Theo báo cáo từ Công ty khảo sát thị trường Metric, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam cao vượt trội so với nền kinh tế chung. Trong 9 tháng đầu năm 2024, doanh thu Thương mại điện tử tăng 37,66% so với cùng kỳ 2023, riêng quý 3 đạt 84,75 nghìn tỉ đồng, tăng 18,15% so với quý trước. Cùng với sự tăng trưởng cao này là một nguồn rác thải khổng lồ đổ vào Việt Nam, tiềm ẩn nhiều nguy cơ với môi trường.
"Mua rác" về nhà với sản phẩm chất lượng kém
Ông Nguyễn Ngọc Hiển - phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp Hiệp hội Nhà sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường Việt Nam - đã thử mua hàng trên Temu và bất ngờ trước mức giá cực rẻ.
"Tôi tìm mua một chiếc nón chỉ với giá 70.000 đồng, trong khi ở các nơi khác giá dao động từ 120.000 - 250.000 đồng. Còn một đôi giày 300.000 đồng trên Temu thì ở Việt Nam có thể phải trả tới 600.000 đồng" - ông Hiển nói.
Theo ông Hiển, nhiều nền tảng khác như Shopee, TikTok, Shein… cũng đưa các sản phẩm giá rẻ từ Trung Quốc vào Việt Nam nhưng Temu dùng chiến lược kích cầu theo kiểu đa cấp như chiết khấu hoa hồng 30% khi mời bạn bè mua chung, cộng thêm 150.000 đồng khi giới thiệu người tải ứng dụng...
Bằng tạo tâm lý "mua càng nhiều, giá càng rẻ", nhiều người đã trở thành nhóm mua chung trên các mạng xã hội để cùng săn hàng giá rẻ, mua hàng nền tảng này. Do vậy ông Hiển cũng lo ngại về lượng rác thải nhựa sẽ gia tăng từ Temu thậm chí lớn hơn so với các sàn Thương mại điện tử khác.
"Với lượng rác thải gia tăng từ các sản phẩm giá rẻ trên các sàn TMĐT, Việt Nam thực sự có nguy cơ trở thành "bãi rác" nếu không có biện pháp kiểm soát", ông Hiển cảnh báo.
Một chuyên gia TMĐT cũng thừa nhận các sản phẩm giá rẻ trên các sàn TMĐT thường có chất lượng kém, dẫn đến nguy cơ "mua rác" về nhà tăng cao, làm gia tăng lượng rác thải bị loại bỏ, đặc biệt là những sản phẩm như ốp điện thoại, bình nước, thời trang, giày dép…
"Những mặt hàng này có thể mất hàng chục đến hàng trăm năm mới phân hủy và cũng là các sản phẩm bán chạy nhất trên sàn TMĐT", vị này nói.
Theo ông Phạm Văn Việt - phó chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM, những sản phẩm thời trang giá rẻ, không rõ nguồn gốc trên các sàn Thương mại điện tử không chỉ gây ô nhiễm mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng như dị ứng, mẩn đỏ.
"Sản phẩm kém chất lượng thường không mang lại cảm giác thoải mái, dễ nhăn nhúm và bị vứt bỏ sau thời gian ngắn sử dụng, gây thêm gánh nặng cho môi trường…", ông Việt cảnh báo.
Rác thải tràn vào Việt Nam, môi trường bị đe dọa
Theo báo cáo "Chất thải nhựa bao bì từ Thương mại điện tử tại Việt Nam" của Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF), trong năm 2023 Thương mại điện tử của Việt Nam tiêu thụ khoảng 332.000 tấn bao bì, trong đó 171.000 tấn là nhựa, phần lớn không được tái chế mà thải trực tiếp ra môi trường khiến tình trạng ô nhiễm nhựa trở nên trầm trọng.
Trong khi đó, theo Công ty khảo sát thị trường Metric, thời trang luôn đứng tốp mặt hàng có doanh thu cao nhất trên các sàn Thương mại điện tử, đặc biệt là thời trang trong phân khúc giá rẻ từ 100.000 - 200.000 đồng.
"Những mặt hàng này thu hút người tiêu dùng không chỉ rẻ mà còn đa dạng về mẫu mã, theo trend song tuổi thọ ngắn khiến chúng nhanh chóng trở thành rác thải", công ty này cảnh báo.
Báo cáo từ Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho thấy trong 7 năm qua, Thương mại điện tử Việt Nam duy trì mức tăng trưởng từ 16 - 30% mỗi năm. Theo các chuyên gia từ VECOM, nếu tốc độ tăng trưởng Thương mại điện tử tiếp tục duy trì ở mức cao với hai con số, quy mô ngành TMĐT đến năm 2030 có thể gấp 4,7 lần hiện tại, đồng nghĩa với việc lượng rác thải nhựa có thể lên tới 800.000 tấn/năm.
"Việc đóng gói hàng hóa Thương mại điện tử thường bao gồm hộp các tông, túi giấy, túi ni lông và các vật liệu phụ khác như băng keo nhựa, xốp lót, màng bọc ni lông - những vật liệu chủ yếu làm từ nhựa, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường", một chuyên gia của hiệp hội này cảnh báo.
Điều đáng lo ngại hơn, theo các chuyên gia này, phần lớn hoạt động Thương mại điện tử tập trung tại các TP lớn và ven biển như TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng - những nơi có hệ thống sông ngòi và biển, dễ gây ô nhiễm lan rộng ra đại dương.
Ông Phạm Văn Việt nhận định rằng thời trang nhanh giá rẻ là một trong những nguồn thải rác lớn nhất hiện nay. Những sản phẩm kém chất lượng thường không bền, dễ bị bỏ đi sau thời gian ngắn sử dụng, không chỉ gây áp lực lên môi trường mà còn tiềm ẩn rủi ro về dị ứng da cho người dùng.
"Các sản phẩm thời trang đang trở thành rác thải công nghiệp. Phần lớn chúng bị đốt hoặc chôn lấp do chất lượng vải thấp, khả năng tái chế không cao. Những sản phẩm giá rẻ khiến người tiêu dùng có xu hướng dễ dàng vứt bỏ sau khi sử dụng", ông Việt cho hay.
Ông Đỗ Hòa (nhà sáng lập Công ty Tinh Hoa Quản Trị):
"Kho chứa" của hàng dư thừa công suất, hàng kém chất lượng
Việc Trung Quốc xem Việt Nam là thị trường tiêu thụ hàng tồn kho hay thậm chí hàng lỗi không phải là vấn đề mới. Đây là một "chiến lược" xử lý công suất dư thừa trong sản xuất của nhiều quốc gia, trong đó có Trung Quốc.
Không những thế, đẩy hàng hóa qua các nước lân cận còn là cách quốc gia này giảm thiểu chi phí tiêu hủy hàng hóa không đạt tiêu chuẩn, hàng kém chất lượng, hàng dỏm... Thực tế cho thấy hàng hóa giá rẻ tràn ngập thị trường, đặc biệt trên các sàn TMĐT, thường đi kèm với chất lượng thấp hoặc bị lỗi về kỹ thuật, không đáp ứng được nhu cầu của thị trường nhiều nước và chúng được bán cho người tiêu dùng Việt Nam.
Chúng ta dễ dàng nhìn thấy những tấm hình sản phẩm "long lanh, chất lượng châu Âu, Mỹ" nhưng khi nhận được là hàng bèo nhèo, kém chất lượng. Nhiều người tiêu dùng phản ảnh họ thất vọng về chất lượng không khác "mang rác" về nhà, rồi chấp nhận bỏ đi chứ ít khi sử dụng dịch vụ trả hàng.
Nhưng nghiêm trọng hơn là hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc đang "nuốt chửng" thị phần của các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Với chiến lược xuất khẩu hàng giá rẻ sang các thị trường lân cận, Trung Quốc không chỉ tìm cách tiêu thụ sản phẩm dư thừa mà còn tạo ra "sức ép" khiến các doanh nghiệp nội địa khó cạnh tranh nổi.
Nếu tình trạng này tiếp diễn, Việt Nam có nguy cơ mất dần năng lực sản xuất nội địa, kéo theo tình trạng thất nghiệp và suy giảm kinh tế nghiêm trọng. Trong bối cảnh này, sự can thiệp của Chính phủ là rất cần thiết. Doanh nghiệp Việt Nam không mong muốn ưu đãi đặc biệt mà chỉ cần một môi trường công bằng.
Trong đó, cơ quan quản lý cần có chính sách quản lý chặt chẽ hơn đối với hàng hóa nhập khẩu, bao gồm cả hàng hóa từ Trung Quốc. Cụ thể, cần thiết lập các biện pháp kỹ thuật, thuế quan và quy định tiêu chuẩn rõ ràng để hạn chế các sản phẩm chất lượng kém và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp trong nước.
Chính phủ cần đảm bảo rằng hàng nhập khẩu phải tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng và nghĩa vụ pháp lý tương tự như hàng sản xuất trong nước.
Không hành động kịp, hàng Việt sẽ tiếp tục đánh mất sân nhà
Không phải ngẫu nhiên hàng Trung Quốc đang được tiêu thụ mạnh tại Việt Nam, dù từng có một thời gian dài người tiêu dùng Việt Nam rất "dị ứng". Trong thực tế, nhiều người tiêu dùng cho biết không chỉ hàng Việt có giá cao mà phí ship trong nước cũng cao hơn so với hàng ngoại nhập.
Đơn hàng Trung Quốc đến TP.HCM giá rẻ, giao nhanh hơn từ Hà Nội đến TP.HCM. Nhiều doanh nghiệp cho biết cước phí vận chuyển từ TP.HCM đi Vũng Tàu thậm chí còn cao hơn so với chuyển đến Singapore! Do vậy chỉ riêng về chi phí vận chuyển, hàng Việt đã giảm sức cạnh tranh.
"Sự yếu kém trong hệ thống hạ tầng và quản lý logistics khiến các sản phẩm Việt Nam khó có thể giữ được mức giá cạnh tranh và hệ quả là mất dần thị phần ngay trên chính sân nhà", một doanh nghiệp thuộc ngành hàng thời trang thừa nhận.
Trong khi đó, các doanh nghiệp Trung Quốc lại nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ, từ việc giảm thuế, hỗ trợ tài chính đến các chính sách khuyến khích xuất khẩu.
Ông Nguyễn Xuân Hùng, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, cho rằng trong bối cảnh này việc thích nghi và tận dụng những cơ hội từ sự phát triển của hệ thống logistics và TMĐT là điều cần thiết, thay vì chỉ tập trung vào việc đối phó với sự cạnh tranh từ hàng hóa Trung Quốc.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần cải thiện chất lượng sản phẩm, tối ưu hóa quy trình sản xuất và phân phối, đồng thời áp dụng các chiến lược marketing linh hoạt và sáng tạo, trí tuệ nhân tạo… để tiếp cận khách hàng.
"Nếu không hành động kịp thời, hàng Việt sẽ tiếp tục thua trên sân nhà" - ông Hùng cảnh báo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận