Tại buổi làm việc, ông Vũ Quốc Long - trưởng Phòng GD-ĐT huyện Trấn Yên, Yên Bái - chia sẻ: Rất nhiều khó khăn với một tỉnh có địa bàn phức tạp, nhiều học sinh khó khăn như Yên Bái. Đó là việc ngăn ngừa tình trạng ngộ độc thực phẩm đối với thí sinh, đối phó với mưa, lũ, sạt lở. Nhưng những vấn đề này đều đã có phương án dự phòng.
"Khó khăn lớn với các điểm thi tốt nghiệp"
"Khó khăn lớn nhất đối với ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT năm nay là làm sao để có thể phát hiện hết các thiết bị gian lận thi tinh vi được thí sinh mang vào khu vực thi. Mặc dù cán bộ coi thi đã được tập huấn nhưng cũng rất khó có thể kiểm soát" - ông Long chia sẻ.
Ông cũng bày tỏ lo lắng vì năm 2023 Yên Bái là địa phương xảy ra tình trạng thí sinh đưa đề thi ra ngoài trong thời gian thi.
Ông Long cho rằng khi có tình trạng thí sinh sai phạm nghiêm trọng xảy ra, những cán bộ và giáo viên làm công tác thi có thể sẽ phải chịu trách nhiệm và xử lý kỷ luật. Nhưng ông Long cũng mong muốn có sự chia sẻ từ Bộ GD-ĐT về khó khăn khi cán bộ, giáo viên không đủ nghiệp vụ, năng lực trong phát hiện thiết bị gian lận, dù đã cố gắng làm hết trách nhiệm.
Trong báo cáo về chuẩn bị kỳ thi của Ban chỉ đạo thi tỉnh Yên Bái cũng cho biết dù đã có phương án tăng cường kiểm soát việc đối phó với thiết bị gian lận tinh vi nhưng đây vẫn là một khó khăn lớn với tất cả điểm thi.
Tại buổi làm việc, thiếu tá Tô Thanh Thủy - đại diện A03 Bộ Công an, tham gia đoàn kiểm tra của Bộ GD-ĐT - cho rằng trong việc tuyên truyền cho thí sinh, tập huấn cho cán bộ tham gia kỳ thi cần nhấn mạnh hơn về tầm quan trọng của việc bảo vệ đề thi là "bí mật nhà nước". Công tác bảo mật với các địa điểm sao in đề thi, chấm thi cần được lưu tâm hơn, tránh để lọt thông tin về địa điểm này ra ngoài.
Ông Bùi Văn Xuân - hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (huyện Trấn Yên) - cho biết trong việc ngăn ngừa sai phạm của thí sinh, lấy việc phòng là chính. Cụ thể học sinh đã được làm giấy cam kết không vi phạm quy chế. Đây là hình thức để các em buộc phải tìm hiểu kỹ quy chế, có ý thức hơn.
"Phòng hơn chống"
Bà Vũ Thị Hiền Hạnh - phó chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái - cũng cho biết sự việc lọt đề xảy ra năm trước là bài học lớn nên ban chỉ đạo thi năm nay chú trọng hơn đến việc ngăn ngừa tiêu cực.
Nhưng bà Hạnh cũng cho biết "phòng hơn chống" bằng cách yêu cầu các nhà trường phổ biến kỹ đến học sinh về trách nhiệm của thí sinh, những vật dụng được và không được mang theo, đặc biệt đã nhấn mạnh về việc đề thi là "bí mật nhà nước" để thí sinh thấy rõ tầm quan trọng trong việc thực hiện đúng quy định.
Bà Nguyễn Thị Kim Chi nhấn mạnh đến chất lượng tập huấn thi phải được làm bài bản, kỹ lưỡng, không được chủ quan. Trong quá trình tập huấn, các tình huống xảy ra của những mùa thi khác, phương án xử lý sẽ là các bài học thực tế cho các cán bộ, giáo viên.
Bà Nguyễn Thị Kim Chi nói thời điểm hiện nay, gian lận thi cử không phải chuyện trèo tường, ném phao như nhiều năm trước mà là việc sử dụng thiết bị công nghệ cao. Hậu quả của việc này cũng khó lường hơn.
Việc tuyên truyền, nhắc nhở, răn đe là giải pháp nên ưu tiên để phụ huynh, học sinh có nhận thức đúng mức. Ban chỉ đạo thi địa phương cũng phối hợp chặt chẽ hơn với cơ quan an ninh trong việc rà soát tất cả các khâu để tránh sơ hở, sót lọt, đồng thời tập huấn về nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác thi để nâng cao năng lực trong việc phát hiện gian lận.
Bà Kim Chi nhấn mạnh đến việc chuẩn bị kỹ để không xảy ra các tình huống bất ngờ. Nhưng nếu có tình huống phát sinh, cần ghi nhớ ba điều: có sự chuẩn bị để chủ động ứng phó, làm đúng trách nhiệm và quy chế. Khi sự việc vượt quá thẩm quyền, cần báo cáo cấp trên chứ không xử lý tùy tiện, theo thói quen.
Bộ GD-ĐT tổ chức 5 đoàn kiểm tra thi tốt nghiệp THPT
Từ ngày 10-6 đến 17-6, Bộ GD-ĐT có 5 đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT 2024. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn làm trưởng đoàn kiểm tra đến tỉnh Hậu Giang, Quảng Ngãi. Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng là trưởng đoàn kiểm tra tại Hà Tĩnh, Vĩnh Phúc.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc làm trưởng đoàn kiểm tra tại TP.HCM, tỉnh Long An, Cần Thơ. Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn làm trưởng đoàn kiểm tra tại tỉnh Quảng Nam, TP Đà Nẵng. Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi làm trưởng đoàn kiểm tra tại tỉnh Yên Bái, Lào Cai.
Hỗ trợ thí sinh khó khăn
Bà Tô Thị Ánh, phó giám đốc Sở GD-ĐT Yên Bái, cho biết phương án hỗ trợ thí sinh ở nơi khó khăn là một nhiệm vụ được quan tâm. Do đặc thù của Yên Bái có các địa bàn khó khăn, học sinh chịu thiệt thòi hơn trong việc tiếp cận giáo dục có chất lượng, Sở GD-ĐT Yên Bái đã chỉ đạo giáo viên ở vùng thấp (vùng thuận lợi) dạy miễn phí để ôn tập cho học sinh ở các vùng cao khó khăn.
Số tiết ôn tập đến thời điểm này là 702. Ngoài ra, Yên Bái cũng được sự hỗ trợ của giáo viên ở Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng dạy trực tuyến tăng cường tiếng Anh chuẩn bị cho kỳ thi.
Tỉnh Yên Bái có hơn 8.700 thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm nay ở 28 điểm thi, trong đó có nhiều địa bàn khó khăn. Ban chỉ đạo thi Yên Bái chỉ đạo tập trung cho các hoạt động đưa đón thí sinh miễn phí, phát vật dụng hỗ trợ, giới thiệu chỗ ăn nghỉ miễn phí hoặc giá cả hợp lý, hỗ trợ nước uống, đồ ăn nhẹ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận