Giữa tháng 6, bước vào cao điểm mùa khô, nắng nóng diễn ra ở nhiều tỉnh thành khiến cho lượng điện tiêu thụ liên tục vượt đỉnh. Theo Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), công suất phụ tải lớn nhất từ ngày 10 đến 16-6 đạt giá trị cao nhất từ đầu năm tại miền Bắc.
Nước về nhiều, thủy điện phải xả lũ
Ghi nhận ngày 14-6, cho thấy công suất toàn hệ thống lên tới 48.954MW, sản lượng điện là 1.019 triệu kWh, trong đó riêng miền Bắc 504,9 triệu kWh, sản lượng phụ tải lớn nhất tính từ đầu năm với sản lượng trung bình ngày là 945,6 triệu kWh.
Từ đầu năm đến nay, phụ tải quốc gia tăng trưởng khoảng 11,5% so với cùng kỳ năm 2023 (miền Bắc tăng 11,1%, miền Trung 10,2%, miền Nam 12%). Theo Cục Điều tiết điện lực, thời gian qua hệ thống điều độ điện quốc gia đã tăng khai thác các hồ Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang, Bản Chát để đưa dần mức nước các hồ về mức nước trước lũ.
Tuy vậy, từ ngày 11-6, các hồ Tuyên Quang đã phải mở 1 - 2 cửa xả đáy. Ngày 15-6, từ 13h, hồ Sơn La đã phải mở một cửa xả đáy và đã đóng lại lúc 18h cùng ngày. Diễn biến này khác trước đó khi từ tháng 4, ngành điện cho biết đã phải tích trữ và tiết kiệm nước, "để dành" nhằm ưu tiên cho phát điện vào cao điểm mùa khô.
Sản lượng còn lại trong hồ tính đến 0h ngày 16-6 của toàn hệ thống là 7.973,3 triệu kWh, cao hơn 2.987,3 triệu kWh so với kế hoạch năm. Nước về các hồ thủy điện ở miền Bắc cao hơn từ 109 - 230% như hồ Bản Chát, Thác Bà, Tuyên Quang, Trung Sơn và Bắc Hà, nhưng các hồ còn lại lưu lượng nước về thấp, chỉ đạt 33 - 92%.
Trong khi đó, các hồ ở miền Trung có diễn biến nước về thấp hơn nhiều so với trung bình từ 7 - 84%, còn miền Nam đều có mực nước thấp hơn so với trung bình (trừ hồ Đồng Nai 2, Đa Nhim).
Trao đổi Tuổi Trẻ, một chuyên gia ngành điện cho hay do thiết kế các hồ khá an toàn linh hoạt, vừa có cửa xả đáy, vừa có cửa xả mặt, nên khi nước về, các hồ sẽ vận hành tùy vào thực tế. Trong điều kiện cung ứng điện mùa khô căng thẳng, việc trữ nước, tiết kiệm nước để dành cho phát điện vào đợt cao điểm mùa khô sẽ được ưu tiên hàng đầu.
Cũng theo vị này, với các nhà máy thủy điện lớn như Hòa Bình, Sơn La, Thác Bà..., có hồ chứa nên có thể tích được nước trong hồ. "Với các thủy điện nhỏ không có hồ chứa, khi nước về sẽ không tích lại được, nên buộc chủ đầu tư phải xả lũ khi có mưa to, nước về đột xuất, nhằm đảm bảo an toàn hoạt động của công trình", vị này giải thích.
Thực tế ở miền Bắc, công suất các nhà máy thủy điện nhỏ khoảng 4.500MW, tương đương các nhà máy thủy điện lớn, nên tình trạng xả tràn khi nước về đột xuất cao diễn ra là nguyên tắc đảm bảo an toàn công trình thông thường.
Nhiều nước để chạy máy, vẫn lo thiếu điện
Dù nước về các hồ có cải thiện hơn và có tình trạng xả nước, nhưng theo chuyên gia ngành điện, vào cao điểm nắng nóng liên tục, việc cung cấp điện sẽ gặp nhiều khó khăn bởi công suất khả dụng của các nhà máy thủy điện sẽ giảm mạnh theo mức nước trong hồ.
Ví dụ, với hồ Hòa Bình, nếu ở mức nước đủ, công suất đạt 1.920MW nhưng con số này giảm chỉ còn 1.400MW nếu mức nước trong hồ suy giảm do dùng nhiều. Tuy nhiên theo vị này, nguồn thủy điện không còn chiếm tỉ trọng lớn. Cán cân phụ thuộc vào nhiệt điện than.
Trên thực tế, để chủ động cho vận hành, nhiều nhà máy điện than cũng đã tăng tốc nhập than ngay từ khi chưa vào giai đoạn cao điểm. Công ty nhiệt điện Nghi Sơn - một trong những nhà máy nhiệt điện than có quy mô công suất lớn với 600MW của Tổng công ty Phát điện 1 (GENCO 1) - cho hay do sản lượng điện mà công ty sản xuất và được huy động đều cao hơn so với kế hoạch Bộ Công Thương phê duyệt.
Theo một đại diện doanh nghiệp này, để đáp ứng được nhu cầu huy động nguồn tăng cao trong bốn tháng đầu năm, doanh nghiệp đã ký hợp đồng cung ứng than với Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc với sản lượng cao hơn là 109.000 tấn, đảm bảo phát tăng thêm 250 triệu kWh so với kế hoạch được giao.
Đến nay, lượng than tồn kho trong các tháng vẫn đảm bảo tiến độ, đáp ứng nhu cầu vận hành và duy trì mức tồn kho cao hơn so với mức tồn kho tối thiểu.
Với 20 nhà máy có tổng công suất lắp đặt là 7.150MW, chiếm 8,9% tổng công suất toàn hệ thống, việc đảm bảo vận hành các nhà máy điện của GENCO 1 (thuộc EVN) có vai trò rất lớn. Theo đại diện GENCO 1, các nhà máy nhiệt điện than luôn phải chuẩn bị sẵn sàng, nâng cao độ tin cậy vận hành ở mức cao nhất để huy động tối đa nguồn điện.
Doanh nghiệp này cũng chủ động yêu cầu các chủ tịch, tổng giám đốc các đơn vị điện lực trực thuộc phải nêu cao tinh thần chịu trách nhiệm người đứng đầu, tăng kỷ luật kỷ cương. Tuyệt đối tuân thủ quy trình vận hành, kiểm tra giám sát để nhận diện sớm các nguy cơ tránh xảy ra sự cố trong huy động nguồn điện, chuẩn bị sẵn sàng vật tư, nhân lực để vận hành hệ thống...
Phải đảm bảo đủ điện trong cao điểm nắng nóng
Theo Bộ Công Thương, từ nay đến cuối tháng 6, các nhà máy nhiệt điện than vẫn được huy động theo nhu cầu hệ thống, đảm bảo việc vận hành, sửa chữa để huy động tối ưu cùng với các nhà máy tuốc bin khí.
Các nhà máy thủy điện cũng được khai thác theo tình hình thủy văn thực tế, linh hoạt huy động đảm bảo công suất khả dụng để đáp ứng cao điểm nắng nóng khu vực miền Bắc. Huy động tối đa các nhà máy thủy điện Tuyên Quang, Sơn La, Hòa Bình, Bản Chát do lưu lượng nước về tốt và tăng dung tích phòng lũ.
Bộ cũng chỉ đạo các đơn vị phát điện chủ động báo cáo, cung cấp thông tin có tính chính xác về tình hình vận hành tổ máy, nguyên nhân sự cố, thời gian khắc phục, tồn kho than, dự kiến tiến độ và kế hoạch nhập than gửi A0.
Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng nhà máy sẵn sàng phát điện nhưng thiếu nhiên liệu than không phát đủ công suất, để có cơ sở lập kế hoạch vận hành cho các tháng còn lại trong năm 2024.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận