Phóng to |
Một lò than trái phép - Ảnh: Tấn Thái |
Ngày 10-3, chúng tôi cùng các lực lượng kiểm lâm VQG Mũi Cà Mau đi tìm hiểu thực tế tình hình các lò than xây dựng quanh khu vực VQG.
Lò than nhiều như nấm
Vườn quốc gia Mũi Cà Mau (nằm trên địa bàn các xã Đất Mũi, Viên An và Đất Mới thuộc huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) được thành lập vào năm 2003. Tổng diện tích 41.862ha, trong đó phân khu chức năng trên đất liền gồm khu bảo vệ nghiêm ngặt là 12.203ha, phân khu phục hồi sinh thái 2.859ha... Điều đặc biệt của VQG Mũi Cà Mau là diện tích mặt đất không ngừng được mở rộng do hằng năm Mũi Cà Mau lấn ra biển hàng chục mét bằng nguồn phù sa. |
Ông Lê Quốc Chọn - đội trưởng trạm kiểm lâm Cái Đôi, thuộc Hạt kiểm lâm Đất Mũi - chỉ tay về phía một lò than đang nghi ngút khói nói cách đây bốn ngày lực lượng kiểm lâm đã tháo dỡ lò than này nhưng hôm nay quay lại thì nó đã được xây mới lại.
Cách đó chừng 50m chúng tôi cũng phát hiện thêm một lò than nhưng được ngụy trang, che kín bằng các tấm bạt. Một cán bộ kiểm lâm tiến đến vén tấm bạt lên nói: “Để tránh chúng tôi phát hiện họ ngụy trang rất tinh vi, hạn chế khói bay lan ra xung quanh. Có nơi người dân xây lò than ngay trong nhà nên khó phát hiện và cũng khó xử lý”. Cán bộ kiểm lâm này còn cho hay không chỉ tuyến kênh này mà các tuyến kênh khác như: xáng Cái Đôi, kênh Năm... giáp ranh với VQG Mũi Cà Mau lò than cũng mọc nhiều như... nấm.
Theo lực lượng kiểm lâm, để có nguyên liệu cho lò than, hầu hết các chủ lò xâm nhập vào rừng chặt cây trái phép (chủ yếu là cây đước) đem về hầm. Vì vậy đi dọc các tuyến kênh bao quanh VQG Mũi Cà Mau, dễ dàng thấy hàng loạt cây đước còn trơ trọi gốc, nhánh và cành vương vãi, còn thân cây đã bị chặt lấy đi hầm than...
Theo thống kê của ông Nguyễn Văn Trân - cán bộ thanh tra pháp chế Hạt kiểm lâm VQG Mũi Cà Mau, hơn một năm qua đã phá dỡ trên 600 lò than xây dựng trái phép quanh khu vực VQG.
Thay đổi cách xử lý
Trong quá trình kiểm tra các lò than trái phép, khi chủ rừng phát hiện và hỏi chủ nhân của các lò than thì không ai chịu nhận dù đó là lò than xây dựng trên phần đất nhà mình. Đợi lực lượng kiểm lâm đi khỏi, chúng tôi thuyết phục mãi bà L.T.D. (ấp kênh Đào Đông, xã Đất Mũi) mới cho biết lò than xây dựng cặp bên nhà chính là của mình. Khi chúng tôi hỏi vì sao địa phương cấm nghề hầm than nhưng lại xây, bà D. lý giải: “Tôi biết xây lò than chính quyền không cho nhưng không xây thì cả nhà đói”.
Những người hầm than trái phép quanh khu vực vùng lõi VQG Mũi Cà Mau cho biết việc xây dựng lò than chỉ trong một ngày là xong. Chi phí cho xây dựng mỗi lò hầm than khoảng 500.000 đồng và việc thu hồi vốn cũng rất nhanh. “Trung bình bốn ngày than ra lò một lần, mỗi lần ra lò khoảng 80kg than đước bán được khoảng 400.000 đồng” - một người dân cho biết.
Theo ông Lý Hoàng Tiến - bí thư, chủ tịch UBND xã Đất Mũi, tình trạng lò than trái phép khó xử lý cũng có nguyên nhân thực tế là đời sống một số hộ hành nghề hầm than thật sự khó khăn.
Theo ông Tiến, để giải quyết căn cơ chuyện hầm than trái phép, chủ trương hiện nay không phải làm theo kiểu “mì ăn liền” thấy lò than là vô đập, tháo dỡ mà trước tiên phải tìm hiểu lý do vì sao họ hành nghề hầm than dù biết trái phép. Sau đó vận động để người dân cam kết không hầm than trái phép và tạo điều kiện cho họ chuyển đổi nghề khác.
“Tới đây xã sẽ quy hoạch khu nuôi nghêu ưu tiên chuyển những người hành nghề hầm than trái phép ra. Nếu họ cố tình vi phạm sẽ xử lý hành chính hoặc có tính chất nghiêm trọng thì xem xét xử lý hình sự. Có như vậy mới xóa được tình trạng hầm than trái phép, hạn chế việc người dân xâm phạm trái phép vào chặt phá cây rừng VQG Mũi Cà Mau” - ông Tiến nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận