05/05/2017 11:19 GMT+7

Lo với chương trình mới lớp 1

VĨNH HÀ - HOÀNG HƯƠNG
VĨNH HÀ - HOÀNG HƯƠNG

TTO - 100% trường đều học một buổi/ngày mà sĩ số đã cao ngất, thì làm sao sắp xếp cho khối 1 học hai buổi/ngày theo chương trình mới? Sĩ số 60 học sinh/lớp, làm sao giáo viên đổi mới phương pháp giảng dạy?

Nhiều ý kiến góp ý chương trình lớp 1 chỉ nên dạy những điều căn cơ nhất cho học sinh như viết, nói đúng tiếng Việt, thông thạo bốn phép tính. Trong ảnh: một tiết học của học sinh lớp 1/3 Trường tiểu học Trần Bình Trọng, Q.5 (TP.HCM) - Ảnh: Như Hùng
Nhiều ý kiến góp ý chương trình lớp 1 chỉ nên dạy những điều căn cơ nhất cho học sinh như viết, nói đúng tiếng Việt, thông thạo bốn phép tính. Trong ảnh: một tiết học của học sinh lớp 1/3 Trường tiểu học Trần Bình Trọng, Q.5 (TP.HCM) - Ảnh: Như Hùng

Có quá vội vàng khi năm 2018 triển khai đại trà chương trình mới?

Nhiều giáo viên, nhà quản lý giáo dục, chuyên gia đã bày tỏ những băn khoăn trên với chương trình lớp 1 mới.

Áp lực 60 học sinh/lớp

Ở Hà Nội, những trường có thể bố trí học hai buổi/ngày nhưng với sĩ số... 55-60 học sinh/lớp không phải là hi hữu.

Một giáo viên Trường tiểu học Dịch Vọng A chia sẻ: “Rất nhiều bé vào lớp 1 vẫn còn tè dầm, ăn bị nôn, dị ứng, nghịch dại bị ngã, làm đau bạn... Rất nhiều thứ khiến cho giáo viên chủ nhiệm lớp 1, dù có nhân viên bán trú hỗ trợ, nhưng vẫn căng như dây đàn. Bởi thế, khi đưa nhiều nội dung đổi mới vào chương trình, nhưng không có giải pháp để giáo viên giảm tải thì việc thực hiện sẽ khó, thậm chí sẽ mang tính hình thức, đối phó”.

Tương tự, một giáo viên chuyên trách dạy khối lớp 1 của một trường thuộc Q.Đống Đa cho biết theo chương trình hiện tại, giáo viên dạy tiểu học phải đảm nhiệm hầu hết các môn học, trừ môn mỹ thuật, âm nhạc, thể dục, ngoại ngữ, tin học.

Tại các lớp bán trú, giáo viên còn phải hướng dẫn học sinh tự học, vì quy định hiện hành “không được giao bài tập về nhà cho học sinh học hai buổi/ngày, mà phải giúp học sinh luyện tập ngay trên lớp”.

“Vì vậy, việc chỉ một năm nữa áp dụng chương trình mới đại trà với lớp 1 khiến chúng tôi lo lắng, vì có nhiều môn học mới như giáo dục lối sống, cuộc sống quanh ta...” - giáo viên này nói.

“Chương trình môn học thế nào, sách giáo khoa ra sao, chúng tôi chưa biết. Nếu nói chương trình mới chủ yếu yêu cầu đổi mới phương pháp thì việc đổi mới này như thế nào, thực hiện ra sao với sĩ số lớp quá đông... Vì với lớp 1, chỉ riêng việc rèn chữ, rèn cách cầm bút, cầm phấn, cách ngồi học, rèn nề nếp cũng đã vất vả. Giờ gánh thêm nhiều môn học mới nữa, không biết triển khai thế nào” - cô giáo trên bày tỏ tiếp băn khoăn.

GS.TS Phạm Tất Dong, phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, cho rằng việc thực hiện đại trà chương trình mới trong hơn một năm tới là rất vội.

“Dạy tiểu học là dạy những cái căn cơ nhất. Chỉ nên rèn cho học sinh nói, viết đúng tiếng Việt, thông thạo bốn phép tính. Nhưng dự thảo chương trình lại đưa vào nhiều môn học mới.

Quan điểm của tôi vẫn là bỏ bớt ngay các môn học không cần thiết. Việc ban phát triển chương trình xem xét bỏ môn thế giới công nghệ là đúng, vì không phù hợp với trẻ con, đặc biệt là học sinh lớp 1.

Tôi cũng đề nghị bỏ luôn loại môn học tự chọn ở tiểu học. Vì trẻ con không biết cách “tự chọn”. Môn học tự chọn chỉ phù hợp với học sinh lớp cao hơn”, GS.TS Phạm Tất Dong nói.

Cô Nguyễn Thanh Thủy, hiệu trưởng Trường tiểu học Cát Linh (Hà Nội), trong buổi họp bàn kế hoạch tập huấn giáo viên do Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức, đã phân tích: “Đặc thù ở tiểu học là giáo viên chủ nhiệm đồng thời là giáo viên dạy chính, phải bám lớp, nên không thể nghỉ để đi tập huấn, bồi dưỡng. Chỉ có thời gian ngắn trong hè để dự tập huấn thì giáo viên rất khó lĩnh hội được hết tinh thần đổi mới”.

Chương trình 2 buổi/ngày: khó

Về việc thiết kế chương trình cho thời gian học hai buổi/ngày, nhiều cán bộ quản lý giáo dục ở TP.HCM tỏ ra ưu tư: “Địa phương chúng tôi hiện chỉ có hơn 50% học sinh tiểu học được học hai buổi/ngày. Trong đó, có khá nhiều trường không thể tổ chức được lớp học hai buổi/ngày (tức là 100% học sinh học một buổi/ngày) như các trường tiểu học Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc 2, Vĩnh Lộc, Trần Quốc Toản, Phạm Văn Hai...

Đặc thù của huyện Bình Chánh là dân số tăng cơ học rất nhanh, bình quân mỗi trường tăng từ 2-3 lớp/năm, thậm chí có trường tăng đến sáu lớp/năm. Chúng tôi rất lo chương trình thiết kế để học hai buổi/ngày mà mang áp dụng cho trường học một buổi/ngày thì rất tội cho học sinh và giáo viên” - một cán bộ ở huyện Bình Chánh cho biết.

Chuyên viên một phòng GD-ĐT ở quận vùng ven TP.HCM nói thẳng: “Nếu Bộ GD-ĐT vẫn giữ nguyên ý định ban đầu là thiết kế chương trình lớp 1 để học hai buổi/ngày thì chúng tôi phải tìm cách vượt khó. Đó là chỉ còn cách tăng sĩ số học sinh và lấy phòng chức năng ra để làm phòng học. Chương trình mới yêu cầu giáo viên phải đổi mới phương pháp giảng dạy, nhưng với điều kiện dạy học như thế làm sao giáo viên đổi mới?”.

GS.TS Phạm Tất Dong cho rằng ban phát triển chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cần phải thiết kế cả chương trình cho một buổi/ngày và hai buổi/ngày. Việc áp dụng có thể linh hoạt, tùy theo điều kiện, hoặc nếu sử dụng một chương trình thì cần đưa ra Quốc hội xem xét.

“Quốc hội thông qua thì mới có căn cứ để các địa phương chuẩn bị điều kiện tối thiểu cho việc thực hiện. Chứ như hiện nay, ban soạn thảo cứ thiết kế nhưng thực tế không đáp ứng được yêu cầu thì rất đáng lo” - GS Dong nói.

Cũng nói về điều này, ông Nguyễn Anh Dũng, Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam, đề nghị: “Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cần thể hiện trách nhiệm của Nhà nước trong việc cam kết chuẩn bị đủ điều kiện về giáo viên, tài chính, cơ sở vật chất. Nếu nhất thiết việc thực hiện phải đảm bảo điều kiện dạy học hai buổi/ngày thì cần có các giải pháp đi kèm để thực hiện được điều kiện này. Trong các văn bản pháp lý, như điều lệ trường học phải điều chỉnh, nêu rõ yêu cầu để có căn cứ tạo sự chuyển biến trong việc giảm sĩ số, đáp ứng yêu cầu dạy hai buổi/ngày”.

Quá hấp tấp và vội vàng

“Chúng tôi có cảm giác chương trình được biên soạn quá vội vàng và gấp gáp. Đến thời điểm này mà Bộ GD-ĐT vẫn chưa có sách giáo khoa, chương trình cụ thể của từng khối lớp bậc tiểu học cũng chưa có. Đã trải qua đợt đổi mới chương trình tiểu học năm 2000 nên tôi rất lo.

Lần trước, tôi được phân công dạy thí điểm chương trình tiểu học năm 2000, rồi góp ý, rút kinh nghiệm, sửa đổi, bổ sung... Vậy mà cuối cùng chương trình và sách giáo khoa vẫn còn không ít khuyết điểm.

Còn đợt đổi mới lần này, tôi đọc trên báo thì biết năm 2018 triển khai đại trà chương trình lớp 1, bỏ qua giai đoạn thử nghiệm thì thật nguy hiểm, rất tội nghiệp học sinh” - cô T., giáo viên có thâm niên 21 năm dạy lớp 1 ở TP.HCM, cho biết.

VĨNH HÀ - HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp