Đó là một thông tin buồn đối với những người làm đa dạng sinh học, người yêu thế giới hoang dã. Đặc biệt với trẻ em Việt Nam, cơ hội nhìn thấy loài tê giác một sừng đặc hữu chỉ duy nhất có ở đất nước mình (Rhinoceros sondaicus annamiticus) giờ đây đã không còn.
Dĩ nhiên, buồn không phải vì cái sừng tê giác mà là sự tồn tại của một loài, điều kỳ diệu ấy nay đã không còn. Người dân, và báo chí VN, có lẽ không thể quên khoảnh khắc mùa hè năm 1998 khi tất thảy đều hân hoan với mấy bức ảnh hiếm hoi chụp được về tê giác một sừng còn lại ở nước mình, tại khu bảo tồn tê giác Cát Lộc (nay là vườn quốc gia Cát Tiên), nhờ kỹ thuật bẫy ảnh của các chuyên gia quốc tế thực hiện giúp.
Và từ đó, niềm tin về sự hiện diện của loài cổ động vật có vú hoang dã đặc biệt quý hiếm mang tên “tê giác” ở VN được vững chắc, và hi vọng các nỗ lực bảo tồn phát triển nó được tiếp sức nhiệt huyết hơn.
Hành trình chống chọi để tồn sinh của loài tê giác ở VN thật ngoan cường, vì nó là loài động vật mà con người có nhu cầu hạ sát rất lớn, bởi “huyền thoại” dược chất từ chính chiếc sừng của nó.
Năm 1932, con tê giác hai sừng (Rhinocerros sumatrensis) cuối cùng của VN bị bắn chết ở Lai Châu. Năm 1982, những con tê giác một sừng bị hạ sát ở Lộc Bắc (Lâm Đồng). Năm 1984, ở thượng nguồn suối Jung Bo (Cát Tiên, Lâm Đồng) xác con tê giác một sừng bị bắn được phát hiện. Năm 1988, một con lại bị hạ gục bên thượng nguồn sông Đồng Nai. Năm 1989, lại một con tê giác một sừng nữa đổ gục vì họng súng từ con người ở Bù Đăng (Sông Bé)...
Đó là những cái chết người ta nhìn thấy xác, còn bao cái chết nữa của loài cổ động vật này giữa rừng sâu thì chỉ cỏ cây mới biết. Nhưng nay, rõ cái chết vì súng đạn con người hồi cuối tháng 4-2010 của con tê giác một sừng cuối cùng của VN ở xã Gia Viễn, huyện Cát Tiên, Lâm Đồng đã khép lại “bộ phim” bi kịch loài tê giác ở VN.
Từ cái chết đến độ tuyệt chủng của tê giác một sừng đã cho thấy vườn quốc gia không hề còn là nơi an toàn cho động vật cần bảo tồn trên đất nước này. Hiện trạng đó khiến không thể không âu lo với câu hỏi: Sẽ đến lượt loài thú nào rơi vào tuyên bố “tuyệt chủng” nữa đây? Cọp, mang lớn, voọc chà vá, bò xám, voi, sói lửa, min, hay một ngày rồi đến cả con cheo, con dúi, con nhím...?!
Mất đi một loài có là chuyện “nhỏ” không, hay nó vén lên cho ta thấy những lỗ hổng, những yếu kém, chỉ rõ ra những bất lực không thể chối cãi trong việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên - những thứ của cải không thể dùng trình độ công nghệ cao và sự thông minh của con người để sinh ra. Quý như con tê giác một sừng, luôn có sự hỗ trợ tài lực, nhiệt huyết và động viên coi sóc từng ngày của quốc tế, mà cũng “kết thúc” trong nghiệt ngã đến thế.
Còn nhớ, nhà khoa học sinh thái đương đại lừng danh, giáo sư Bruno Streit - Viện Sinh thái tiến hóa và đa dạng thuộc Đại học Frankfurt (Đức), tác giả của 160 công bố khoa học về sinh thái - chẳng kiên trì nhắc nhở: “...Khi chúng ta không cố gắng thật sự để tạo nên một sự bền vững lâu dài dựa trên cơ sở của những nhận thức ngày nay và trong tương lai của chúng ta, thì ngay từ bây giờ chúng ta sẽ đánh mất sự đa dạng sinh học và cùng với nó hẳn cũng là chất lượng sống của những thế hệ trong tương lai”.
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Việt Nam và Nam Phi hợp tác chống buôn lậu sừng tê giác Tê giác ở Cát Tiên chết do bị giết Theo dấu chân tê giác Việt Nam: Nước đâu cả rồi? Theo dấu chân tê giác Việt Nam Sừng tê giác - từ Phi sang Á - Kỳ cuối: Huyền thoại và sự thật Việt Nam đã mất con tê giác cuối cùng
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận