22/02/2017 13:37 GMT+7

'Loạn' cấp phó, cấp phòng: khó giảm biên chế

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - TS Lê Hồng Sơn, nguyên cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, cho rằng nếu cứ để các bộ trưởng, trưởng ngành tùy nghi trong việc tổ chức bộ máy của mình thì biên chế vẫn sẽ “phình” ra.

TS Lê Hồng Sơn cho rằng nếu cứ để lãnh đạo bộ, ngành tùy nghi quyết định tổ chức bộ máy thì còn tình trạng
TS Lê Hồng Sơn - Ảnh: Cổng TTQH

Ông Sơn phát biểu tại “Hội thảo cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước: khung chính sách, pháp luật và tổ chức thực hiện”, được Đoàn giám sát của Quốc hội tổ chức sáng 22-2.  

Đa số các bộ vẫn đề xuất tăng biên chế

Ông Nguyễn Văn Tùng, vụ trưởng Vụ Tổ chức - điều lệ, Ban Tổ chức trung ương, cho biết năm 2014 tổng số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước của các tổ chức trong hệ thống chính trị là hơn 3,68 triệu người (trong đó khối hành chính có biên chế công chức hơn 1,6 triệu người, khối sự nghiệp gần 2,1 triệu người).

Năm 2016, các cơ quan quản lý biên chế trung ương giao là gần 3,73 triệu người, tức tổng số biên chế của bộ máy tăng lên chứ không giảm.  

“Một số cơ quan, tổ chức cả trung ương, địa phương vẫn đề nghị tăng tổ chức, biên chế công chức đối với những tổ chức thành lập mới, tăng nhiệm vụ do các cơ quan có thẩm quyền thành lập hoặc giao thêm nhiệm vụ” - ông Tùng nói.

Vẫn theo ông Tùng, cho đến nay vẫn chưa xây dựng được cơ chế đánh giá các bộ khoa học, phù hợp. Việc bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức vẫn còn tình trạng “có lên không có xuống”, “có vào không có ra”, “biên chế suốt đời”, “chủ nghĩa bằng cấp”. Thiếu cơ chế cạnh tranh trong đề bạt, bổ nhiệm, bố trí cán bộ.

Nhận định trên đây được chứng thực bởi ông Thái Quang Toản, vụ trưởng Vụ Tổ chức - biên chế, Bộ Nội vụ: Vừa qua Bộ Nội vụ tổng hợp, hầu hết các bộ đều đề nghị tăng biên chế, tăng đơn vị, chỉ có Bộ Công thương là thực hiện cải cách triệt để, thu hẹp đầu mối, thậm chí đề nghị giảm cục thành vụ, Bộ Nội vụ cũng đề nghị giảm đầu mối trực thuộc.

“Loạn” cấp phó, cấp phòng: nhiều hệ lụy

TS Lê Hồng Sơn, nguyên cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp, nêu thực trạng: “Trong nhiều thập kỷ qua, việc xác định, cho phép thành lập, xác định tên đơn vị, xác định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các vụ là một sự dễ dãi, mà thậm chí là tùy tiện theo ý chí chủ quan của người đứng đầu” - ông nói.

“Mỗi nhiệm kỳ, mỗi đời bộ trưởng lại có sự thay đổi về số lượng, tên gọi của vụ. Sự thay đổi này lại chủ yếu theo hướng tăng thêm, chia nhỏ chức năng, cá biệt có bộ trưởng cho rằng phải có nhiều cục, vụ, nhiều đầu mối thì bộ, ngành mình mới oai. Nhìn chung tâm lý muốn tăng chứ không muốn giảm đang khá phổ biến”.

Trong khi đó “những người thấy rõ sự bất hợp lý, muốn thực hiện đúng chủ trương tinh gọn, tinh giảm thì lại dễ bị cô lập, bị coi là đi ngược lại lợi ích của bộ, ngành”. TS Sơn lấy ví dụ từ “việc tổ chức các phòng thuộc vụ còn phức tạp hơn. Từ chỗ cấp phòng được tổ chức cá biệt ở một vài bộ thì đến những năm gần đây đã trở nên phổ biến”.

“Đại đa số các vụ thuộc bộ đều lập ra các phòng chuyên môn. Ngay khi phòng được lập ra, có ngay hiện tượng “dựng tường rào”, “lắp khóa cửa”, “chia sân, chia vườn” gây khó khăn cho vụ trưởng khi muốn sử dụng chuyên viên của mình, vô hiệu hóa các phó vụ trưởng”.

“Cơ chế phối hợp, hợp tác nhiều khi bị vô hiệu hóa ngay tại đơn vị, dẫn đến tình trạng khó điều hành. Chính phủ đã nhận thấy điều này, nhưng khi bàn về việc xóa bỏ cấp phòng thuộc vụ thì lại nổi lên ý kiến băn khoăn về nhân tình thế thái, về tâm lý, về chế độ chính sách...”.

Ông Sơn nêu một vài con số: Bộ Tài chính có 19 vụ, cục, 6 tổng cục; số lượng các phòng thuộc vụ là 53, số phòng thuộc cục là 51, số công chức thuộc vụ cá biệt có nơi lên đến 50-70 người. Số công chức thuộc phòng phần lớn tương đương số công chức thuộc vụ cách đây vài chục năm. Bộ Tư pháp có 22 đầu mối vụ, cục, có 8 vụ được tổ chức 35 phòng...

Phải để người dân giám sát

Để chấm dứt tình trạng trên, TS Lê Hồng Sơn kiến nghị không nên để các bộ, ngành tự dự thảo nghị định về tổ chức bộ máy của mình, nên tập trung vào một đầu mối trách nhiệm, nâng cao vai trò của Bộ Nội vụ trong việc chủ trì, chuẩn bị trình dự thảo văn bản.

Không để quy định có tính chất mềm, nước đôi đối với việc xác định tiêu chuẩn, tiêu chí thành lập phòng thuộc vụ, kiên quyết loại bỏ cơ chế này. Phải giữ nghiêm các quy định về chức danh cấp phó, không để vi phạm hoặc lạm dụng theo hướng tự đặt ra cấp, chức danh như “thứ nhất”, “thường trực”, “hàm cấp vụ”...

Bên cạnh nâng cao vai trò giám sát của Quốc hội, cần nâng cao vai trò giám sát của các tổ chức xã hội, của nhân dân, báo chí.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp