31/05/2018 09:14 GMT+7

Lo sức khỏe cho dân, Bộ Tài chính muốn tăng thuế đường, nước ngọt

T.V.NGHI - T.LINH - T.MẠNH - LÊ THANH
T.V.NGHI - T.LINH - T.MẠNH - LÊ THANH

TTO - Bộ Tài chính đã bổ sung nước ngọt vào danh sách chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với lý do nước ngọt "chứa đường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người".

Lo sức khỏe cho dân, Bộ Tài chính muốn tăng thuế đường, nước ngọt - Ảnh 1.

Lý do đề xuất đánh thuế nước ngọt, theo các chuyên gia, doanh nghiệp là chưa thuyết phục. Trong ảnh: người dân lựa chọn nước ngọt tại siêu thị - Ảnh: Q.Định

Tại dự thảo nội dung sửa đổi bổ sung Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật thuế giá trị gia tăng (VAT)... Bộ Tài chính đề xuất đối với nước ngọt có đường áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt 10% và nâng thuế VAT thêm 2%, áp dụng từ năm 2019. 

Dù Bộ Tài chính cho thấy đang lắng nghe ý kiến nhưng các doanh nghiệp lo cuối cùng... không có thay đổi nhiều.

Thu nhập nông dân bị đe dọa

Hiệp hội Bia - rượu - nước giải khát VN (VBA) cho biết nếu dự luật được thông qua, các doanh nghiệp sản xuất nước giải khát sẽ phải chịu nhiều loại thuế với mức tăng và bổ sung.

Cụ thể là: thuế VAT tăng từ 10% lên 12%; thuế tiêu thụ đặc biệt đối với doanh nghiệp sản xuất nước ngọt là 10%; mức thuế suất VAT áp dụng cho đường tăng từ 5% lên 6%, dẫn tới giá bán các sản phẩm nước giải khát trên thị trường sẽ tăng khoảng 12%. 

Đồng thời, chi phí sản xuất sẽ tăng lên do mức tăng thuế suất VAT áp dụng cho đường.

"Tất cả các yếu tố này sẽ gây ra những hệ lụy như: tăng giá thành sản phẩm, giảm khả năng tiêu thụ, kéo theo giảm quy mô sản xuất, giảm lao động... 

Đối tượng sẽ chịu ảnh hưởng và tác động nhiều nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nông dân - những người cung cấp các nguyên liệu như: mía, trái cây, rau quả, trà... 

Giá bán cao còn có khả năng dẫn đến hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng phát triển" - VBA cho biết.

Lo sức khỏe cho dân, Bộ Tài chính muốn tăng thuế đường, nước ngọt - Ảnh 2.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, việc áp dụng mức thuế suất 10% từ năm 2019 với mặt hàng nước ngọt có đường (trừ sữa) sẽ tăng thu cho ngân sách nhà nước khoảng 5.000 tỉ đồng. 

Trong khi theo các doanh nghiệp sản xuất trong ngành nước giải khát, nếu tính sơ sơ, họ hiện đang chịu ít nhất khoảng 10 loại thuế, phí.

Việc Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi 5 luật thuế, gồm Luật thuế VAT, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật thuế thu nhập cá nhân và Luật thuế tài nguyên, "nếu được thông qua, chắc doanh nghiệp không còn sức chịu đựng để mà tồn tại", phó tổng giám đốc phụ trách khối kinh doanh một doanh nghiệp sản xuất nước giải khát 100% vốn nước ngoài ở khu vực Bình Dương âu lo nói.

Theo ông Nguyễn Văn Việt - chủ tịch VBA, Nhà nước cần tiền nên cân đối ngân sách là cần thiết, tuy nhiên nếu dồn dập quá thì cần đánh giá tác động. 

Với lý do Bộ Tài chính đưa ra khi bổ sung nước ngọt vào danh sách chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là do "chứa đường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người", ông Việt thắc mắc "nhiều sản phẩm chứa đường khác cũng cần phải quản lý hay sao?".

Trong khi đó, Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) chỉ ra mức thuế tiêu thụ đặc biệt 10% kể trên khiến không chỉ các doanh nghiệp mía đường, nông dân trồng mía chịu ảnh hưởng mà có thể ảnh hưởng cả những doanh nghiệp, nông dân ngành cà phê, chè, trái cây...

Đảm bảo hợp lý...

Là một doanh nghiệp ngành trà, ông Đoàn Anh Tuân, giám đốc Công ty TNHH Thế Hệ Mới (Trà Cozy), cho biết việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với trà túi lọc là không hợp lý. 

Trà sử dụng thêm ít đường để uống cho ngon hơn, không thể coi đó là sản phẩm chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

"Nếu đánh thuế chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới thu nhập nông dân" - ông Tuân nói. 

Chưa kể, theo ông Tuân, Nhà nước đang kêu gọi tăng giá trị cho ngành nông sản qua chế biến sâu.

Đóng gói trà dạng uống liền là tăng giá trị, đáng lẽ ra Nhà nước hoan nghênh chứ không phải áp thuế mới.

Ông Nguyễn Hải, tổng thư ký Hiệp hội Mía đường VN (VSSA), cho biết việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt giúp giảm tỉ lệ béo phì hay tiểu đường chưa được khẳng định ở bất kỳ quốc gia nào. Nhiều nước áp dụng vẫn có tỉ lệ béo phì tăng liên tục, như Thái Lan, Brunei... 

Đặc biệt, hiện các doanh nghiệp sản xuất đồ uống ở VN đang sử dụng phổ biến hai loại: đường kính trắng sản xuất từ mía và đường lỏng chiết xuất từ tinh bột ngô (tên gọi là HFCS). 

HFCS có thể gây tình trạng mỡ trong gan, tăng nhiễu loạn hấp thu khiến thèm ăn, tăng cân, tiểu đường, suy giảm trí nhớ...

Độ an toàn của HFCS chưa được đánh giá một cách toàn diện nhưng nó vẫn đang được hưởng các chính sách ưu đãi đặc biệt về thuế và hạn ngạch.

Ông Hải cho hay VSSA đã đề nghị Bộ Tài chính xem xét lại việc áp thuế thuế tiêu thụ đặc biệt, tăng thuế VAT đối với đồ uống có đường và không cho dùng sản phẩm đường lỏng HFCS làm nguyên liệu sản xuất đồ uống.

Chính phủ gần đây liên tiếp ban hành các nghị quyết, nghị định yêu cầu triển khai tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. 

Nên việc có áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt lên nước ngọt, theo ông Việt, "cần phải xem xét thật thấu đáo, khách quan". 

Ông Việt cũng cho rằng không nên áp ngay mức thuế 10% mà cần có lộ trình và cảnh báo hiệu quả thu ngân sách từ nước ngọt có thể "hoàn toàn sẽ không như kỳ vọng của Bộ Tài chính".

Theo VBA, Bộ Tài chính cần giải thích rõ khái niệm "nước ngọt" trong dự án luật. Thay vì đánh thuế, VBA nêu kinh nghiệm một số nước yêu cầu dán logo khuyến nghị sức khỏe trên các sản phẩm với thông tin về hàm lượng đường, muối... để người tiêu dùng dễ nhận biết.

Chưa "tâm phục khẩu phục"

Ông Đậu Anh Tuấn, trưởng ban pháp chế VCCI, còn cho rằng ông không cảm thấy "tâm phục khẩu phục" khi đề xuất tăng thuế mà Bộ Tài chính đưa ra với nước ngọt. Rất nhiều sản phẩm khác sử dụng đường mà tại sao lại chỉ "đánh" với nước ngọt?

Ông Hoàng Văn Cường, ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, đồng tình tăng thuế đối với những sản phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Song, riêng thuế với nước ngọt có gas cần phải có ngưỡng, sản phẩm chứa bao nhiêu đường sẽ gây hại và chỉ đánh thuế đối với những sản phẩm có độ đường vượt ngưỡng đó chứ không thể cứ sản phẩm nào cũng áp thuế...

Ông Huỳnh Thế Du (giám đốc đào tạo Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright):

Bộ Tài chính cần đưa luận cứ thuyết phục

Lý do áp dụng thuế TTĐB đối với nước ngọt luôn là câu chuyện gây tranh cãi không chỉ ở Việt Nam mà tại nhiều nước.

Thực tế chưa có bằng chứng nghiên cứu nào làm rõ về tác hại của nước ngọt giống như rượu bia.

Chưa kể nước ngọt còn có nhiều loại là có gas và không gas, loại tốt và loại có hại cho sức khỏe.

Do vậy, nếu Bộ Tài chính muốn đánh thuế TTĐB với nước ngọt, cơ quan này cần phải đưa ra các luận cứ chứng minh có tính thuyết phục.

Với quan điểm cá nhân tôi, Bộ Tài chính nên hết sức cân nhắc đề xuất này vì hiện nay người dân đang khá bức xúc với chính sách thuế khóa. Đây chưa phải là thời điểm thích hợp.

Ngành thuế luôn luôn lắng nghe, luôn luôn chưa thấu hiểu

TTO - Cứ một sắc thuế đưa ra bị phản ứng, ngành thuế nói họ luôn lắng nghe, nhưng rồi dường như không chịu thấu hiểu các tác động đến giới doanh nghiệp và người dân vốn đang cảm thấy bị "vắt kiệt".

T.V.NGHI - T.LINH - T.MẠNH - LÊ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp