nhan sắc bung ra, nở rộ trong lúc phần lớn đều đang mày mò, khẳng định nên không tránh khỏi sự "sao chép", "cắt dán", bắt chước nhau...
Trong cuộc họp báo giới thiệu cuộc thi Hoa hậu thế giới người Việt mới đây, có ý kiến hỏi BTC về tiêu chí của cuộc thi này có khác gì với cuộc thi Hoa hậu Việt Nam mà đơn vị đã tổ chức và đã có thương hiệu. BTC khẳng định là "có khác", nhưng khác thế nào thì vẫn là một "ẩn số" trong khi nội dung thi vẫn là thi áo tắm, áo dài, trang phục tự chọn...
Phải có kế hoạch "hậu đăng quang"
* Liệu còn lý do nào khác nữa không, thưa ông?
-Một lý do khác khiến chất lượng các cuộc thi không cao là bên cạnh một số đơn vị tổ chức nỗ lực khẳng định tính chuyên nghiệp và tạo thương hiệu thì cũng có những đơn vị coi các cuộc thi là một "thương vụ" làm ăn. Chạy được tài trợ là đăng ký tổ chức thi.
Phóng to |
Người đẹp nếu không có những hoạt động xã hội "hậu đăng quang" thì danh hiệu đó sẽ chỉ là của riêng cá nhân thí sinh và BTC cuộc thi mà thôi. (trong ảnh: Hoa hậu VN Mai PhươngThúy chơi với các bé tại Trung tâm Bảo trợ trẻ em thiệt thòi ở TP.HCM - Ảnh: TTO) |
Vì là "thương vụ" nên phải tính toán tổ chức ra sao để "có lãi" nhất, tài trợ xin được cũng không chi hết cho cuộc thi, dẫn đến cảnh "đầu voi, đuôi chuột". Thi xong, tìm được người đăng quang coi như chấm dứt một vụ làm ăn... Thế mới có chuyện nhiều người đẹp đăng quang ở cuộc thi A, B sau đó lặn mất tăm.
Trong số các cuộc thi người đẹp đã, đang và sắp được tổ chức, cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam đưa ra tiêu chí người đăng quang ngoài vẻ đẹp chuẩn về ngoại hình còn phải biết hát, múa, cưỡi ngựa, bắn cung, đua xe đạp, nấu ăn, cắm hoa... Nếu tìm được người như vậy thì tuyệt quá. Và tôi cho là khó... Tạo nét riêng cho cuộc thi là cần thiết nhưng cái gì cũng phải dựa trên thực tế, đưa ra mà không làm được thì lại thành dở.
* Có nghĩa các cuộc thi đó không có ý nghĩa gì với đời sống xã hội?
- Đúng là đã có những cuộc thi như vậy. Họ chọn ra một người đẹp của cuộc thi... nhưng lại không có kế hoạch "hậu đăng quang" dành cho người đẹp. Vì thế mà ý nghĩa xã hội của những cuộc thi kiểu đó rất mờ nhạt.
Người đẹp đăng quang sau đó làm gì, sống ra sao không ai biết, nếu có vi phạm điều gì cũng chẳng bị tước danh hiệu. Đây là vấn đề mà các nhà tổ chức cần phải quan tâm, điều chỉnh.
Đã là sân chơi cho giới trẻ thì bên cạnh việc tạo độ hấp dẫn thu hút người chơi, cũng cần phải xây dựng những tiêu chí để sân chơi trở nên giá trị và bổ ích đối với sự phát triển chung của xã hội.
Tới đây, khi thụ lý các hồ sơ xin cấp phép, chúng tôi sẽ góp ý với các đơn vị tổ chức về việc xây dựng những tiêu chí riêng của từng cuộc thi và kế hoạch "hậu đăng quang" cho những người đẹp. Người đẹp nếu không có những hoạt động xã hội "hậu đăng quang", không có những đóng góp tích cực cho cộng đồng trên phương diện là người đẹp của cuộc thi A, B nào đó thì danh hiệu đó sẽ chỉ là của riêng cá nhân thí sinh và BTC cuộc thi mà thôi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận