Phóng to |
Trên quốc lộ 1 đoạn qua xã Bình Nguyên, H.Bình Sơn, Quảng Ngãi có hai biển báo giảm tốc độ từ 60 km/giờ (ảnh trên) xuống còn 40 km/giờ (ảnh dưới) chỉ cách nhau 60m khiến lái xe phải hãm phanh đột ngột, dễ gây tai nạn - Ảnh: Trần Mai |
Ông Nguyễn Văn Huyện - Ảnh: T.P. |
- Cách đây gần một năm, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã chỉ đạo rà soát, tháo bỏ những biển báo không hợp lý. Trên cơ sở đi thực tế, thực địa kiểm tra, TCĐB đã báo cáo Bộ GTVT có quyết định bỏ các biển báo hạn chế tốc độ dưới 40 km/giờ. Đến nay, hạ tầng giao thông nhìn chung khá tốt so với trước đây nên đảm bảo cho an toàn giao thông với tốc độ tối đa 40 km/giờ. Còn những khu vực đường đèo dốc quanh co thì cắm thêm biển nguy hiểm vào bên cạnh biển báo 40 km/giờ. Trường hợp đặc biệt thì báo cáo TCĐB để kiểm tra, quyết định biển báo phù hợp.
Các biển báo hạn chế tốc độ 25, 30, 35 km/giờ đã ảnh hưởng đến khả năng lưu thông, tốc độ hành trình xe, tiềm ẩn nguy cơ ùn tắc giao thông và một số trường hợp gây bức xúc cho người tham gia giao thông.
Biển báo quy định tốc độ thấp như cái bẫy xử phạt
* Vì sao các biển hạn chế tốc độ dưới 40 km/giờ tồn tại khá lâu?
Rà soát trước khi có chỉ đạo Tại ĐBSCL, ông Trần Anh Việt - giám đốc Sở GTVT tỉnh Sóc Trăng - cho biết việc rà soát biển báo bất hợp lý trên quốc lộ và các tuyến đường do tỉnh quản lý đã được thực hiện trước đó và thay thế trước khi có chỉ đạo của bộ trưởng Bộ GTVT. Trong khi đó ông Ngô Hữu Dũng - giám đốc Sở GTVT tỉnh Bạc Liêu - cho biết tỉnh đã khảo sát các điểm bất hợp lý trên biển báo ở các tuyến đường từ năm ngoái, vì vậy khi có chỉ đạo của bộ trưởng Bộ GTVT thì chỉ rà soát lại. |
- Một phần là do công tác quản lý của người ra quyết định cắm biển. Họ cầu toàn khi mong muốn tốc độ thấp sẽ đảm bảo an toàn giao thông hơn nên chỉ đạo chung như thế. Còn như bản thân tôi đi thực tế để kiểm tra, yêu cầu lái xe đi với tốc độ thấp như biển báo có được không hay xe sẽ chết máy để rồi bị xe khác đâm vào đuôi xe. Việc rà soát, bỏ các biển báo dưới 40 km/giờ là vừa trên cơ sở rà soát thực tế và ý kiến của tài xế, người dân phản ảnh, Bộ GTVT tiếp nhận và điều chỉnh cho phù hợp.
Hiện nay, việc cắm biển báo tốc độ trên quốc lộ qua địa phương được Bộ GTVT ủy thác quản lý thì sở GTVT thực hiện. Còn trên các đoạn quốc lộ do Cục Quản lý đường bộ quản lý đã cơ bản tháo hết biển dưới 40 km/giờ. Hiện ở các tỉnh ở miền Trung vẫn tồn tại biển dưới 40 km/giờ, TCĐB đang đôn đốc kiểm tra, dỡ bỏ. Hết tháng 6-2014, việc tháo bỏ biển dưới 40 km/giờ sẽ thực hiện xong. Sở GTVT nào không chấp hành tôi sẽ điện trực tiếp yêu cầu giám đốc sở GTVT thực hiện. Hiện nay số lượng biển dưới 40 km/giờ còn không nhiều, một số tỉnh thông báo đã tháo dỡ hết như Lai Châu.
* Có ý kiến cho rằng tốc độ tăng ở những nơi đường quanh co, mật độ giao thông đông sẽ ảnh hưởng đến an toàn giao thông?
- Ý kiến đó cũng đúng phần nào, nhưng việc nâng tốc độ cho phép đến 40 km/giờ không phải là nguyên nhân quyết định gây tai nạn giao thông. Việc đảm bảo an toàn giao thông trước hết là do bản thân người lái xe chịu trách nhiệm. Còn lập luận cho rằng nâng tốc độ nên tai nạn giao thông tăng cũng không chính xác. Tai nạn giao thông tăng bởi nhiều lý do, chỉ vì tốc độ tăng trên đoạn ngắn 30-40km không phải là lý do chính.
Có nhiều quan điểm về việc này, nhưng đa số đều ủng hộ việc bỏ các biển báo hạn chế tốc độ dưới 40 km/giờ. Trên báo chí, nhiều người dân cũng cho rằng biển báo quy định tốc độ thấp nhiều khi như cái bẫy để xử phạt. Cho nên chúng tôi quyết tâm làm vì phù hợp với thực tế. Đó là vừa khoa học vừa là trách nhiệm. Có người nói đường cắm biển cho phép chạy 80 km/giờ nhưng mật độ đông thì không tài xế nào dám chạy đến tốc độ đó.
Phóng to |
Biển báo hạn chế tốc độ 40 km/giờ trên quốc lộ 1 đoạn đi qua huyện Bình Chánh, TP.HCM. Nhiều tài xế cho rằng xe chạy trên quốc lộ 1 phải được chạy với tốc độ cao hơn - Ảnh: Th.Thắng |
Công trình không được cắm biển 5 km/giờ
* Trước đây, có nhiều ý kiến cho rằng biển hạn chế tốc độ 5 km/giờ ở các công trường không phù hợp. Tại sao đến nay mới có quyết định chấm dứt sử dụng biển này?
- Điều đó là do “nếp” cũ từ xưa. Cách đây vài năm, TCĐB đã chỉ đạo bỏ biển 5 km/giờ nhưng do không kiên quyết trong việc thực hiện ở các công trường nên vẫn tồn tại. Bây giờ phải bỏ. Công trường có thể cắm biển 10, 20 km/giờ là tùy theo địa hình, tình trạng giao thông ở khu vực đó chứ không được dùng biển 5 km/giờ nữa. Biển này chỉ phù hợp với tốc độ đi bộ mà áp dụng với xe cơ giới là vô lý.
* Cắm biển tốc độ do ngành giao thông thực hiện nhưng cảnh sát giao thông thường bắn tốc độ ngay sau biển báo. Vậy trong dịp rà soát này, TCĐB có cắm biển cảnh báo giảm tốc độ từ xa không?
- Người lái xe cần chủ động quan sát, làm chủ tốc độ, tuân thủ biển báo để đi đúng tốc độ phù hợp. Dịp này TCĐB cũng rà soát bổ sung biển cảnh báo giảm tốc độ từ xa để lái xe chuẩn bị và giảm tốc độ phù hợp. Còn sau biển báo tốc độ phải chấp hành đúng tốc độ quy định.
Điều chỉnh 206 biển báo liên quan tốc độ Trong ba tháng đầu năm 2014, TCĐB đã chỉ đạo các đơn vị liên quan điều chỉnh 206 biển báo liên quan đến tốc độ. Trong đó: loại bỏ 66 biển báo hạn chế tốc độ, điều chỉnh 140 biển báo khu vực đông dân cư. Tuy nhiên, trong quá trình rà soát vẫn phát hiện một số đoạn tuyến còn biển báo tốc độ 25, 30, 35 km/giờ do các địa phương đề nghị cắm và một số đoạn rà soát còn sót. Ngày 10-6, TCĐB có văn bản báo cáo Bộ GTVT cho phép thay thế các biển báo tốc độ trên bằng biển báo hạn chế tốc độ 40 km/giờ. Bộ trưởng Đinh La Thăng đã chấp thuận đề nghị này và ngày 11-6 đã ra văn bản yêu cầu TCĐB, sở GTVT các địa phương rà soát, thay thế biển báo tốc độ trên quốc lộ, thay thế biển báo tốc độ 25, 30, 35 km/giờ bằng biển báo 40 km/giờ. Trường hợp đủ điều kiện khai thác an toàn với tốc độ lớn hơn thì phải cắm biển tốc độ tương ứng (trên 40 km/giờ). Riêng các đoạn tuyến qua khu vực núi cao, bán kính đường cong nhỏ, đèo dốc phải bổ sung các biển báo cảnh báo nguy hiểm. Trường hợp điều kiện kỹ thuật không cho phép phải sử dụng biển tốc độ dưới 40 km/giờ và có thuyết minh, giải trình, báo cáo TCĐB xem xét, giải quyết. Đồng thời, rà soát các biển báo tốc độ tối đa 50 km/giờ đã cắm. Trường hợp các yếu tố kỹ thuật của tuyến đường đủ điều kiện khai thác an toàn với tốc độ lớn hơn thì cắm lại biển báo tăng tốc độ cho phép và có biện pháp cảnh báo nếu cần. |
Gấp rút thay biển báo tốc độ bất hợp lý Đoạn quốc lộ 1 (qua xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) có một đoạn chỉ cách nhau khoảng 60m nhưng có đến hai biển báo hạn chế tốc độ giảm từ 60 km/giờ còn 40 km/giờ khiến nhiều lái xe phải hãm phanh đột ngột, rất dễ gây tai nạn. Anh Đặng Văn Ngữ, sống ở khu vực trên, cho biết nhiều lần chứng kiến tài xế qua đây thường hãm phanh đột ngột, nhiều lúc làm bà con phát hoảng vì tưởng tai nạn. “Chẳng hiểu cơ quan chức năng sao lại đặt hai biển báo gần nhau như thế. Ít nhất cũng phải cách nhau 500m để tài xế còn quan sát giảm tốc độ” - anh Ngữ kiến nghị. Hai biển báo giao thông này khiến các tài xế rất bức xúc, đặc biệt là tài xế xe tải. Anh Tuấn - tài xế của HTX vận tải Thống Nhất, thường xuyên lái xe qua tuyến đường này (tuyến Quảng Ngãi - Đà Nẵng và ngược lại) - nói: “Một đoạn đường ngắn mà tới hai biển báo giao thông khác nhau, nhiều lúc chúng tôi không để ý phải hãm phanh đột ngột rất nguy hiểm. Đoạn đường này lại thường xuyên có cảnh sát giao thông bắn tốc độ, tôi hai lần bị phạt vì lỗi chạy quá tốc độ do hãm phanh không kịp”. Ông Đặng Văn Minh, giám đốc Sở GTVT Quảng Ngãi, cho biết đoạn quốc lộ 1 qua khu vực trên nằm vào khu dân cư và đường cua gấp nên có biển báo giảm tốc độ, việc hai biển báo giảm tốc độ cách nhau một đoạn ngắn như thế là không hợp lý. “Những biển báo trên quốc lộ 1 thuộc đơn vị quản lý đường bộ cắm (thuộc TCĐB - Bộ GTVT), chính vì thế không thể tự ý gỡ bỏ. Trong thời gian tới, sở sẽ đề nghị TCĐB xem xét di chuyển một trong hai biển báo giảm tốc độ trên”. Trong khi đó, ông Bùi Xuân Cường - phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM - cho biết sở đã sớm triển khai tháo bỏ tất cả biển báo hạn chế tốc độ 40 km/giờ trên tuyến đường từ cầu Phú Mỹ (Q.2 - Q.7) đến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (TP.HCM - Đồng Nai). Theo đó, đoạn đường này chỉ lắp đặt biển cảnh báo mà không giới hạn tốc độ. Tương tự, đã tháo bỏ các biển báo tốc độ dưới 40 km/giờ cho đoạn đường từ Tân Tạo (Q.Bình Tân) qua chợ Đệm (huyện Bình Chánh) đến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương (TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây). Trả lời về việc một số tuyến đường ở Q.7, Q.12 vẫn còn các biển báo tốc độ 20-30 km/giờ, ông Bùi Xuân Cường cho biết sẽ chỉ đạo các khu quản lý giao thông đô thị rà soát để tháo bỏ các biển báo bất hợp lý. Trong khi đó, ông Phạm Hồng Quang - phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN - cho biết theo phê duyệt của Bộ GTVT, tốc độ trong giai đoạn khai thác tạm đoạn cầu cạn của đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây là 100 km/giờ. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng các nhánh đường cầu cạn kết nối của nút giao đường vành đai 2I thuộc gói thầu số 9 của dự án, để hạn chế các ảnh hưởng đối với kết cấu đang xây dựng (trong quá trình lao dầm, đổ bêtông bản mặt cầu...) hiện tại đang áp dụng vận tốc 40 km/giờ. Cho đến thời điểm này, nhà thầu gói thầu số 9 cơ bản đã thi công xong các ghép nối, tổng công ty đã chỉ đạo đơn vị khai thác rà soát, nâng tốc độ khai thác từ 40 km/giờ lên 60 km/giờ trong tháng 6-2014. Đối với các nhánh đường kết nối trên mặt đất, do có áp dụng biện pháp xử lý nền đất yếu và vẫn tiếp tục theo dõi bù lún nên vận tốc áp dụng là 30 km/giờ. Đến nay, sau năm tháng đưa vào khai thác tạm, dưới tác dụng của tải trọng xe chạy, qua quá trình theo dõi chặt chẽ, độ lún đã cơ bản ổn định, đủ điều kiện để nâng tốc độ khai thác lên 40 km/giờ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận